Đôi giầy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cái nắng gay gắt khiến quán bia đầu làng của bà Thu chột mỗi khi chiều đến người ra người vào nườm nượp. Những bác phụ hồ sau một ngày mệt nhọc, tự thưởng cho mình mấy cốc. Vài cậu sinh viên choai choai góc bên gần cây đa chắc đang sinh nhật, hò hét váng cả đê. Mấy ông già trốn vợ lóc cóc đạp xe ra uống một hai vại rồi lại lóc cóc đạp xe về. Mấy bác hàng xáo, vừa uống vừa hỏi nhau mai phiên chợ nào. Rồi lại cả mấy tay công chức trên huyện đi làm về, ô tô đỗ chật cả đường. Mấy ông bụng phệ, mặt đỏ phừng phừng, miệng vừa nhồm nhoàm vừa gọi món. Nhóm khách này thường ngồi một góc riêng và hình như được bà Thu chột quan tâm hơn... Thôi thì đủ mọi loại khách.

Quán sát bờ đê, cỏ rậm rì, chẳng sạch sẽ gì cho lắm nhưng được cái nằm ngay dưới gốc đa to đầu làng, thông thống ba bề bốn bên là cánh đồng, nên gió mát rượi như quạt hầu. Chính vì lẽ đó mà hơn hai chục bộ ghế nhựa của bà Thu, khách vừa đứng lên đã có người khác ngồi xuống, chẳng giống mấy quán ngoài mặt phố. Cô bé phụ việc cho bà Thu chạy đi chạy lại như con thoi giữa tiếng gọi ồn ào của khách....

***

Minh ngồi một mình lặng lẽ, lọt thỏm giữa những ồn ào náo nhiệt.

Không ai nhận ra nó. Vì nó bây giờ khác xa với nó mười năm về trước.

Thằng bé đánh giày sà tới cạnh Minh, mồm dẻo quẹo:

- Anh đánh giầy không ạ?

Nó liếc nhìn thằng bé, cu cậu chừng mười hai, mười ba tuổi, khuôn mặt sáng sủa lanh lợi nhìn thiện cảm.

Sau khi đã tợp một hơi hết gần nửa cốc, Minh khà một cái, vì mười năm nay nó chưa được ngụm nào, rồi cúi xuống nhìn thằng bé:

- Anh không đánh giày, nhưng nếu chú em khát, anh mời một cốc. Uống không?

Thằng bé cười tươi:

- Dạ có! Mấy hôm nay nóng quá anh nhỉ?

Minh gật đầu:

- Ngày xưa anh cũng làm nghề như chú em đấy.

Thằng bé tỏ vẻ hào hứng:

- Vậy ạ? Lâu chưa anh?

- Hồi anh làm nghề này chú mày có khi mới đẻ. Và khi đó mọi người cũng ít đi giày.

Vừa nói Minh vừa nhìn ra cánh đồng:

- Giờ khác quá! Làng quê mà nhiều người đi giày hơn trên phố huyện ngày xưa.

Thằng bé ra vẻ hiểu biết:

- Làng bây giờ nhiều đại gia nên nhiều người đi giày lắm anh ạ. Nhưng toàn là “Đại gia dịch bờ rào” thôi.

- Cũng tốt chứ sao. Càng nhiều người đi giày, chú mày càng không sợ thất nghiệp.

Thằng nhóc nhìn Minh bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Minh bâng khuâng. Thì ra trước khi lầm lạc, nó cũng từng trong trẻo như thằng nhóc này. Thấm thoắt vậy mà đã mười năm.

***

Từ nhỏ, Minh đã thấy trong nhà không có bố. Họ hàng thân thích cũng không biết ở đâu. Nhà chỉ có hai mẹ con, tài sản chả có gì ngoài sạp hoa quả của mẹ. Nhưng những năm ấy kinh tế khó khăn, sạp hoa quả của mẹ nó phải tằn tiện lắm mới nuôi được hai miệng ăn.

Bị đúp, chán học, rồi bỏ học. Thầy giáo và mẹ khuyên thế nào Minh cũng không đến trường nữa. Cực chẳng đã, mẹ đành phải để nó tự lập sớm. Còn chút tiền vốn bán hoa quả, mẹ mua cho nó bộ đồ nghề đánh giày để kiếm kế sinh nhai.

