Độc đáo Lễ Cấp sắc - nghi lễ định danh một thanh niên người Dao trưởng thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông ở tất cả các ngành Dao. Theo quan niệm của người Dao, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì vẫn chỉ như trẻ nhỏ.
Một Lễ Cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang.
Một Lễ Cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang.

Cấp sắc để trưởng thành

Lễ cấp sắc - Một nghi lễ dân gian đã được lưu truyền từ ngàn đời nay trong cộng đồng người Dao đỏ, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo tín ngưỡng, nam giới người Dao đỏ nếu chưa được cấp sắc thì dù sống tới già vẫn bị coi là chưa trưởng thành, sẽ không được tham gia vào các công việc hệ trọng. Người đã được cấp sắc dù là trẻ con vẫn được tham gia vào các nghi lễ quan trọng của gia đình hay cộng đồng. Họ quan niệm, chỉ có người đã thụ lễ mới có đủ tâm, đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương - tổ tiên của người Dao.

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là “quá tang” hay “quá tăng”. Từ “Quá”  có nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; “tang” là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy, “quá tang” nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ việc thắp đèn soi sáng người thụ lễ khi làm lễ cấp sắc. Ngoài ra còn có các tên gọi khác như: say cháy, chay thầy xấy, phùn voòng…

Lễ cấp sắc của người Dao đỏ.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ. 

Lễ cấp sắc thường tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên và thực hiện vào thời gian nông nhàn. Để chuẩn bị lễ cấp sắc, gia đình phải nuôi lợn, tích lương thực, thực phẩm, vàng mã và các thứ khác để làm lễ và cỗ mời bà con, họ hàng.

Các ngành Dao thực hiện các nghi lễ cấp sắc như: lễ nhận thầy, lập ban thờ mới, mời thần linh nhà thầy cúng đi làm lễ, mời thần linh, tổ tiên nhà người được cấp sắc về làm lễ, lễ cấp đèn, lễ đặt tên, lễ dạy làm thầy…Tuy nhiên, mỗi ngành lại có những khác biệt riêng.

Với người Dao Tiền, trước ngày thụ lễ, con thầy (người được cấp sắc) phải ở với bố, không tiếp xúc với mẹ trong 3 ngày. Mỗi ngày, người được cấp sắc chỉ ăn một bát cơm và rau, không được ăn thịt. Sau khi làm lễ xong mới được ăn thịt và tiếp xúc với mọi người.

Thầy được phép làm lễ cấp sắc gồm, 02 thầy cúng chính, 01 thầy cúng phụ, 03 người đọc thơ, 03 nam và 03 nữ thanh niên hát, họ hàng nội, ngoại người được cấp sắc, người giúp việc cho buổi lễ và người dân trong bản. Gia đình tự chọn thầy cúng, mặc định thầy cả là người bên họ nhà ngoại, thầy hai là người bên họ nhà nội và thầy giúp việc.

Trước làm lễ 7 ngày, người được cấp sắc cùng bố tới nhà thầy cả và thầy hai làm lễ để nhận hai thầy. Khi đi mang theo một gói muối (gói vào lá dong) đến nhà thầy đặt gói muối lên bàn thờ, xin phép được nhận thầy. Khi đi làm lễ, thầy cúng thắp hương xin phép tổ tiên nhà mình, cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà người thụ lễ để làm lễ cấp sắc. 

Các bước tiến hành nghi lễ 

Khi đi làm lễ hai thầy cúng mang theo tranh Tam Thanh, tranh múa, trang phục thầy cúng, bộ âm dương, gậy ma và có 3 người hát nữ đi cùng. Đến nơi, thầy lập bàn thờ mới trong nhà của người được cấp sắc, đặt cạnh bàn thờ tổ tiên. Trên bàn đặt 02 mâm lễ của thầy cả và thầy hai. Phía trên ban thờ thần linh treo tranh Tam Thanh và tranh múa của 2 thầy. Hai thầy làm lễ tại bàn thờ tổ tiên của gia chủ, thông báo việc đến làm lễ, xin âm dương cho phép tiến hành lễ cấp sắc. Người giúp việc dùng chổi quét từ trong nhà ra ngoài sân để đuổi cái xấu ra ngoài.

Thầy cả và thầy hai mặc trang phục thầy cúng để làm lễ. Người được cấp sắc đứng đối diện với thầy hai, bố của người cấp sắc thì đứng đối diện với thầy cả. Hai thầy làm lễ đuổi đi những cái xấu, mời rượu thần linh, chia tiền vàng để cảm tạ thần linh. Tiếp theo, mọi người cùng múa xoè để mừng lễ cấp sắc.

