Chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ
Điểm lại việc thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ sở giáo dục, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhìn nhận có thực tế văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của việc thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ sở đào tạo còn hạn chế phần nhiều do người đứng đầu đơn vị chưa thực sự quan tâm, chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc này. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở một số trường đại học hay vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua là bài học kinh nghiệm về dân chủ, về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.
Các đại biểu cũng đánh giá việc thành lập Hội đồng trường học là cần thiết để việc thực hiện quy chế dân chủ đạt hiệu quả. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 16/38 trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đã thành lập Hội đồng trường học. Những Hội đồng trường học đã được thành lập này cũng chưa thực sự hợp lý về cơ cấu, thành phần và hoạt động còn mang tính hình thức. Chức năng, nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường học và Hiệu trưởng chưa phân định rõ ràng. Nhiều trường hợp có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của những vị trí chủ chốt này cũng là lý do khiến việc thực hiện quy chế dân chủ còn hạn chế.
Phải xây dựng cơ chế giám sát dân chủ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với hơn 20 triệu học sinh, cùng với đó là hàng triệu gia đình, 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người thấy có trách nhiệm tham gia vào “biết, bàn, làm, kiểm tra”. Phó Thủ tướng khẳng định thực hiện dân chủ cơ sở nói chung, trong đó có các cơ sở đào tạo, ngành giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước nhưng trước hết của các cơ cấu lãnh đạo, của cán bộ, giáo viên nhà trường, tùy từng mức là của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Phó Thủ tướng nêu một số giải pháp rất quan trọng để đảm bảo thực hiện dân chủ ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường tự chủ trong trường học, nhất là khối trường đại học, cao đẳng. Bởi “không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn “cầm tay chỉ việc”, áp đặt từ trên xuống về chuyên môn và đặc biệt là về nhân sự”.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát đo, đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. “Đây là việc rất quan trọng, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo; học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Chúng ta phải có cơ chế cụ thể chứ giám sát chung chung thì không được” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng về cơ bản văn bản liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở đã tương đối đầy đủ và vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện, mà nguyên nhân chính là chúng ta không công khai, minh bạch thông tin. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tập thể khi xây dựng các quy chế hoạt động; công khai, báo cáo minh bạch những thông tin này để cơ quan quản lý nhà nước nắm được, để học sinh, phụ huynh, cộng đồng cùng giám sát.