Minh lang thang cả ngày trên phố huyện, buổi sáng thì ở các quán ăn, buổi chiều thì các quán bia... Mỗi tối về nhà. Minh thường thấy mẹ nó thở dài thườn thượt.

Minh thấy những người đi giày sao họ nhiều tiền thế? Nó không biết họ đã làm gì mà có lắm tiền như vậy. Nó ao ước một ngày nào đó cũng có thật nhiều tiền, đi những đôi giày thật đẹp... Ước mơ đó cứ xoáy sâu trong Minh như một mũi khoan vô hình.

Thế rồi cái người tên Hùng làm cho ước mơ của nó thành hiện thực, cũng là người đã lấy mất tự do của của nó, xuất hiện.

Ban đầu Hùng là vị khách thường xuyên của Minh, không bao giờ lấy lại tiền thừa. Nhiều lúc nó lân la hỏi giữa những đường miết bàn chải:

- Anh làm gì mà lắm tiền thế?

Hùng nhìn nó như xem xét một món hàng rồi cười giả lả:

- Chú em có muốn kiếm nhiều tiền không?

Mắt nó sáng ngời mà đâu biết địa ngục đang chờ nó phía trước...

Chuyện buồn quá rồi, chẳng muốn nhắc lại làm gì nữa. Chỉ còn hình ảnh người mẹ ngất xỉu khi nghe tòa tuyên án con mình phải chịu mức án mười năm tù giam khiến nó tỉnh ngộ.

Mười năm nay, Minh ở một nơi rất xa, xa đến nỗi nó không thể về nhà thăm mẹ. Hôm qua, khi bước ra khỏi cánh cửa sắt ấy, anh cán bộ quản giáo đưa cho nó một ít tiền, một bộ quần áo mới và một đôi giày mới. Rồi vỗ vai nó:

- Phải vươn ra ngoài với tự do. Bước ra ngoài cố gắng ngẩng mặt lên mà làm người.

Minh cảm ơn, rồi về! Ô-tô dừng ở cuối đường liên xã. Chỉ đi hết con đường nhỏ kia, là sẽ đến ngõ nhà nó. Nhưng bước chân nó tự nhiên khựng lại. Ngập ngừng, nó rẽ vào quán bà Thu, gọi cốc bia để trấn tĩnh.

Mười năm trôi qua, quê nó thay đổi đến chóng mặt. Nơi này đã có siêu thị sầm uất trên chính chỗ xưa kia là đầm nước. Những cánh đồng mênh mông đã bị thu hẹp nhường chỗ cho những công ty sản xuất đồ công nghiệp, hàng mỹ nghệ mọc lên. Những ngôi nhà cao tầng, những chiếc xe đời mới... Chỉ nó là giậm chân tại chỗ, như người “ngoài hành tinh” trước bao ánh mắt người làng.

***

Có tiếng động phía sau, bàn bên cạnh có thêm người đến. Đó là hai cô gái. Họ kéo ghế ngồi xuống và gọi hai cốc nước mía. Một cô chống cằm:

- Hồi chiều, tớ đã suýt khóc đấy!

- Ai mà bắt nạt được cậu?

- Bắt nạt gì chứ? Ông khách ấy phải hơn bảy mươi rồi. Vào siêu thị, ông cụ hỏi mua sữa đi thăm người mới ốm dậy. Nhìn vào giỏ hàng của ông cụ, tớ lại thấy ngoài sữa thì còn lỉnh kỉnh nào mì chính, bột canh, nước mắm... và cả trái cây nữa. Lúc ấy tớ lại buột miệng trêu: “Đi thăm người ốm mà ông lại mua cả những thứ này ạ? Hay là ông mua cho bà nào?” Tớ cứ nghĩ sẽ bị mắng, nhưng ông cụ chỉ cười. Khi tính tiền xong, ông cụ lại hỏi mượn kéo và xin mấy cái nịt.

- Để làm gì?

- Cậu không đoán được đâu.

