Nhà nhà dùng những đòn bánh tét ngon nhất, to nhất để dâng cúng ông bà, trời đất vào đêm Giao thừa và đãi khách trong ba ngày Tết. Cứ khoảng 28-29 Tết, nhà nào nhà nấy tất bật chuẩn bị các nguyên liệu để gói bánh như lá chuối, dây lát, dừa, nếp…
Rồi đến 30, các bà, các chị xúm xít nhau ngồi gói bánh, nói cười rôm rả cả một xóm. Đến tối, mọi người lại cùng thức quây quần với nhau để canh nồi bánh tét và đón Giao thừa.
Bà Bàn Thị Xíu (73 tuổi, còn gọi là bà Xíu Tiên, ngụ huyện Long Mỹ, Hậu Giang) tâm sự: “Ngoài Bắc có bánh chưng, mình ở đây thì có bánh tét. Có bánh tét thì mới là ngày Tết, mới sum vầy. Mỗi lần tới Tết, mình chuẩn bị gói bánh tét, rồi con cháu quây quần quanh mình cũng an ủi, vui vẻ tuổi già. Ai biết gói thì gói, ai không biết thì tập, xúm nhau làm sáng đêm, vui lắm. Tết mà!”.
Gói bánh tét là dịp vui để mọi người ngồi lại với nhau, 3-4 nhà cùng hùn lại nấu một nồi bánh vài chục đòn rồi chia nhau mang về. Bánh tét thường nấu rất lâu, mất khoảng 12 tiếng mới chín và kỹ thuật canh lửa cho nồi bánh là cực kỳ quan trọng.
Trước đây, bánh tét chỉ có hai loại nhân là đậu mỡ và chuối. Theo thời gian, bánh tét có nhiều đổi mới. Bánh tét giờ đã đa dạng các loại nhân như thập cẩm, lạp xưởng, nhân sâm… Không chỉ ruột mà hình thức bánh cũng được đầu tư hơn, không còn đơn thuần là màu xanh của lá chuối, màu trắng của nếp mà còn có cả màu lá cẩm, màu lá dứa, màu gấc, đậu biếc…
Gia đình bà Xíu Tiên nhiều năm nay nổi tiếng khắp vùng với món bánh tét nhân sâm độc đáo. “Hồi nhỏ hay thấy má của ngoại (bà Xíu – PV) làm bánh tét, ngoại cũng làm theo rồi riết biết làm luôn”, bà Xíu nói.
Món bánh tét nhân sâm là món bánh bà Xíu tự nghĩ ra. Theo lời chị Lê Thị Bảy (con gái bà Xíu), ngày xưa ông ngoại chị là một thầy thuốc, lưu lạc nhiều nơi và sau đó định cư ở Mỹ. Do hoàn cảnh gia đình mà ngay từ nhỏ bà Xíu đã không được gặp mặt cha mình, đến sau này khi lớn lên mới bắt đầu liên lạc thư từ với cha.
Một thời gian sau, cha bà gửi về cho con gái một ít củ sâm để làm quà. Lúc này, bà Xíu mới đem những củ sâm đó gói vào trong đòn bánh tét cho các con ăn. Thấy mẹ tuổi đã cao, chị Bảy muốn giúp mẹ lưu giữ lại những kỷ niệm của ông ngoại cũng như muốn nhân lúc mẹ vẫn còn khỏe, vẫn tự tay gói bánh được để cùng mẹ tận hưởng những giây phút vui vẻ bên nồi bánh tét. “Tôi muốn mẹ khi cầm cái bánh đó mẹ cảm thấy tự hào, mẹ vui vẻ thì có thể sống lâu hơn với con cháu”, chị Bảy nói.
Năm 2015, chị Bảy đem loại bánh đặc biệt này đi thi ở Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ và đoạt giải Nhất. Từ đó, thương hiệu bánh tét nhân sâm của gia đình được nhiều người biết đến và ngày càng phát triển. Tết này, gia đình chị tất bật gói hàng trăm đòn bánh tét để cung ứng ra thị trường, lượng khách đặt hàng dịp cuối năm khá cao.
Những người đã ăn qua bánh tét nhân sâm đều khen bánh này rất ngon, hạt sen, trứng, nhân sâm và thịt gà hòa quyện cùng nếp tạo nên một hương vị đặc biệt. Từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu nấu bánh chị Bảy đều rất tỉ mỉ và kỳ công. Nhân sâm sử dụng là hồng đẳng sâm, loại sâm có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên khi đưa vào làm nhân bánh phải cho lượng vừa đủ, ít quá bánh không thơm ngon, nhiều quá bánh sẽ có vị đắng.
Bên cạnh đó, thay vì sử dụng thịt heo nạc, chị Bảy chọn thịt gà có vị ngọt thanh, không béo ngậy, không có mỡ. Nếp được dùng cũng là loại nếp ngon, dẻo. “Nói chung nguyên liệu nào cũng phải được chú trọng, lựa chọn thứ tươi ngon nhất để bánh tét làm ra được ngon, có hương vị riêng và chất lượng”, chị Bảy cho biết.
Trước sự phong phú của bánh tét ngày nay, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ: “Người ta muốn dâng cúng lên ông bà, tổ tiên những cái bánh đẹp hơn về mẫu mã, ngon hơn về chất lượng và đó là một xu thế tất yếu, có khi trong tương lai còn cải tiến nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo tôi, những đòn bánh tét chúng ta dâng cúng vào dịp Tết, dù cho chúng ta có biến tấu, có cách tân, đa dạng hóa nó như thế nào thì cũng làm sao phải giữ được bản sắc, chất gốc để nó là bánh tét, chứ không phải là bánh gì khác”.