Đối phó với sự cô đơn trong dịp lễ

Vào dịp lễ, chúng ta rất dễ tưởng tượng người xung quanh đang cười đùa, hạnh phúc, còn mình nếu không như vậy sẽ cảm thấy bị cô lập, mất kết nối và cô đơn hơn.
Nhiều người cô đơn trong dịp lễ. Ảnh: Salon

Flo Schell đã mong chờ những ngày lễ trong các năm qua, nhưng năm nay thì khác. Người chồng mắc chứng mất trí nhớ khiến bà khó tụ tập với bạn bè và gia đình. "Tôi chưa bao giờ cô đơn như vậy trong đời", nghệ sĩ 77 tuổi sống ở Brielle, New Jersey (Mỹ) cho biết.

Cô đơn là cảm giác bị xã hội cô lập hoặc không hài lòng với mức độ kết nối của chúng ta, điều xảy ra khi có khoảng cách giữa những gì chúng ta muốn và có. Các nhà khoa học tin đó là một động lực sinh học, giống như những nhu cầu sinh lý cơ bản nhất của con người như đói, khát, tình dục... Nó thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự kết nối và đáp ứng các nhu cầu xã hội và xảy ra với hầu hết chúng ta tại một số thời điểm.

Tiến sĩ Jeremy Nobel, một bác sĩ sức khỏe cộng đồng tại Harvard, cho biết vào dịp lễ, chúng ta rất dễ nhìn lại mình, nếu thấy không có những kết nối với người thân, bạn bè, sẽ cảm thấy tồi tệ về bản thân.

Dù thường được gọi chung là cô đơn, thật ra nó có rất nhiều biến thể khác nhau.

Có nhà khoa học chia nó thành cô đơn xã hội, cô đơn cảm xúc và cô đơn hiện sinh. Trong đó cô đơn hiện sinh không liên quan gì đến việc bạn có bao nhiêu người gần gũi trong đời. Đó là cảm giác đơn độc trong đám đông mà không ai hiểu bạn. Cảm giác này đặc biệt phổ biến vào những ngày lễ.

Dưới đây là một số chiến lược để đối phó với sự cô đơn trong mùa này.

Xác định kiểu cô đơn của bạn?

Bạn có muốn cuộc sống của mình cần nhiều người hơn? Bạn có thấy mình cần kết nối với người khác nhiều hơn hay cần thời gian cách xa những người khiến bạn cô đơn?

Tiến sĩ Nobel, người điều hành Project UnLonely, một sáng kiến phi lợi nhuận hoạt động để chống lại cảm giác cô đơn, cho biết tò mò về sự cô đơn của mình sẽ cho phép bạn xem nó như một tín hiệu định hướng, để hướng mình đến với những gì thực sự cần.

Những người khác cũng cô đơn

Nhận ra người xung quanh cô đơn cũng có thể giúp bạn bớt cô đơn. Hãy tìm những cuốn sách, bài hát và bộ phim chia sẻ câu chuyện của những người đương đầu với loại cảm giác này.

Biến nó ra khỏi đầu

Khi cô đơn, chúng ta có xu hướng trầm ngâm, nói với bản thân rằng không ai quan tâm mình. Điều này càng khiến chúng ta xa cách người khác hơn. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, tiến sĩ Pinel khuyên nên làm một việc gì đó để ngừng suy nghĩ quá nhiều, ví như thiền, đi dạo ngoài thiên nhiên hay chơi đùa với thú cưng.

Nghệ thuật

Tiến sĩ Nobel cho biết chơi các bộ môn nghệ thuật có ba điều để giảm bớt sự cô đơn. "Nó hoàn toàn thu hút sự chú ý của bạn, truyền cảm hứng cho bạn và mang lại cảm giác được trao quyền và tự chủ", Nobel nói.

Kết nối thông qua các hoạt động

Nghiên cứu cho thấy việc chia sẻ một trải nghiệm và hòa nhập sẽ làm bớt cô đơn. Vì vậy, đừng chỉ ngồi quanh bàn tiệc, mà hãy tham gia các trò chơi, nướng bánh hay ra ngoài đi dạo cùng gia đình.

Quan tâm

Rất có thể bạn có người quan tâm mình, chỉ là chưa nhận được tin tức gì từ họ trong một thời gian. Thay vì đợi người họ gọi và dằn vặt vì không ai quan tâm mình, hãy liên hệ với họ và chia sẻ cảm xúc của bạn.

Khoảng một tuần trước, Schell ngồi trước máy tính, mở một email và bắt đầu gõ. "Gửi gia đình và những người bạn đặc biệt".

Bà viết về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình, bệnh tật và suy sụp của chồng đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bà như thế nào. Bà yêu cầu được giúp đỡ.

Schell đã gửi email cho khoảng 45 người. Gần như ngay lập tức bà nhận được phản hồi qua điện thoại, tin nhắn và FaceTime. Nhiều người nói họ tự hào về bà vì đã chia sẻ với họ. Một người hàng xóm ghé qua với bánh mì và rượu vang. Một người khác mời Schell và chồng đến nhà xem một trận bóng vào cuối tuần. Một người bạn lái xe bốn giờ từ Maryland đến thăm.

"Tôi tin chắc rằng không ai quan tâm, không ai yêu thương tôi. Nhưng tôi hoàn toàn thay đổi từ sau bức thư cởi mở ấy", bà nói.

Đọc thêm