Doanh nghiệp Việt cần xem Singapore như một địa bàn trung chuyển

(PLVN) - Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, sau 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu (XK) gạo lớn nhất sang Singapore, chiếm 32,69% thị phần. Điều này đạt được nhờ mức tăng kim ngạch XK rất cao, lên đến 54,67% so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Ấn Độ lần lượt giữ 2 vị trí tiếp theo. Tổng kim ngạch của 3 nước này đã chiếm 90,21% thị phần gạo tại Singapore.
Một hoạt động quảng bá gạo Việt tại Singapore. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Ông Cao Xuân Thắng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam giữ được vị trí thứ nhất về XK gạo sang Singapore sau 6 tháng. Để tiếp tục duy trì đà này, doanh nghiệp (DN) XK phải tiếp tục nỗ lực tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm gạo, nhất là thị trường gạo Singapore có sự điều hành chặt chẽ của Chính phủ Singapore, thể hiện ở việc Chính phủ Singapore xét duyệt và cấp phép nhập khẩu; trực tiếp thanh, kiểm tra chất lượng gạo trước khi đưa ra thị trường.

Trưởng thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết thêm, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản đang là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo Singapore. Về cơ bản, thị trường gạo của Singapore có nhu cầu ổn định ở mức 300 đến 400 triệu SGD mỗi năm. Ông Thắng nhận định, các DN Việt Nam tận dụng khá tốt lệnh cấm XK các loại gạo từ ngày 20/7/2023 của Ấn Độ (trong đó, có loại gạo trắng mà Việt Nam có thế mạnh), để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch XK sang Singapore.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của các hiệp hội ngành hàng và DN trong công tác xúc tiến thương mại và tận dụng thời cơ, các hoạt động hỗ trợ DN của Thương vụ Việt Nam tại Singapore; cùng với sự chỉ đạo sát sao của các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch XK gạo vào thị trường Singapore.

Tuy vậy, ông Thắng đánh giá, về mặt xúc tiến thương mại, việc quảng bá và giới thiệu mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường vẫn còn tương đối ít, chưa có hoạt động xúc tiến quy mô lớn của các DN tập trung vào mặt hàng gạo. Hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày hàng hóa gạo tại Singapore chủ yếu do Thương vụ Việt Nam thường xuyên triển khai.

Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ rất quan tâm đầu tư quảng bá hình ảnh sản phẩm và có thỏa thuận với các đơn vị nhập khẩu, phân phối về việc giữ tên, thương hiệu hàng hóa sản phẩm gạo của họ. Nhưng DN XK gạo của Việt Nam vẫn ít chú trọng đầu tư vào các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm quy mô rộng, vì vậy các nhà nhập khẩu và hệ thống phân phối ở Singapore thường nhập gạo Việt Nam về và đóng gói mẫu mã, bao bì cùng thương hiệu nội địa của Singapore để dễ tiêu thụ trên thị trường.

Đáng chú ý, Trưởng cơ quan Thương vụ tại Singapore lưu ý, sản phẩm gạo Việt Nam không chỉ tiêu thụ tại thị trường Singapore mà còn được các doanh nghiệp Singapore xuất khẩu đi các nước khác trên thế giới. Do đó, các DN cần lưu ý vai trò địa bàn trung chuyển quan trọng của Singapore, chứ không phải đây chỉ là thị trường có gần 6 triệu dân của riêng quốc đảo này.

Đọc thêm