Độc quyền nước sạch - Khách hàng không phải… “thượng đế”

(PLVN) - Sau hàng loạt bê bối (nước nhiễm dầu và 22 lần vỡ đường ống dẫn nước) của Nhà máy nước sạch sông Đà làm đảo lộn cuộc sống người dân Hà Nội, Công ty nước sạch sông Đà đã từng bị dư luận lên án gay gắt. Thế nhưng, lên án thì dễ, không dùng nước của họ thì biết dùng nước của ai? …
“Thượng đế” xếp hàng lấy nước như thời bao cấp
“Thượng đế” xếp hàng lấy nước như thời bao cấp

Nhất định không… xin lỗi

Những ngày qua, khi Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) tạm ngừng cung cấp nước, hàng ngàn hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm,... đã rơi vào cơn khủng hoảng nước. Sở dĩ có sự khủng hoảng ở đây là vị thế độc quyền cung cấp nước nguồn của Viwasupco.

Theo báo cáo thường niên, Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm 3 quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long. Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.

Và để bù lại khoảng 40.000m3 nước sạch hao hụt do Nhà máy sông Đà ngừng cấp nước, theo đại diện Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, công ty sẽ điều tiết bằng cách huy động tối đa công suất các Nhà máy sản xuất nước sạch Dương Nội, Nhà máy nước 2A Nguyễn Trãi (Hà Đông), Nhà máy ở 749 Quang Trung, đặc biệt là mua tối đa nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đuống mới đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT CTCP Nước mặt sông Đuống cho biết, hiện mỗi ngày Hà Nội mới mua được lượng nước tương đương khoảng 1/3 công suất của Nhà máy và mua “chập chờn” chứ không đều đặn. Trong khi đó, Nhà máy nước mặt sông Đuống có công suất 300.000m3/ngày. Do đó, nếu đấu nối liên thông được hệ thống cấp nước sạch thì công suất cấp của Nhà máy nước mặt sông Đuống thừa khả năng đáp ứng lượng thiếu hụt nước sạch do Nhà máy sông Đà ngừng cấp (40.000m3/ngày).

Trên thực tế, nhờ độc quyền khu vực, Viwasupco có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định với doanh thu hàng năm trên 400 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng ở mức cao khoảng 55%. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng khá đều và đạt kỷ lục 219 tỉ đồng trong năm 2018. Bởi thế, dù lãi ròng “Bán hai đồng, lời một đồng” nhưng công nghệ xử lý đang sử dụng đã được áp dụng từ năm 2002. Trong cuộc họp của Hà Nội ngày 15/10, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch sông Đà cho biết: “Không chắc công nghệ có thể xử lý được ô nhiễm dầu thải!”.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập và TS Nguyễn Sỹ Dũng mong muốn sớm có đạo luật về dịch vụ công
 Luật sư Nguyễn Tiến Lập và TS Nguyễn Sỹ Dũng mong muốn sớm có đạo luật về dịch vụ công

Trước hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch, ông Nguyễn Văn Tốn giãi bày: “Thực ra bản thân tôi cũng là Tổng giám đốc làm thuê. Nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn, quá hay. Nhưng tôi có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân, không vì cái gì hết”… Và tại buổi gặp mặt báo chí tiếp theo, PGĐ đại diện Viwasupco cũng nhất định không chịu xin lỗi, thậm chí còn nói: “Chúng tôi mới là người chịu thiệt”…

Điều đáng nói, dù ở nước ta, quyền và trách nhiệm của khách hàng sử dụng nước sạch được quy định rõ trong Nghị định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Xét chủ thể, khách hàng sử dụng nước sạch và đơn vị cung cấp nước được đặt ngang vai. Thậm chí, khách hàng còn được nâng lên thành “thượng đế”. Nhưng cán cân đã bị lệch ngay từ khi “thượng đế” cầm trong tay bản hợp đồng cung cấp nước sạch. “Thượng đế” không có quyền đàm phán bản hợp đồng đó. Muốn có nước sinh hoạt, họ buộc phải ký vào bản hợp đồng đó. lĩnh vực kinh doanh nước sạch có sự độc quyền cung cấp ở những khu vực nhất định.

Ông Nguyễn Xuân Lai, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, chúng ta đang tiến lên việc cổ phần hóa, cho nhiều doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nhưng trong một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu lại đang giống như thời kỳ bao cấp.

Do những mặt hàng này là loại hình đặc thù, mang tính chiến lược quốc gia, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được nhưng không phải vì thế mà chỉ cho một doanh nghiệp làm, để rồi người dân (khách hàng) không có quyền lựa chọn, bắt buộc chỉ được dùng một loại dịch vụ, cho một đơn vị cung cấp. Theo ông Lai, điều này sẽ rất nguy hiểm, khi xảy ra sự cố thì người dân chỉ có  hai phương án, một là ngưng sử dụng nước, hai là tiếp tục phải dùng nguồn nước không an toàn.

