Đội Biệt động thành Hội An hồi tưởng một thời 'xuất quỷ nhập thần'

(PLO) - Đội Biệt động thành thành phố Hội An (Đà Nẵng) ngày 26/3 tổ chức họp mặt kỷ niệm 53 năm thành lập.
Đội phó Trang Anh Tuấn điều hành buổi họp mặt. Ảnh Võ Anh Tuấn
Đội phó Trang Anh Tuấn điều hành buổi họp mặt. Ảnh Võ Anh Tuấn

Năm 1966, dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An đội Biệt động thành Hội An được thành lập có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân; lập hồ sơ các căn cứ quân sự và các cơ quan đầu não của Mỹ và chế độ tay sai; xây dựng cơ sở biệt động lớn mạnh, kết nạp thanh niên, học sinh yêu nước vào tổ chức đội; độc lập tổ chức đánh địch, bí mật bất ngờ tấn công vào các cơ quan đầu não địch; tổ chức ám sát và tiêu diệt những tên ác ôn đặc biệt nguy hiểm.

Đội còn có nhiệm vụ vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị; tiếp cận những gia đình có con em bị địch bắt đi lính phản chiến bỏ ngũ trở về với cách mạng; rải truyền đơn treo cờ gây tiếng vang trong thị xã làm cho địch hoang mang khiếp sợ; phối hợp với cá lực lượng tấn công vào các cơ quan đầu não của địch, trong nội thành đánh ra, bên ngoài vùng giải phóng đánh vào.

Đội trưởng Đinh Văn Lời ôn lại truyền thống của đội Biệt động thành thành phố Hội An. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Đội trưởng Đinh Văn Lời ôn lại truyền thống của đội Biệt động thành thành phố Hội An. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Đội Biệt động thành Hội An với tài “xuất quỷ nhập thần”, đã ghi dấu ấn trong lịch sử Hội An với những chiến công làm rung chuyển bộ máy chính quyền tay sai của địch, góp phần giải phóng Hội An vào tháng 3/1975.

Để giữ bí mật, Đội biệt động phải chia nhỏ thành nhiều tổ, ở nhiều địa điểm. Từng đội viên phải đi làm thuê gánh mướn, thợ mộc, thợ nề, khuân vác, ở đợ giúp việc để “ngày kiếm cơm, đêm làm Biệt động”. Tham gia đội có gia đình cả cha lẫn con như gia đình ông Hà Tu (cha) và Hà Cát (con); cả ba anh em như gia đình ông Đinh Văn Lời – Đinh Quang Dũng – Đinh Quang Minh.

Đội trưởng Đinh Văn Lời đang mô tả về lần ông bị đối phương chĩa súng vào đầu. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Đội trưởng Đinh Văn Lời đang mô tả về lần ông bị đối phương chĩa súng vào đầu. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Đội có tổng cộng 60 người. Sau 53 năm, người còn người mất. 12 người hi sinh, 21 người bị thương. Đến nay còn lại 26 đồng chí, người ít tuổi nhất cũng đã 64 tuổi. 

Tuổi càng cao, cơ hội để gặp gỡ nhau ngày càng ít nên có người đang sinh sống ở Gia Lai cũng lặn lội về dự họp mặt cùng đồng đội. “Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đóng góp trí tuệ và sức lực còn lại của mình để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”, ông Đinh Văn Lời, trưởng ban liên lạc Đội cho biết.

Đọc thêm