Độc đáo Tết của người Dao đỏ Na Hang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Không chỉ các phong tục như đám cưới, đám tang, Tết cổ truyền của người Dao đỏ ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) cũng có những nét đặc trưng riêng biệt, độc đáo thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú không kém so với các dân tộc khác.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các phụ nữ người Dao đỏ trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Các phụ nữ người Dao đỏ trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Cũng giống như người Kinh, Tày, người Dao đỏ đón Tết cổ truyền dân tộc theo lịch âm. Người Dao đỏ tâm niệm, Tết là dịp để mọi người trong gia đình cùng sum họp lại, kể cho nhau nghe những niềm vui, sự vất vả của một năm dài lao động sản xuất, cũng là dịp để cúng báo tổ tiên sau một năm đã qua.

Từ ngày 20 tháng Chạp, nhà nhà lo sửa sang nhà cửa, chuẩn bị lá dong, gạo nếp, rượu thịt đón Tết… Trước đó khoảng 6 đến 7 tháng, nhà nào, nhà nấy đều phải nuôi lợn để chuẩn bị lợn ngon mổ trong dịp Tết.

Việc quan trọng nhất của mỗi nhà là chọn ngày đẹp trong 10 ngày còn lại cuối năm để đón thầy cúng về làm lễ, trước là để cúng tổ tiên, thông báo cho tổ tiên rằng năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới. Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn đến ông bà, tổ tiên đã phù hộ cho con cháu trong năm qua.

Sau là đuổi trừ tà ma, tiễn mọi điều xấu rủi ro theo năm cũ, cầu cho mọi sự an lành, may mắn, thịnh vượng trong năm mới sẽ đến. Sau đó, thầy cúng sẽ viết chữ lên những mảnh giấy màu đỏ để dán lên bàn thờ, cửa ra vào, chuồng gia súc với ý nghĩa cầu cho sức khỏe, mùa màng bội thu.

Trong đêm giao thừa, bàn thờ mỗi nhà đều có mâm lễ cúng tổ tiên gồm: gà luộc, bánh dày, bánh chưng, hoa quả, rượu và 2 cây mía còn đủ ngọn, lá dựng hai bên. Sau đó họ đốt giấy tiền, vàng mã, cầu mong một năm mới nhiều tài lộc, cuộc sống sung túc, làm ăn thuận hòa.

Theo phong tục tập quán, mọi thủ tục cúng, dâng lễ thắp hương đón Tết của người Dao đỏ đều làm trong năm cũ, từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp âm lịch và từ ngày mùng 1 đến 15 tháng Giêng âm lịch không được cúng bái, trừ gia đình có người chết và không được làm việc xấu, ảnh hưởng đến gia đình, làng xóm.

Sáng mùng 1 Tết cả gia đình thức dậy không đi chơi các nhà khác, người Dao đỏ kiêng kỵ nhất là đàn bà, con gái xông nhà vào dịp Tết nên các gia đình thường sẽ hẹn anh em, bạn bè là nam giới có uy tín, thân thiết với gia đình, có cuộc sống đàng hoàng đến xông nhà vào sáng mùng 1 Tết. Mỗi gia đình đều tổ chức bữa cơm đầu năm mới vào lúc 8 - 9 giờ sáng. Ai chưa ăn cơm chưa được ra khỏi nhà đi chơi. Vì người Dao đỏ tâm niệm ngày đầu năm mà nhịn đói thì cả năm xui xẻo hoặc tới nhà khác để ăn uống vào thời điểm này là điều tối kỵ. Sau bữa cơm đầu năm, mọi người có thể đi chơi chúc Tết ông bà, anh em, bạn bè…

Mới đây, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó không chỉ là niềm vui, khát vọng cho một cuộc sống ấm no, tươi đẹp mà còn là niềm tự hào về nét văn hóa cổ truyền của dân tộc sẽ được lưu giữ, bảo tồn theo thời gian.

Niềm vui, khát vọng đó như những câu hát Páo dung của bà con nơi đây tự biên, tự diễn:

“Tồ lầy gòi khoa siên

nin tháo

Nhần nhần phàng vủi quía siên nin

Sơn liềm viện ây nhần viện ấy

Tồng dòi viện ấy mẫy teo lìn”.

Dịch nghĩa:

“Mận đào khoe sắc xuân mới đến

Người người hớn hở đón mừng xuân

Rừng cây thay lá đâm chồi lộc

Người người kỳ vọng bao ước mơ”.

Câu hát Páo dung cũng chính là niềm mong ước của bà con người Dao về một mùa xuân mới với những kỳ vọng về một làng bản phát triển.