Độc nhất vô nhị ngôi đình có hai tam quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đình Quán Giá (làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thờ tướng Lý Phục Man - người có công lớn phò vua Lý Nam Đế khai sinh ra Nhà nước Vạn Xuân. Điều khác lạ là ngôi đình này có tới hai tam quan, điều này được các nhà nghiên cứu đánh giá là “độc nhất vô nhị” trong kiến trúc đình chùa Việt Nam. 
Tam quan thứ 2 của đình Quán Giá.
Tam quan thứ 2 của đình Quán Giá.

Nghệ thuật xưa nay hiếm

Tương truyền đình Quán Giá lần đầu tiên được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ (1010 – 1026), ban đầu chỉ là một ngôi đình nhỏ. Phía trước đình là dãy núi Phượng Lĩnh – Sài Sơn, phía sau là khu rừng Cấm. Đình Giá được giới nghiên cứu nhận định là một ngôi đình có quy mô to rộng và tráng lệ hiếm có. 

Khu di tích Quán giá hiện nay vẫn giữ nguyên được kết cấu trúc cảnh quan ban đầu: tam quan, sân đình, và nhiều dãy nhà ngang dọc cấu thành. Mở đầu là bộ tam quan cột đồng trụ khá lớn xây nối liền với 2 bức tường gạch, nhìn ra 1 sân cỏ lớn, quay theo hướng Tây - Nam. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, tam quan đầu tiên này có phong cách nghệ thuật thế kỷ 19. Từ tam quan này, qua một sân cỏ, khoảng 20m tới bộ tam quan thứ 2. Tam quan này làm có 4 mái che xung quanh, trên nền cao gần 1m. 

Cổng vào đình Quán Giá.
Cổng vào đình Quán Giá. 

Đi về phía 2 bên của nhà làm quan cổng chính là 2 cổng phụ, nối liền với bức tường gạch. Trên thân của bức tường kéo từ cổng phụ gắn 49 mảng đất nung có trang trí. Đáng tiếc, hiện tại bức tường này đã mất 3 mảng đất nung. Bức tường phía đông có 23 mảnh (mất 1 mảnh). Bức tường phía tây có 26 mảnh (mất 2 mảnh), trong có 12 viên trang trí lá hoa chanh, 2 viên khắc chữ nho, 3 viên trang trí hoa xen cách điệu, 6 viên hình trạm khắc các hoạt cảnh sinh hoạt dân dã, chim thú: lân, voi, khỉ, ngựa... 

Các mảng trang trí này được sắp xếp theo chiều kim đồng hồ, nghĩa là để cho người xem đi theo chiền tranh liên hoàn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Minh (viện Khảo cổ học) thì các mảng trang trí này nhằm thể hiện những phật thoại và nho thoại.

Toàn cảnh ngôi đình cổ chụp từ trên cao.
Toàn cảnh ngôi đình cổ chụp từ trên cao. 

Từ tam quan theo đường chính qua một sân cỏ là tới sân rồng. Sân rồng được làm cao hơn sân cỏ phía ngoài. Hai bên là 2 dãy nhà giải vũ nằm song song, mỗi dãy gồm 12 gian tường hồi bít đốc, có niên đại xây dựng từ thời Lê.

Khu đình chính được cấu trúc gồm Đại đình, Trung đình và Thượng đình, bố cục theo kiểu chữ công. Nhà Đại đình có nền cao hơn sân Rồng. Ngôi nhà Đại đình này mới được xây dựng gần đây trên nền ngôi đền cũ gồm 5 gian tường hồi bít đốc. Phía trước và sau không có tường bao các bộ vì kèo được làm đơn giản. Có 2 hàng cột xây bằng gạch để đỡ các hoành mái.

Trung đường gồm 3 gian, mái lợp tôn theo kiểu vòn cuốn nền cao hơn Đại đình nửa mét. Nối trung đường và thượng điện là dãy nhà dọc 3 gian. Gian giáp Trung đình được làm đầu đao, trên các đầu đao được gắn linh vật. Gian phía trong được làm gắn với thượng điện. Toà thượng điện gồm 5 gian. Các bộ vì kèo được làm kết cấu theo kiểu giá chiêng chồng giường và vì kéo quá giang. Riêng 3 gian giữa làm khám gỗ, phía trong đặt 3 pho tượng gỗ, giữa là đức thần Hoàng làng, 2 bên là 2 pho tượng công chúa Phương Dung và Á Nương, các thị nữ, 2 vệ sĩ của ngài cùng các đồ tế tự.

