Là kinh đô xưa, Huế còn giữ nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết. Trong đó lễ nghi thờ cúng là phần quan trọng nhất, được thực hiện rất trang nghiêm, bài bản với sự kính cẩn, thành tâm. Ngay từ đầu tháng Chạp, những người phụ nữ trong gia đình đã tất bật chuẩn bị cho việc thờ cúng tổ tiên.
Những món đồ trong ngày Tết không thể thiếu sản phẩm của các làng nghề truyền thống của Huế như: hoa giấy Thanh Tiên, hạt nổ ngũ sắc,… món ăn thì có bánh chưng Nhật Lệ, bánh tét làng Chuồn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Huế.
Phụ nữ Huế hiếm khi chọn mua bánh mứt Tết ở chợ, nhà nghèo làm theo kiểu nhà nghèo, ít vị, rẻ tiền, nhà khá giả thì bánh mứt đủ chủng loại hơn. Ai cũng gói ghém bánh trái, chăm chút làm mứt món với tất cả sự đam mê, lòng thành kính để dâng cúng tổ tiên, đất trời, chiêu đãi khách khứa, bạn bè. Nhiều gia đình ở Huế thường nấu cho con cháu nồi bánh tét nhân mỡ, nhân đậu xanh để ăn trong ngày Tết.
Huế có lẽ là nơi cầu kỳ nhất trong việc chế biến món ăn ngày Tết cũng như chuẩn bị mâm cơm cúng Tết. Mặc dù vẫn theo truyền thống của miền Trung là giản dị nhưng ngày Tết ở Huế, mâm cơm cúng vẫn toát lên vẻ cao sang nhờ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây.
Bánh tét xanh thẫm làm dậy hương nếp cái nhờ nước cốt lá ngót ngâm gạo; bò bắp giấm nước mắm thái lát mỏng như tàu lá màu nâu tươi ăn kèm với dưa chua ngọt. Đặc biệt trên mâm cỗ Tết của người dân xứ Huế bên cạnh đĩa bánh tét, dưa món, bò bắp giấm… bao giờ cũng có thêm một chén nhỏ tôm chua…
Quan trọng hơn cả vẫn là nơi thờ tự, thay cát trong bát hương trên bàn thờ gia tiên. Để thể hiện lòng thành kính, cát thay phải trắng tinh và mịn được lấy từ các làng quê ven biển. Các đồ thờ cúng như lư hương, chân đèn phải được đánh bóng sạch sẽ.
Mâm quả của người Huế không nhất thiết phải là ngũ quả “Cầu-Sung- Dừa-Đủ-Xoài” theo quan niệm của người phương Nam, nhưng không thể thiếu nải chuối, gọi là chuối mật. Đây là loại chuối duy nhất mà người Huế dùng để thờ cúng tổ tiên trong dịp lễ Tết.
Vào thời khắc chuyển sang năm mới, người Huế tổ chức cúng giao thừa. Lễ vật cúng giao thừa được bày biện ở ngoài sân lẫn trong nhà và đều là cỗ chay. Mâm cúng ngoài trời là để đưa đón các vị Hành khiển, diễn ra trước lúc giao thừa ít phút. Lễ cúng trong nhà diễn ra vào đúng thời điểm chuyển sang năm mới để cầu xin tổ tiên “phù hộ độ trì” cho con cháu trong gia tộc một năm mới may mắn, an khang.
Sáng sớm mồng Một Tết, nghi lễ đầu tiên là lễ cúng Nguyên đán. Đó là lúc người Huế làm lễ cúng chay trên bàn thờ tổ tiên. Lễ vật là trầm, trà, mứt bánh… đơn giản nhưng tinh khiết. Sau lễ ấy, gia chủ mới mở cửa đón khách đến nhà thăm Tết. Từ ngày mồng Một Tết trở đi, mỗi ngày phải cúng 3 lần, sáng - trưa - chiều trên bàn thờ tổ tiên.
Ở Huế trong ngày Tết có một phong tục thật đẹp và đầy tính nhân văn, đó là đi viếng mộ tổ tiên, người thân đầu năm. Sáng mùng Một Tết các gia đình tập trung con cháu đông đủ rồi cùng nhau đi viếng mộ. Ai cũng muốn tranh thủ dành tình cảm, sự quý trọng, lòng biết ơn đối với người đã khuất trong thời khắc linh thiêng nhất của ngày đầu năm mới.
Các nghĩa trang đông nghịt người đi viếng, hoa vạn thọ, hoa cúc rực vàng, mùi nhang trầm quyện thơm tạo một không gian ấm cúng, thiêng liêng trong ngày đầu năm. Các gia đình đến đây không chỉ thắp hương cho những phần mộ người thân, mà những ngôi mộ vô danh, vắng chủ cũng ấm lên trong tình cảm chia sẻ của mọi người.
Nhiều gia đình chọn đi lễ chùa sáng ngày mồng Một Tết, kể cả những người không theo đạo Phật. Đi lễ chùa lạy Phật, vãn cảnh chùa, gặp gỡ và đàm đạo với các vị sư đó là lúc người xứ Huế tìm đến sự tịnh tâm an lành trong cuộc sống chứ không phải cầu tài, cầu lộc. Mục đích giúp con người thấy lòng nhẹ nhàng thanh tịnh, tâm hồn hướng thiện, sống từ bi hỷ xả.
Vùng đất Huế chính là nơi hội tụ những tinh hoa, nơi tiếp nhận di sản văn hóa của tổ tiên của các thế kỉ trước, được bảo lưu, bảo tồn trong cuộc sống đương đại. Chính cái hoàn cảnh lịch sử đặc biệt ấy đã đem lại cho văn hóa Huế một tinh hoa văn hóa của dân tộc và Huế xem như là đại diện cho cả nước, bảo tồn tinh hoa đó của nhân loại.
Đọng lại giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc, xác định cho con người một tọa độ giữa con người và hồn thiêng sông núi của tổ tiên, của Phật và các thánh thần. Con người nối kết trong vòng luân chuyển như vậy nên con người không cô đơn, từ đó đem lại cho con người cách ứng xử nhân ái hơn, thanh tịnh hơn, sống để sẻ chia, nhường nhịn lẫn nhau.