Đoạt mạng nhân tình vì bị khước từ sống chung

(PLO) - “Dù gia đình bị cáo chưa đền bù đồng tiền nào, nhưng dù sao người cũng đã mất. Hơn nữa, hoàn cảnh của bị cáo khó khăn, chúng tôi nhận thấy sự hối lỗi thật sự của bị cáo nên quyết định viết đơn xin giảm án cho Sơn. Hy vọng, bị cáo sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật để có cơ hội làm lại cuộc đời”, những lời phát biểu của đại diện người nhà bị hại trong vụ án khiến bị cáo, những người tham dự phiên tòa và HĐXX cảm kích. 
Nguyễn Hữu Sơn bị tòa phúc thẩm tuyên y án tù chung thân
Nguyễn Hữu Sơn bị tòa phúc thẩm tuyên y án tù chung thân

Cơn giận dữ của đối tượng si tình

Ngày 29/11, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm với Nguyễn Hữu Sơn (53 tuổi, ngụ xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An), đối tượng chém hàng chục nhát dao khiến bà Dương Thị Bình (SN 1969, ngụ xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ) tử vong. Trước đó, ngày 20/7/2018, TAND tỉnh Nghệ An tuyên bị cáo Sơn chung thân về tội Giết người. 

Sau khi tòa tuyên án, bị cáo đã có đơn kháng cáo gửi TADN cấp cao tại Hà Nội xin giảm nhẹ hình nhạt. Trong quá trình xét xử, có những lúc Sơn nghẹn ngào khi nhắc đến căn nguyên dẫn đến hành động tội ác của mình.

Sơn từng có một cuộc hôn nhân, nhưng không sinh được con nên vợ chồng đường ai nấy đi. Sau một thời gian, Sơn tìm được niềm vui trong cuộc sống khi bà Dương Thị Bình – giáo viên mầm non trên địa bàn chấp nhận tình cảm yêu đương.

Bảy năm qua lại, Sơn kể bà Bình từng thề hẹn sẽ “yêu mãi mãi”, đồng thời hứa đến ngày 9/6/2017 sẽ cho Sơn đến ở cùng. Những lời hứa hẹn, tình cảm của người tình khiến người đàn ông từng một lần đổ vỡ trong hôn nhân tìm lại được cảm giác hạnh phúc. Sơn hết lòng vun vén cho cuộc tình này và mong chờ ngày về chung một nhà với cô giáo mầm non sắp về hưu. 

Thế nhưng, quá thời gian đã đưa ra, nhưng bà Bình vẫn chưa bảo Sơn chuyển đến ở cùng. Nóng ruột, Sơn khéo léo hỏi người tình thì nhận được câu trả lời “chỉ là nói đùa”. Sau đó, người phụ nữ này nhiều lần từ chối tình cảm của Sơn, đồng thời hứa sẽ tìm cho Sơn cô gái khác. Dù vậy, Sơn vẫn một mực níu kéo mối tình mà mình theo đuổi 7 năm trời.

Tối ngày 2/7/2017, Sơn đến nhà bà Bình và tiếp tục nhắc lại chuyện về chung một nhà. “Xin em đừng bỏ anh, anh chết mất”, Sơn cầu xin người tình nhưng bà Bình nhất quyết phản đối. Người phụ nữ này bị cho là còn bảo Sơn “lèo nhèo” rồi đuổi ra khỏi nhà. Sơn nói đuổi sẽ hận nhưng bà Bình trả lời “hận thì hận” đồng thời cấm cửa “từ ngày mai không được đặt chân đến đây nữa”. 

Cho rằng người tình cạn tình, Sơn nghi ngờ bà Bình đã có người khác, thời gian qua mình bị lừa dối nên khi thấy con dao ở đầu giường, Sơn cầm lên vung nhiều nhát. Nạn nhân phản kháng liền bị Sơn tiếp tục chém nhiều nhát vào đầu, mặt, cơ thể.

Gây án xong, Sơn chạy xe máy về nhà thay quần áo, gọi người thông báo sự việc nhưng… điện thoại hết tiền không liên lạc được. Sau đó, người đàn ông này đến Công an huyện Tân Kỳ (Nghệ An) tự thú. Khi công an đến hiện trường thì bà Bình đã tử vong với 22 nhát dao trên cơ thể. 