May mắn, trong đình Quán Giá còn tượng Lý Phục Man không bị giặc Pháp phá hủy. Ba pho tượng chính được tạo tác rất cẩn thận, ứng với ba ngai thờ, được chạm khắc tỉ mỉ, tỉa tót kỹ lưỡng. Cũng trang trọng như ngai thờ là hai hương án và một cỗ kiệu. Lại có một con ngựa to bằng đồng, bên ngoài phủ lớp sơn.

Lễ hội Rước Giá của đình Quán Giá
Lễ hội Rước Giá của đình Quán Giá

Linh thiêng đình cổ

Danh tướng Lý Phục Man là người có công lớn giúp Lý Nam Đế lập lên nhà nước Vạn Xuân. Ông là một danh tướng của Lý Bí, sống ở thế kỷ thứ VI, quê ông ở làng Cổ Sở (huyện Hoài Đức), không rõ họ tên thật. Tương truyền, ông giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung Hoa) xâm chiếm nước ta, lập nhiều chiến công. Nhà Tiền Lý (544-555) thành lập, ông được cử trông coi vùng đất phía Nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chăm pa. 

Sau đó, ông kết hôn với công chúa Lý Nương, vua ban cho ông họ Lý và chức thiếu úy, gọi là tướng quân Lý Phục Man. Ông trở về quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm. Nhà Lương lại đưa quân sang xâm lược nước Vạn Xuân. Ông chỉ huy quân sĩ đánh giặc và Lý Phục Man đã anh dũng hy sinh trong trận đánh quyết liệt tại thành Tô Lịch năm Giáp Tý (544). Thi hài của Ngài được quàn tại gần hồ Mã, xã Yên Sở, nhân dân vẫn gọi là khu Mả Thánh. Trải qua nhiều năm tháng, cây cối mọc lên um tùm thành một khu rừng gọi là rừng Cấm. Về sau, nhân dân làng Giá đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài.

Thương nhớ và biết ơn ông, nhân dân ở nhiều nơi như Yên Sở (Hoài Đức), Xuân Đỉnh (Từ Liêm) … cũng đều dựng đền, đình thờ tướng Lý Phục Man.

Tòa Thượng đình của đình Quán Giá.
Tòa Thượng đình của đình Quán Giá. 

Theo những nguồn tài liệu có trong di tích, trải qua 17 lần trùng tu và tôn tạo, đình Quán Giá đã trở nên một địa chỉ văn hóa tâm linh và du lịch với cảnh quan đẹp có tiếng. Những cây xanh trồng từ xưa đã tạo thành khu rừng Giá (tức rừng Cấm) bao quanh các công trình và làm nền cho các sinh hoạt lễ hội càng thêm nổi bật màu sắc rực rỡ.

Hiện tại, ở đình Quan Giá vẫn còn lưu giữ được 5 tấm bia đá mang niên đại các năm 1620, 1671, 1681, 1728, 1803 và một số tài liệu cổ như thần phả, hương ước, phản ánh lịch sử của vùng đất này. Đối xứng với nhà bia, ở phía đông là nhà để con ngựa bằng đồng hun, được đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707), ngày nay được sơn trắng.

Hàng năm, tại đây tổ chức lễ hội Rước Giá được tổ chức từ ngày 10 đến 26/3 âm lịch. Rước Giá là một lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Hàng ngàn người dân đã đổ về tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như hội cờ tướng, cờ người, thi đấu vật, thi hát quan họ... Ngoài ra cứ 5 năm lại một lần mở hội theo nghi thức đại đám. Trong dân gian từ lâu đã lưu truyền thành ngữ “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy”.

Đặc biệt, hội Giá có một di sản văn hoá phi vật thể là tích “nghiềm quân”, diễn tả sự gắn kết của quân dân với tướng công Lý Phục Man. Trước thập niên 1980, thường chỉ vài ba trăm người diễn tích này. Đến nay, dân số Yên Sở đông lên thành khoảng một vạn nhân khẩu và trong hội Giá năm 2010 đã có tới gần 600 thanh thiếu niên và các cụ già tham gia đội hình nghiêm quân rước kiệu. Trước đó, vào ngày 4/4/1994, Bộ Văn hóa- Thông tin - Thể thao đã công nhận đình Giá (đình Yên Sở) là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Đọc thêm