“Hậu trường” khó khăn để “điện đi trước một bước”

(PLO) - Mặc dù đã được Bộ Công Thương điều chỉnh lùi tiến độ sau năm 2015, song để đảm bảo cung cấp điện cho Khu công nghiệp Hải Hà theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã đầu tư gần 1.200 tỷ đồng xây dựng đường dây 220kV Hải Hà – Cẩm Phả, Trạm biến áp 220kV Hải Hà và đang quyết liệt đốc thúc tiến độ để đóng điện vào cuối năm nay.
Ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch Hội đồng thành viên NPT trực tiếp kiểm tra tiến độ Đường dây 220kV Hải Hà – Cẩm Phả
Ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch Hội đồng thành viên NPT trực tiếp kiểm tra tiến độ Đường dây 220kV Hải Hà – Cẩm Phả
Mưa 2 tháng, cắt điện 1 ngày
Con đường đất dài chưa đầy 2km dẫn lên vị trí cột 163 (phường Mông Dương, TP Cẩm Phả) sau cơn mưa nghịch mùa lầy lội như bãi chiến trường, chỉ có thể tăng bo vào bằng xe U oát. Cầm lái, Nguyễn Văn Cường, quê Nghệ An, tài xế Cty Truyền tải điện Đông Bắc 1 vẫn cười khì khì, nói “đường này ăn thua gì”. Thế nhưng, đơn vị xây lắp đường dây cung đoạn này, Cty điện Địa  phương (RECO) thì quá thấm thía. 
“Nói về khó khăn thì ngán nhất là thời tiết, trời mưa suốt” - ông Lương Thế Minh – Phó Tổng giám đốc RECO chia sẻ. Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành công trình vào ngày 15/12, tranh thủ những lúc khô ráo là dốc gấp rưỡi, gấp đôi lực lượng.
Ông Bùi Quảng Cảnh – Giám đốc Công ty Xây lắp điện 4 – đơn vị thi công Trạm biến áp 220kV Hải Hà cũng lắc đầu cho biết, nhật ký công trình gián đoạn mất khoảng 60 ngày vì mưa, đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8. “Khởi công từ mùng 4 tháng 5, tiến độ theo hợp đồng  là 7 tháng, chúng tôi sẽ hoàn thành vào tháng 12. Không sớm hơn được vì mưa lũ bất thường do El Nino. Cho đến thời điểm hiện nay thì dù sao cũng đã hoàn thành được khoảng 80% khối lượng công việc. Khoảng 25 – 30/11 máy biến áp của sẽ về đến nơi” – ông Cảnh nói.
Ngoài câu chuyện nắng mưa của ông trời thì khó khăn muôn thuở vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Cty cổ phần lắp máy INCO, đơn vị thi công cung đoạn đường dây qua TP Cẩm Phả không khỏi lo lắng vì thời gian không còn nhiều, trong khi vẫn còn 106 hộ dưới hành lang lưới điện chưa được chi trả tiền bồi thường. “Chúng tôi sẽ tổ chức 12 đội vào đây kéo dây, mặc dù chỉ 7km thôi, nhưng vì đặc thù địa hình ở đây, dưới hành lang đều có nhà. Chủ đầu tư bàn giao đến đâu, chúng tôi sẽ tập trung kéo cuốn chiếu đến đấy” – ông Cương nói.
Ngoài giải phóng mặt bằng, Cty cổ phần thương mại và xây lắp công nghiệp Thăng Long, đơn vị thi công cung đoạn đường dây 220kV qua địa bàn huyện Tiên Yên lại có cái khó khác, rất đặc thù. Trao đổi với phóng  viên tại vị trí cột 95, xã Yên Than, huyện Tiên Yên, ông Hà Trọng Văn – Phó Giám đốc cho biết: “Khó khăn nhất là kéo dây qua đoạn giao cắt này, vừa vượt sông Tiên Yên, vượt nhà dân, vượt đường dây 110kV, đầu bên kia lại vượt đường dây 35kV của Điện lực Quảng Ninh, trong khi chỉ được cắt điện đúng 1 ngày”. 
Vi phạm tiến độ: Cảnh cáo, phạt hợp đồng
Theo ông Văn, lịch cắt điện dự kiến ngày 10/12. Đơn vị sẽ phải huy động toàn bộ lực lượng thi công, dự kiến 80 người tập trung cho khoảng néo này (bình thường chỉ khoảng 20 người). Theo Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc, nguyên nhân chỉ được cắt điện 01 ngày là vì đường dây 110kV là tuyến “độc đạo” cung cấp điện cho cả khu vực, từ Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà đến Móng Cái. Đây cũng chính là lý do Tổng Cty Truyền tải Điện quốc gia (NPT) quyết liệt triển khai dự án.  
Ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty cho biết: “Chúng tôi phải làm sớm để đảm bảo cung cấp điện cho hộ tiêu thụ mới là KCN Hải Hà theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh và ngoài ra cũng để cung cấp điện cho khu vực. Cả TP Móng Cái, các huyện Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà hiện nay chỉ có mỗi một đường 110kV duy nhất, nếu như có sự cố thì rất khó đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn… Cho nên dự án này vào sớm ngày nào là tốt ngày đó”.
Phát biểu tại cuộc họp với các nhà thầu xây lắp, tư vấn, cung cấp vật tư và các bên liên quan cuối tuần trước, Chủ tịch Hội đồng thành viên NPT yêu cầu chốt tiến độ xây lắp vào ngày 15/12 để đảm bảo nghiệm thu, đóng điện toàn tuyến trước 31/12 năm nay. “Đơn vị nào chậm trễ sẽ phải chịu cảnh cáo, phạt hợp đồng” – ông Tường nhấn mạnh.
Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 8064/QĐ-BCT ngày 27/12/2012, theo đó đề xuất giảm quy mô và lùi tiến độ Trạm 220kV Hải Hà vào giai đoạn sau năm 2015. Tuy nhiên, với yêu cầu ưu tiên cấp điện ổn định cho các phụ tải thuộc diện khách hàng quan trọng của tỉnh Quảng Ninh đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị tại Văn bản số 3954/UBND-CN ngày 26/7/2013, với trách nhiệm đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao thực hiện đầu tư phát triển hệ thống lưới điện truyền tải 500-220kV trên địa bàn toàn quốc, NPT đã khẩn trương đầu tư xây dựng các dự án đường dây 220kV Hải Hà - Cẩm Phả, Trạm biến áp 220kV Khu công nghiệp Hải Hà, quyết tâm đưa vào vận hành trong năm 2015. Tổng vốn đầu tư cho 2 dự án này lên tới 1.171 tỷ đồng, đều do NPT thu xếp.
Điện phải “đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng “hậu trường” để thực hiện được bước đi trước này, quả cũng lắm gian nan. 

Đọc thêm