Doanh nhân mang án oan 10 năm kiện đòi VKS bồi thường: Tranh cãi việc áp dụng Luật Bồi thường mới hay cũ

(PLO) - Phiên tòa “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự” do TAND tỉnh Quảng Trị tiến hành xét xử vào một ngày nắng chang chang. Nguyên đơn trong vụ án là ông Dương Văn Hòa, bị đơn là VKSND tỉnh Quảng Trị. 
Ông Hòa không đồng tình với quan điểm của cơ quan tố tụng Quảng Trị về sự việc.
Ông Hòa không đồng tình với quan điểm của cơ quan tố tụng Quảng Trị về sự việc.

Theo đơn khởi kiện của ông Hòa, vào năm 2007, ông Hòa là Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành chuyên kinh doanh con, cây giống. Thời điểm đó ông có ký hợp đồng bán bò cho Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm tỉnh để cung cấp bò giống theo dự án giảm nghèo của Quảng Trị.

Một số hộ dân sau khi nhận bò do ông Hòa cung cấp (bò ông Hòa đã được tiêm chủng, hội đồng nghiệm thu tỉnh có biên bản bò đạt tiêu chuẩn) thì phát hiện có một con (bò của ông Hòa) bị sưng chân.

Sau đó dịch lở mồm long móng (LMLM) bùng phát mạnh khắp 6 huyện, thị xã Quảng Trị. Tất cả hướng điều tra đều đổ dồn về phía ông Hòa. Con bò bị sưng chân sau đó được xác định nguyên nhân là do va đập trong quá trình vận chuyển và không có biểu hiện của bệnh dịch LMLM.

Ông Hòa sau đó bị khởi tố về tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Tòa sơ thẩm tuyên phạt 18 tháng tù. Ông kháng cáo. Cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án điều tra lại.

VKSND tỉnh sau đó đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hòa theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự (BLHS) (miễn trách nhiệm hình sự). Ông Hòa tiếp tục kêu oan suốt 10 năm. Đến năm 2017, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hòa theo khoản 2 Điều 107 BLHS, thừa nhận hành vi của ông Hòa không cấu thành tội phạm. Ông Hòa được minh oan. 

VKSND tỉnh sau đó đã ra quyết định bồi thường cho ông Hòa 249 triệu đồng . Không đồng ý với mức bồi thường trên, ông Hòa khởi kiện VKSND tỉnh Quảng Trị đòi bồi thường số tiền gần 18 tỷ gồm tiền thiệt hại về tổn thất tinh thần, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại tài sản bị xâm hại gồm các vườn cao su, hồ tiêu. Những vườn cây giống này đã hư hỏng, quá lứa không thể xuất bán do ông Hòa bị khởi tố điều tra, cấm rời khỏi nơi cư trú, việc làm ăn buôn bán bị đình trệ. 

Một mình đóng hai vai

Phiên tòa hôm ấy do TAND tỉnh Quảng Trị tiến hành xét xử, vì vậy đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị giữ quyền kiểm sát việc xét xử tại tòa. Trong khi đó, bị đơn trong vụ án cũng chính là VKSND tỉnh Quảng Trị.

Người đại diện của bị đơn tham gia phiên tòa là ông Nguyễn Trường, Trưởng phòng 7, VKSND Quảng Trị. Theo nguyên đơn, đại diện phía bị đơn – ông Trường từng là người đại diện cho VKSND tỉnh đi xác minh thiệt hại, đứng ra thương lượng bồi thường.

Giờ ông Trường lại đại diện cơ quan ngồi ghế bị đơn trong việc giải quyết bồi thường là không đảm bảo tính khách quan. Ông Hòa yêu cầu phía bị đơn thay đổi người đại diện khác. HĐXX phải ngưng phiên tòa để bàn bạc, tuy nhiên sau đó tòa không chấp nhận ý kiến của nguyên đơn.

Phiên tòa kéo dài suốt hai ngày. Khác với buổi xét xử chiều hôm trước, trong phiên xét xử sáng hôm sau, khán phòng tràn ngập màu xanh của áo cảnh sát tư pháp. Hàng chục cảnh vệ đứng chen chúc trong khán phòng giữ trật tự. Phía ngoài sân tòa, ông Hòa cùng người thân mang theo băng rôn, khẩu hiệu đến tòa nhưng bị cảnh vệ buộc phải dẹp bỏ ở một góc tòa án. 

Đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị ngồi ghế bị đơn.
Đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị ngồi ghế bị đơn.    

Theo ông Hòa, quá trình bị khởi tố, ông có văn bản xin cơ quan có thẩm quyền đi khỏi nơi cư trú để xuất bán cây nhưng không nhận được sự hồi đáp của chính quyền địa phương và cơ quan tiến hành tố tụng. Theo ông Hòa, thiệt hại của các vườn ươm này có mối quan hệ nhân quả giữa các quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú của cơ quan có thẩm quyền.

Đại diện phía bị đơn lại cho rằng, vườn cây giống cao su trên không bị cơ quan tố tụng thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu, xử lý trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không bồi thường. Bị đơn cũng cho rằng nguyên đơn không có lần nào xin chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng đi khỏi nơi cư trú để chăm sóc vườn ươm.

Đối với những vườn ươm cách nhà chỉ khoảng 2 km, ông Hòa chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có thể diễn ra bình thường. Việc không xuất bán được không phải lỗi của cơ quan tố tụng. 

