Báo PLVN đã có bài viết về thực trạng các doanh nghiệp nợ tiền ủng hộ chương trình “Tết vì người nghèo” ở Nghệ An. Qua 6 năm tổ chức, kết quả thống kê tiền đăng ký ủng hộ mỗi năm đều lên đến hàng chục tỷ, nhưng số “nợ” riêng năm 2018 đã làm 600 triệu. Một số doanh nghiệp không trao tiền như hứa hẹn, dẫn đến hàng nghìn hộ nghèo không được nhận quà Tết của chương trình.
Sau khi PLVN xác minh và phản ánh, có doanh nghiệp đã nhanh chóng “trả nợ”. Một công ty trụ sở tại TP Vinh cho biết đã chuyển 30 triệu đồng đến Quỹ ủng hộ vì người nghèo Nghệ An vào ngày 28/2/2019 (sau khi PLVN liên hệ xác minh). Trước đó đơn vị này phủ nhận việc mình hứa ủng hộ năm 2018.
Thông tin lại với PLVN kèm chứng từ ủy nhiệm chi, đại diện công ty phân trần: “Lúc đầu, chúng tôi có sự nhầm lẫn về thời gian nên khẳng định không hứa trao khoản tiền ủng hộ nào trong chương trình Tết vì người nghèo 2018. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại, phát hiện sự nhầm lẫn, chúng tôi đã chủ động chuyển tiền cho chương trình”.
Bên cạnh đơn vị chủ động rà soát lại như trên, có những doanh nghiệp vẫn không rõ ràng trong việc này.
Một đơn vị được cho là đang “nợ” ủng hộ 100 triệu năm 2018 là Công ty CP T.T.P (trụ sở ở TP Vinh). Nhưng khi PLVN xác minh, đơn vị này trả lời không đồng nhất. Đại diện doanh nghiệp lúc đầu tỏ ra ngạc nhiên, sau nói đã chuyển tiền, kèm theo lời chia sẻ: “Năm 2019, chúng tôi đã trao 1 tỷ đồng cho người nghèo, thì 100 triệu với chúng tôi không đáng là gì. Hứa cho người nghèo tiền mà không trao là có tội. Nếu có vấn đề như báo đề cập, chúng tôi sẽ cho người kiểm tra lại”.
Tuy nhiên, xác minh sau đó của PLVN với ban tổ chức vẫn khẳng định đơn vị này chưa thực hiện lời hứa, và đến nay thì im lặng không trả lời phóng viên.
Với mục đích “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, chương trình “Tết vì người nghèo” nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, việc một số doanh nghiệp đăng ký xong rồi thất hứa, thậm chí vì mục đích "đánh bóng, lấy thành tích” càng gây bức xúc trong dư luận.
Bà Đặng Thị Xuân, 70 tuổi, ở xã Hưng Đông, TP Vinh bày tỏ: “Cá nhân hay tập thể thì đều như nhau: đã hứa là phải làm. Đặc biệt trong công tác từ thiện, một đồng cũng quý, cũng phải thu chi rõ ràng. Có như thế mới giữ được niềm tin của nhân dân, mới kêu gọi được người ta tiếp tục ủng hộ. Chúng tôi mong các đơn vị nói và làm đúng tâm, đừng vì hình thức mà gây thiệt thòi thêm cho những người khó khăn. Mặt khác, các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm để đảm bảo tiền của các đơn vị được sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa”.
Nghệ An hiện có hơn 130.000 hộ nghèo, cận nghèo. Số hộ bị nợ quà năm 2018 là gần 3000 hộ (tương ứng 2-3%). Rút kinh nghiệm từ thiếu sót trên, năm nay ban tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo” Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị ủng hộ phải chuyển trước 30% để lấy kinh phí phân bổ trao quà cho các địa phương.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.