Lễ cúng cầu mưa
Theo già làng Ksor Net (ngụ làng Rbai A), quan niệm ngàn đời của người Jrai nơi đây, khi con người sinh ra thì vạn vật cũng xuất hiện, lúc này có một vị thần ban cho những hạt nước đến mang lại sự sống cho vạn vật đó là “Thần mưa” - vị thần mang lại nhiều may mắn, hạnh phúc cho con người.
Trong truyền thuyết của người Jrai cũng nhắc đến các vị Pơtao Apui (Vua Lửa) đã dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi vào mùa trồng tỉa hoặc đang giữa chu kỳ canh tác mà gặp hạn hán mất mùa. Bên cạnh đó, trong tâm niệm của người Jrai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh sẽ không ban tặng nước mưa, khiến bệnh tật xuất hiện, đói rét triền miên.
Chính vì vậy, hàng năm người dân nơi đây vẫn duy trì tổ chức lễ cúng cầu mưa với ước mong cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, cây cối xanh tươi, thóc lúa đầy bồ. Lễ cúng cầu mưa của người Jrai là lễ nghi mang tính cộng đồng và hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo.
“Đồng bào Jrai gọi mưa là “Hơ Jan”. Giọt nước trời ban “Hơ Jan” giúp cuộc sống người dân được cải thiện, giảm nhiệt trong ngày nắng oi ả, làm cho hoa màu trên nương rẫy trở nên tươi tốt, để dân làng được no cái bụng”, già làng Ksor Net cho biết.
Trước khi diễn ra lễ chính, người dân cử hành 3 nghi lễ nhỏ, bao gồm: Cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; Cúng bến nước tại sông Ayun (huyện Phú Thiện); Cúng làng. Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân từ già trẻ, gái trai trong làng tụ hội tại nhà của thầy cúng - nơi tiến hành nghi lễ cúng cầu mưa.
“Một trong những lễ vật không thể thiếu là 7 ghè rượu được lấy từ nguồn nước sông Ayun để dâng lên thần thánh. 7 ghè rượu này tượng trưng cho 7 người đầu tiên lập ra ngôi làng Rbai”, già làng Ksor Net cho biết.
Năm nay, lễ cúng cầu mưa được bà con chuẩn bị từ tháng 3, mỗi nhà góp 2 lon gạo và 30.000 đồng. Số tiền ấy dùng để mua 2 con heo, trong đó 1 con ngả thịt, lấy phần đầu và đuôi để cúng Yàng; 1 con heo to khác để cả làng ăn mừng.
Ngay từ sáng sớm ngày 30/4, phụ nữ trong làng đã lục tục kéo đến nhà thầy cúng Ksor Lol (ngụ làng Rbai B) để nhóm lửa, sửa soạn nấu nướng. Thanh niên trai tráng cũng đến phụ giúp những người lớn tuổi làm thịt heo.
Bên hông nhà, mọi người đặt 8 ghè rượu lớn. Đầu tiên là ghè rượu chung do bà con trong làng góp gạo lại mà ủ thành; 7 ghè rượu còn lại là của 7 gia đình sinh sống lâu đời nhất, họ có mặt từ khi lập làng tới nay. Tiếp đó mới đến hàng dài hơn 100 ghè rượu của dân làng.
Đúng giữa ngọ, khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, già Ksor Lol tiến hành lễ cúng. Sau khi phụ tá cắm chiếc cần rượu cúng, già Ksor Lol cúng lạy 3 lạy chào thần linh rồi từ từ rót nước vào ché rượu. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá cùng về dự lễ hội.
Sau đó, già Ksor Lol lấy thịt ném 3 lần về phía trước, mỗi lần ném là một lần thầy cúng đọc một điều cầu xin may mắn cho dân làng. Tiếp theo, thầy cúng rót rượu thịt vào một cái tô đồng đến đổ vào mộ của các Ptao Apui đã chết, nói nguyên nhân thực hiện nghi lễ và cầu xin các Ptao Apui đã chết phù hộ cho những lời khấn cầu thành hiện thực, trời sẽ đem mưa đến.
Tiếp đến, già Ksor Lol quay lại uống rượu, chiêng trống nổi lên, người phụ tá từ từ đứng dậy, làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến tai thần linh. Cuối cùng, thầy cúng lấy nước vẩy ra xung quanh và kết thúc nghi lễ cúng cầu mưa. Làm lễ xong, tất cả thanh niên trai tráng trong làng đi chân trần vào uống mỗi ghè rượu cần một ít.
“Trong lễ cúng cầu mưa, thanh niên trai tráng được uống rượu trước vì họ là những người có sức mạnh, khỏe khoắn, làm việc nhiều nhất. Theo quan niệm của người xưa, họ phải uống tất cả các ghè rượu thì mùa màng mới bội thu. Tiếp đó, bà con hai làng Rbai A và Rbai B bắt đầu vào cuộc rượu, cứ thế tưng bừng cho đến tận ngày hôm sau”, già làng Ksor Net cho biết.
Gắn lễ hội với phát triển du lịch
Huyện Phú Thiện được ví là “vựa lúa của Tây Nguyên” với diện tích lúa nước 2 vụ lên đến trên 6.500ha. Đây là nơi sinh sống của 16 dân tộc anh em nên rất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống. Những năm gần đây, vùng đất của những huyền tích về các vị Vua Nước, Vua Lửa, Vua Gió này còn chú trong phát triển du lịch.
Lễ cúng cầu mưa của bà con hai làng Rbai A và Rbai B chính là sự kiện văn hóa độc đáo, ngày càng lan tỏa, thu hút du khách gần xa. Vậy nên dân làng cũng đã rất nhanh nhạy, khi thanh niên đứng ra tổ chức các sản phẩm du lịch phục vụ du khách ghé thăm và tham dự lễ cúng cầu mưa.
Đấy là những mâm cơm rất ngon và rẻ, gồm những món đặc trưng của đồng bào Jrai thứ thiệt rất ngon, như thịt heo, gà của làng, lá mì, cà đắng và cá suối nướng lá. Tất nhiên là có cơm nướng ống nứa và rượu cần, tất cả chỉ có 200 ngàn cho một mâm.
Theo ông Siu Thiên - Chủ tịch UBND xã Ia Piar, là hoạt động thể hiện đời sống tín ngưỡng của người Jrai, lễ cúng cầu mưa của làng Rbai A và Rbai B đã trở thành một sự kiện, một lễ hội văn hóa hết sức độc đáo. Vì vậy, việc duy trì lễ cúng này không chỉ giúp người Jrai bảo tồn được nét đẹp trong đời sống tinh thần mà còn là cơ hội để huyện Phú Thiện lấy đó làm điểm nhấn cho du lịch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ngô - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: “Cứ độ tháng 4 hàng năm, huyện Phú Thiện cũng như dân hai làng Rbai A và Rbai B sẽ tiếp tục duy trì lễ cúng cầu mưa để bảo tồn bản sắc văn hóa của người Jrai cũng như tạo sự kiện văn hóa thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch địa phương”.
Tháng 4/2016, huyện Phú Thiện đã tổ chức đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia lễ cúng cầu mưa của Yang Pơ Tao Apui. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của những lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai tại tỉnh Gia Lai nói riêng và đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói chung.