Cần có ngay đạo luật về dịch vụ công

Cùng với đó, tại tọa đàm mới đây “Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà”, LS Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự) đã chỉ ra những khoảng trống pháp luật về dịch vụ công, quyền lợi của người dân sau vụ khủng hoảng nước sạch Sông Đà.

Về khả năng khởi kiện công ty cung cấp nước là CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết việc này là rất khó khăn bởi vì “không có đường để đi”. Theo luật sư, khung pháp luật có luật dân sự bảo vệ quyền lợi người dân nhưng nếu xem hợp đồng mua nước cũng rất khó kiện. Khuôn khổ pháp lý thứ hai có thể áp dụng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Luật này không cần hợp đồng miễn là tiêu dùng sản phẩm gây hại thì người tiêu dùng có quyền kiện người cung cấp mà không cần xuất trình hợp đồng. Thứ ba là Luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân quy trách nhiệm cho Nhà nước có từ năm 1989. Tuy nhiên, theo ông Lập, luật này giống hiến pháp về sức khỏe nhân dân trong đó tất cả ngành cấp cơ quan có trách nhiệm chăm lo sức khỏe nhân dân nhưng nếu xét từ góc độ luật sư thì... cũng không làm gì được cả.

Bởi muốn khởi kiện được Viwasupco, phải làm rõ 4 vấn đề lớn: Chứng minh có vi phạm hợp đồng (vi phạm hợp đồng như thế nào? Nước có mùi khét có vi phạm không?); Chứng minh có thiệt hại (Chứng minh nước của Viwasupco không thể dùng được, vì sao tôi phải đi mua nước?, chứng minh thiệt hại về sức khỏe; Chứng minh yếu tố có lỗi; và Quan hệ nhân quả (Chứng minh vi phạm của công ty cung cấp nước có gây thiệt hại).

Theo ông Lập: “Về pháp lý, giới luật sư đang muốn làm mà không biết tiếp cận bằng cách nào, chỉ e rằng xử lý hình sự mấy cậu chở dầu đi đổ là coi như là xong. Cũng rất khó chứng minh yếu tố lỗi, chúng ta để ý tại sao Phó giám đốc của sông Đà từ chối nhận lỗi. Đó là có tư vấn pháp lý, không muốn tạo bằng chứng pháp lý, tạo yếu tố để khởi kiện”.

Còn về cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, ông Lập thẳng thắn: “Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay hoạt động như cơ chế mặt trận, lúc nào cũng có phong trào, cổ động này kia nhưng chưa bao giờ có vụ nào đứng ra khởi kiện để bảo vệ người tiêu dùng cả. Không trông cậy được”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sự kiện nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng, nhưng Công ty Cổ phần Nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phản ứng quá chậm. Ông Dũng cho rằng, thị trường nước cho tư nhân cung cấp là thị trường béo bở. Làm kinh tế thị trường, kinh doanh có nguồn cầu ổn định thì đó là cơ hội vàng, miếng bánh vô cùng lớn. Thực tế, hiện nay đang có nhiều vấn đề được đặt ra, liên quan cả về khái niệm dịch vụ công, trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công, cả trách nhiệm của người quản lý và cả những động lực đằng sau để thúc đẩy.

Tuy nhiên, do khái niệm dịch vụ công vẫn mơ hồ, bởi thế, ông Dũng  cho rằng, cần phải có Luật Dịch vụ công, từ đó sẽ quản lý không chỉ là nước sạch mà còn các loại hình dịch vụ công khác. Hàng hoá công thì Nhà nước phải quản lý chất lượng, quản lý để đạt sự công bằng. Do vậy, chức năng quan trọng của Nhà nước là cung cấp sự công bằng, bởi chỉ Nhà nước mới có năng lực làm việc đó, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của báo chí về việc việc hình thành một dự thảo Luật Dịch vụ công có khả thi và bao giờ thì Luật này được manh nha, bàn bạc, thông qua? Chuyên gia này cho rằng, trong suốt quá trình công tác gần 30 năm tại Quốc hội, Luật này chưa bao giờ được nhắc tới và bản thân ông cũng trăn trở không biết khi nào mới ra đời được bộ luật thực sự cần thiết này.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Tiếp Lập cho rằng, khi  hành lang pháp lý cụ thể vẫn chưa nghiêm minh, chặt chẽ, người tiêu dùng không được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Do đó, cần phải có Luật Dịch vụ công, cùng những khung pháp lý để bảo vệ người dân. Cung cấp nước sạch, hay điện là dịch vụ công. Đây là mặt hàng dường như nhân dân không có quyền lựa chọn. Vì vậy, chính quyền muốn tư nhân hóa thì cần phải có Luật để quản lý để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng…

Đọc thêm