“Một người đang bị khởi tố, có nguy cơ phải ngồi tù, thì làm sao còn tâm trí để làm ăn, kinh doanh? Dù vườn ươm cách nhà 2km, hay nằm ngay chính bên hông nhà thì họ cũng không thể có đủ tinh thần, tâm trí cũng như sức khỏe để làm việc. Uy tín công ty cũng bị mất. Các đối tác làm ăn cũng rời xa. Hàng loạt vườn ươm không thể xuất bán dẫn đến hư hỏng đều là vì tôi mang án oan ấy”, ông Hòa phản bác.

Áp dụng luật nào?

Xuyên suốt phiên tòa, phía bị đơn yêu cầu tòa áp dụng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) 2009 để giải quyết, dựa vào căn cứ khoản 1 điều 78 Luật TNBTCNN 2017: “Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm 2017 có hiệu lực thi hành mà chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng Luật TNBTCNN 2009 để giải quyết”. 

Luật sư Võ Công Hạnh  (Công ty Luật Công Khánh, thuộc đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế) – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Hòa, phản bác, theo khoản 2 Điều 78 Luật TNBTCNN 2017: “Kể từ ngày 1/7/2018, các trường hợp đã yêu cầu bồi thường nhưng chưa được thụ lý giải quyết thì áp dụng quy định của Luật TNBTCNN 2017 để giải quyết”. 

VKSND Quảng Trị cũng cho rằng việc bồi thường cho ông Hòa vẫn đang trong giai đoạn được mình giải quyết. Trong khi đó chính cơ quan này đã ra Quyết định bồi thường số 781/QĐ-VKS-P7 ngày 14/6/2018 về việc bồi thường cho ông Hòa do chính mình ban hành. Trong suốt phiên tòa, quyết định trên hoàn toàn không được phía bị đơn là VKSND tỉnh đề cập đến. 

Luật sư Hạnh đã chỉ ra điểm mâu thuẫn này: VKSND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định bồi thường 249 triệu đồng cho ông Hòa (bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là hơn 217 triệu đồng, hơn 31 triệu đồng là tiền thiệt hại khác; còn thiệt hại do tổn hại về sức khỏe, thiệt hại do thu nhập bị mất, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm đều bằng 0 đồng). 

Không đồng ý với quyết định bồi thường trên, ông Hòa đã yêu cầu TAND tỉnh Quảng Trị giải quyết bồi thường bằng đơn khởi kiện ngày 28/6/2018. TAND sau đó đã ra thông báo thụ lý vụ án vào ngày 6/8/2018 (sau ngày Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực thi hành). 

Như vậy, việc ông Hòa yêu cầu TAND tỉnh Quảng Trị giải quyết bồi thường là yêu cầu bồi thường hoàn toàn độc lập, không liên quan đến việc thụ lý, giải quyết của VKSND tỉnh. Luật sư Hạnh đề nghị HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 78 Luật TNBTCNN 2017 để áp dụng luật TNBTCNN 2017 để giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Hòa.

Theo Luật sư Hạnh, ông Hòa bị khởi tố oan 3682 ngày , tính theo mức lương cơ sở, VKSND tỉnh phải bồi thường tổn thất về tinh thần là hơn 465 triệu đồng. Do ông Hòa bị cơ quan tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời bị cấm đi khỏi nơi cư trú nên không thể khai thác, xuất bán các vườn ươm cao su trên dẫn đến vườn ươm bị hư hỏng, không thể khắc phục nên VKS cần phải bồi thường số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Luật sư Võ Công Hạnh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.
Luật sư Võ Công Hạnh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.

Ngoài ra ông Hòa còn bị thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại do không thể thực hiện hợp đồng. Tổng số tiền ông Hòa yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị phải bồi thường là gần 18 tỷ. 

Sau gần 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Quảng Trị cho rằng, ông Hòa không bị tạm giữ, tạm giam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú không ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của ông Hòa. Ông Hòa không cung cấp được những chứng cứ chứng minh thiệt hại của mình. Hơn nữa, những thiệt hại mà nguyên đơn liệt kê không do cơ quan tố tụng gây ra.

Tòa viện dẫn Luật TNBTCNN năm 2009, tuyên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn, buộc VKSND tỉnh bồi thường cho ông Hòa hơn 264 triệu đồng trong tổng số gần 18 tỷ đồng nguyên đơn yêu cầu.

Khi chủ tọa phiên tòa tuyên án, đến phần nhận định của tòa án, ông Hòa cho rằng “nghe giống như in phần phát biểu quan điểm xử lý vụ án của VKSND tỉnh”, nên bức xúc kéo hết ra khỏi tòa án. Bị đơn vẫn ngồi nghe tuyên án, trong khi ở ghế nguyên đơn, cháu trai ông Hòa (thay mặt ông Hòa tham gia tố tụng) nằm dài trên bàn đầy chán nản.

Trưa, trời Quảng Trị nắng như đổ lửa, ông Hòa cùng người thân vẫn đứng nơi sân tòa án bày tỏ sự không đồng tình về cách xử lý vụ án, nhưng chẳng còn ai nghe ông bày tỏ những uất ức mà mình đã đang trải qua.              

Tại phiên tòa, luật sư đã yêu cầu HĐXX tạm ngưng phiên tòa để thực hiện việc xác minh thiệt hại tài sản, vì đây là một phần trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường và của tòa án như luật định. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng không được chấp nhận. 

Đọc thêm