Doanh nghiệp số đi ra thế giới - nhiệm vụ khó khăn nhưng vinh quang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, đi ra nước ngoài là nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng đầy vinh quang và chỉ rõ đây là sứ mệnh của các doanh nghiệp để đưa Việt Nam hóa rồng hóa hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhiều cơ hội mở rộng thị trường

Ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, trong những năm gần đây, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh, cả về số lượng và năng lực cạnh tranh, đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số của đất nước, góp phần thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu, cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế chung tay xây dựng thế giới số.

Sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu chuyển đổi số bùng nổ trên thế giới, tạo ra thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ số. Đồng thời, khoảng cách số và khả năng truy cập dịch vụ của người dân ở nhiều vùng nông thôn, đặc biệt là các nước đang và kém phát triển, vẫn là thách thức lớn.

Theo thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), thế giới hiện vẫn còn khoảng 49% dân số, trong tổng số 8 tỷ người, tức là còn gần 4 tỷ người, chưa được kết nối Internet. Đây là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, năm 2023, Bộ TT&TT đặt trọng tâm làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ số Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện đầu tư - thương mại các nước nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới. Hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” là khởi đầu cho chương trình này.

Tại Hội nghị, các diễn giả trong nước và quốc tế tập trung trao đổi và chia sẻ về những cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam khi ra biển lớn. Lãnh đạo một số doanh nghiệp đã nêu nhiều kinh nghiệm, bài học, phương pháp tiếp cận, giải pháp hay, hiệu quả để khai thác thị trường các nước.

Với thông điệp “FPT tiên phong ra biển lớn – Vươn tầm trí tuệ Việt vì một Việt Nam hùng cường”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ về dấu ấn Việt nam trên bản đồ số toàn cầu, từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn hai thập kỷ, đến hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 25 nghìn lần, quy mô nhân lực là 27 nghìn người, tăng 900 lần.

Nói về kinh nghiệm trong hành trình đi ra quốc tế của Viettel, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết, ra nước ngoài từ năm 2006 đến nay Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ đô la Mỹ. Nhờ đó, Viettel đúc rút rằng phải luôn tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo khác biệt để cạnh tranh...

Gắn sứ mệnh của doanh nghiệp với sứ mệnh quốc gia

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Qua lắng nghe các ý kiến, chia sẻ của các đại biểu trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số. Nhận định đi ra nước ngoài là nhiệm vụ đầy khó khăn nhưng đầy vinh quang, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, đây là sứ mệnh của các doanh nghiệp để đưa Việt Nam hóa rồng hóa hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

“Doanh nghiệp hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia. Hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Và vì thế mà doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn. Bởi vì dân tộc và quốc gia là trường tồn. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng kêu gọi.

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng đã có những phân tích, dẫn chứng thuyết phục để đi đến khẳng định rằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài và có năng lực, điều kiện để vươn ra toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chính là thời điểm để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới: “Cơ hội lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, khi một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra với nhiều công nghệ mới. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này”.

Cùng với việc điểm ra các cách tiếp cận dựa trên những đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể chinh phục thế giới thành công, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin cụ thể những việc Bộ TT&TT đã, đang và sẽ làm giúp các doanh nghiệp đi ra nước ngoài.

Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau”, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu Chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước. Mỗi tháng Bộ TT&TT sẽ tổ chức ít nhất 1 sự kiện để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ số làm ăn ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ TT&TT công bố thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Đọc thêm