Cơ quan cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Sơn. Viện pháp y tâm thần Trung ương kết luận tại thời điểm phạm tội và tại thời điểm giám định, Sơn bị bệnh tâm căn suy nhược. Tại các thời điểm trên, Sơn đủ năng lực nhận thức, điều khiển hành vi.

Tình người trong phiên xử

Tại phiên tòa sơ thẩm trước đó, Sơn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng nêu. Bị cáo trình bày: “Cuộc đời của bị cáo không có nhiều may mắn. Cuộc hôn nhân đầu không giữ được một phần vì không có con. Do vậy, khát khao một mái ấm với những đứa con luôn thường trực trong lòng bị cáo.

Do vậy, khi được nạn nhân đón nhận tình cảm yêu đương, bị cáo vui mừng, thấy cuộc sống có ý nghĩa. Tuy nhiên, bên nhau một chặng đường khá dài nhưng bị hại đột nhiên lạnh nhạt, muốn cắt đứt khiến bị cáo hụt hẫng, không làm chủ được hành vi của mình. Bản chất của bị cáo không phải là người côn đồ, bị cáo rất yêu nạn nhân”. 

Tòa sơ thẩm nhận định, hành vi giết  người của bị cáo có tính côn đồ nên tuyên phạt Sơn mức án tù chung thân. Ngoài ra, bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho phía bị hại gần 160 triệu đồng, chu cấp mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho mẹ bà Bình.

Không đồng ý với mức án trên, Sơn đã có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo không đưa ra tình tiết mới, nhưng người nhà bị hại gồm: mẹ, anh trai và hai đứa con của bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Sơn.

Phát biểu tại tòa, người nhà bị hại trình bày: “Dù vụ án xảy ra hơn 1 năm, nhưng đến nay gia đình tôi chưa nhận được bất cứ khoản tiền đền bù nào. Lúc đầu, chúng tôi rất tức giận, nhưng đến nay dần nguôi ngoai.

Hơn nữa, giữa bị cáo và gia đình tôi cũng có thời gian quen biết. Bị cáo và gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn, nên chúng tôi quyết định xin giảm án cho Sơn. Đề nghị tòa giảm án cho Sơn xuống mức án 18 năm tù, để anh ta có cơ hội trở về làm lại cuộc đời”.

Lời đề nghị của đại diện gia đình bị hại không những khiến bị cáo, những người có mặt tại phiên tòa xúc động mà ngay chính HĐXX cũng cảm kích. Tòa đề cao tính nhân văn, đầy tình người của gia đình bị hại, đồng thời chia sẻ nỗi đau cùng gia đình nạn nhân.

Nghe những lời phát biểu của đại diện bị hại, đôi mắt của Sơn đỏ hoe. Bị cáo quay xuống gửi lời xin lỗi, đồng thời cảm ơn gia đình bị hại. “Tôi sai rồi. Tôi thành thật xin lỗi gia đình bị hại”, Sơn nói với người thân nạn nhân. Tham dự phiên tòa, chị gái của bị cáo cũng cảm ơn tấm lòng bao dung của gia đình bị hại.

“Chúng tôi biết việc làm của Sơn là đáng lên án, phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Đáng lẽ ra, sau khi gây ra vụ việc, chúng tôi phải có trách nhiệm bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình bị hại, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn quá nên vẫn chưa đền bù được”, chị gái bị cáo phát biểu tại tòa.

Người phụ nữ này hứa: “Chúng tôi nghèo đói, bệnh tật, nhưng hứa sẽ thay mặt Sơn thường xuyên qua lại, thăm hỏi, chăm sóc mẹ của chị Bình trong suốt quãng đời còn lại”.

Nguyễn Hữu Sơn có hoàn cảnh rất khó khăn. Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu, Sơn chung sống với vợ chồng chị gái. Ngặt nỗi, vợ chồng chị gái của bị cáo cũng có hoàn cảnh rất éo le, thuộc diện hộ nghèo, đói kém. Hiểu rõ tình cảnh của gia đình bị cáo nên gia đình bị hại quyết định xin giảm nhẹ cho Sơn. 

HĐXX cho rằng, hành vi phạm tội của Sơn là đặc biệt nghiêm trọng, phiên sơ thẩm đã cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.

Tại phiên phúc thẩm, dù đại diện gia đình bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị cáo không đưa ra được tình tiết gì mới làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt nên tòa đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Nghe mức án, bị cáo đầu hai thứ tóc bỗng run lên, khóc nức nở.  

Đọc thêm