Cô gái uống ngụm nước, nói tiếp:

- Ông cụ lấy kéo cắt hết mác, giấy dán trên hộp sữa và các chai lọ. Còn các túi hàng, ông cụ cũng cắt hết miệng túi ra rồi lại lấy nịt buộc chặt lại cẩn thận.

- Ồ, sao vậy?

- Ông cụ nói: “Bà ấy tiết kiệm lắm. Biếu nguyên hộp, nguyên túi lành lặn thế nào bà ấy cũng mang bán, để dành tiền cho thằng con trai. Bà ấy chẳng dám ăn gì, tiêu gì cho mình nên ông phải làm thế thì bà ấy mới chịu để lại mà dùng”.

- Ui! Ông cụ phải hiểu, phải quý bà cụ ấy lắm thì mới làm như vậy nhỉ!

- Tớ cũng thấy lạ! Cách đây mấy hôm, khi thanh toán hóa đơn cho ông cụ, nhòm vào giỏ hàng, thấy một đôi giầy nam và một bộ quần áo thanh niên rất mốt, tớ đã cười thầm và nghĩ ông cụ này già rồi còn chơi trống bỏi.

Câu chuyện xôn xao đến đó rồi được chuyển sang chủ đề thời trang. Minh thấy cô nhân viên siêu thị vẫn đầy tâm sự. Hẳn cô bị ông cụ làm cho xáo động nhiều lắm.

Minh dốc ực vào họng nửa cốc bia còn lại. Biền biệt gần mười năm trời nay, nó chưa được thăm mẹ trừ những lần gọi điện. Vậy mà năm nào cũng dăm, bảy lần, anh giám thị gọi nó ra nhận quà do mẹ nó gửi cho.

Chiều chập choạng, Minh mới dám đứng lên rồi lầm lũi rẽ vào con đường nhỏ, cái túi bóng có gói bánh nó mua biếu mẹ như nặng hơn. Cổng nhà mình khép hờ, ghé mắt nhìn vào, nó thấy mẹ nó đang lúi cúi bó mấy mớ rau. Nghe tiếng động, mẹ nó ngẩng lên:

- Ai đấy?

Tiếng mẹ khàn khàn. Mẹ gầy và già đi trông thấy. Minh rùng mình ớn lạnh, vội lên tiếng:

- Là con đây.

Khỏi nói mẹ nó vui thế nào. Vội vàng lật đật đi nấu bát mì với hai quả trứng mặc dù nó bảo vừa mới ăn rồi.

Minh ngoan ngoãn ngồi ăn trước nụ cười hiền của mẹ rồi đi ngủ. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm nó mới có được một giấc ngủ ngon lành.

***

Thức giấc khi trời mới tờ mờ sáng, mẹ Minh đã bê thúng rau đi chợ từ khi nào. Bước ra sân nhìn vườn rau đầy cỏ, với cái cuốc trên gác chái bếp, nó ra vườn tiếp tục công việc mà đã làm trước đây.

Lửng trưa, mẹ Minh đi chợ về, đưa cho nó mấy cái bánh tẻ:

- Bánh tẻ nhà bà Chuyên mà ngày xưa con thích đấy. Bà ấy mất rồi, giờ con gái bà ấy bán. Sao con làm sớm thế? Nghỉ ngơi vài ngày đã chứ!

Minh cười, đón cái thúng trên tay mẹ mang vào bếp. Cái bánh tẻ mùi mỡ hành sực lên thơm nức.

Lúc quay ra, mắt Minh chạm phải túi đồ lỉnh kỉnh những mắm muối đường sữa không có mác ở trên nóc chạn bát. Không hiểu sao ngực nó thắt lại.

Thấy Minh đứng bần thần trước túi hàng, mẹ nó chợt hiểu và nói:

- Con còn nhớ thầy Kỷ, người vẫn luôn động viên con đừng bỏ học không? Chính thầy là người gửi đôi giày và chiếc áo lên trại cho con đó. Thầy bảo gửi cho con đôi giày để con tự tin trở về và bước tiếp trên con đường còn nhiều chông gai,khó nhọc.

Minh đưa tay vừa bóc bánh lên chùi mắt. Thì ra hành phi lên rồi vẫn khiến người ta phải cay mắt lắm.