Một nghi lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt ở Phú Thọ.
Một nghi lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt ở Phú Thọ. 

Bắt đầu lễ cấp đèn cho người được cấp sắc, thầy cả đứng trước ban thờ khấn xin thầy của mình và thần linh, mời rượu thần linh, gieo quẻ xin âm dương, chia tiền cho thần linh. Thầy làm lễ xua những điều xấu ra khỏi người được cấp sắc bằng cách cầm thanh kiếm đi vòng quanh, dùng kiếm hất mẩu giấy trên mũ ra rồi gieo quẻ âm dương, rồi cầm mẩu giấy, tay đặt lên đầu gối, chân co lên nhảy lò cò ra cửa, vứt mẩu giấy đó đi (vứt đi cái xấu xa). Trong lúc thầy cả xua đuổi điều xấu, thầy hai làm lễ đón điều tốt, điều thiện về cho người được cấp sắc.

Đối với người Dao tiền ở Sơn La, lễ cấp sắc thường làm 03 đèn, chỉ trưởng họ mới được tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn. Thầy cả đứng trước ban thờ xin với tổ tiên và thần linh xin được lấy tên cho người được cấp sắc (tên do gia đình dự kiến trước). Thầy cúng xin âm dương tìm sự đồng ý của tổ tiên và thần linh cho tên mà gia đình chọn.

Đặt tên xong, thầy tiếp tục làm lễ cấp phép cho người được cấp sắc để họ sử dụng các đồ nghề của thầy cúng như: khăn buộc, tranh múa, tranh Tam Thanh, trống, chiêng, tù và, chuông, que múa… Mỗi lần cấp phép, thầy cúng sẽ cầm 1 đồ nghề, đọc xong bài cúng, rồi trao đồ nghề đó cho người được cấp sắc.

Tiếp đến, thầy cả sẽ làm lễ cấp phép cho người được cấp sắc từ nay có thể đi làm thầy. Thầy cả chia 2/3 gạo và tiền về phía mình, 1/3 về người được cấp sắc. Sau đó, hai thầy trò mỗi người cầm một đầu tấm vải xé làm đôi, mỗi người một nửa. Thầy cả kiểm tra số mặt sấp ngửa của tiền rơi xuống, nếu ngửa nhiều là tốt.

Lấy tấm vải đó gói số gạo được chia lại và treo lên tường, để 7 ngày sau, người được cấp sắc và thầy cả phải mang phần gạo của mình nấu cơm và một mình phải ăn hết số cơm đó cùng với rau và gừng (để cho tình thầy trò khăng khít như bố con và từ giờ về sau người được cấp sắc sẽ gọi thầy của mình là bố). Sau đó, thầy cả thực hiện nghi lễ truyền nghề, để học trò sau này có thể xem bói, hành nghề cúng.

Sau những nghi lễ trên, thầy hai và người được cấp sắc sang giai đoạn học múa. Họ mặc trang phục thầy cúng, đội mũ thầy cúng, một tay cầm que múa, một tay cầm chuông, đứng trước ban thờ, thầy hai đọc bài cúng xin thần linh về chứng giám. Hai thầy trò cùng nhảy múa theo nhịp nhạc trống, chiêng, bài múa được lặp đi, lặp lại nhiều lần. Trong nghi lễ học múa, họ sẽ múa tống thần đất và thần rừng. Ở công đoạn này người phụ giúp cho thầy cả (thầy ba) làm lễ tiễn các thần ra về trước, rồi tiếp tục cúng, múa tiễn các vị thần linh khác.

Để người được cấp sắc luôn có tài lộc, thầy cả và thầy ba làm lễ, sau mỗi bài cúng thầy lấy bánh đưa cho người giúp việc và đặt xuống, múc rượu đổ vào 2 bát (lặp lại 3 lần). Cúng xong người giúp việc lấy tiền vàng trên ban thờ xuống để làm lễ chia tiền vàng cho thần linh và mang hóa. Thầy cả cầm một bát rượu trên bàn đưa cho bố và ông nội của người được cấp sắc mang đặt lên ban thờ, mời tổ tiên uống rượu. Cúng xong các thầy cúng và người giúp việc lấy bánh nếp chia cho mọi người cùng hưởng lộc…

(Còn tiếp)

Đọc thêm