Đổi thay ở Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

(PLO) -Công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn là sự tôn vinh những người con đã hy sinh xương máu và công sức của bà con các dân tộc đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ vùng biên ải này. Với công trình này, Lũng Pô mong muốn sẽ có nhiều khách du lịch đến thăm để họ cảm nhận được vẻ đẹp, tấm lòng mến khách và khí phách anh hùng của đất và người nơi đây.
 
Ông Nguyễn Văn Bình cắt băng khánh thành công trình “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”
Ông Nguyễn Văn Bình cắt băng khánh thành công trình “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”

Chiều 16/12, tại thôn Lũng Pô 1, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã tổ chức khánh thành công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Dự Lễ khánh thành có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình. 

Công trình Cột cờ Lũng Pô đặt trước trụ sở Tổ công tác Biên phòng Lũng Pô, thuộc đất quốc phòng do Đồn Biên phòng A Mú Sung, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lào Cai quản lý.  Lũng Pô tiếng địa phương gọi là Long Pò, tên con suối được dịch nghĩa là Rồng Cha, uốn dài từ dải Hoàng Liên trùng điệp, mang con nước hòa vào sông Hồng. Đây là vị trí con suối Lũng Pô chia đường phân thủy, phân chia biên giới hai nước Việt Nam, Trung Quốc, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào Việt Nam. Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100 m2, gồm 2 hạng mục. Hạng mục chính là Cột cờ có chiều cao 31,43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m, lá cờ có diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em tỉnh Lào Cai. Phần ngoại cảnh gồm các hạng mục sân cỏ, bãi đỗ xe, kè đá hộc, tường rào bao quanh cột cờ. Tổng kinh phí xây dựng công trình trên 17 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và đóng góp của đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ đoàn trong tỉnh.

Công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà còn là sự tôn vinh những người con đã hy sinh xương máu và công sức của bà con các dân tộc đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ vùng biên ải này. Với công trình này, Lũng Pô mong muốn sẽ có nhiều khách du lịch đến thăm để họ cảm nhận được vẻ đẹp, tấm lòng mến khách và khí phách anh hùng của đất và người nơi đây.

Trong cuộc chiến khốc liệt năm 1979, sáng sớm ngày 17/2/1979, khi hàng trăm quân lính phía bên kia biên giới tràn qua con suối, sau hai giờ đồng hồ cầm cự bảo vệ biên ải Tổ quốc, toàn bộ 25 chiến sỹ biên phòng Đồn BP A Mú Sung đã bị xóa sổ. Nhân dân rút về phía sau, Lũng Pô trở thành “bản trắng” hoang tàn. 

Người dân thuộc khu vực Đồn A Mú Sung quản lý gồm năm dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh với tập quán canh tác nương rẫy và khai thác các sản vật từ rừng là chính. Thời kỳ xảy ra chiến tranh biên giới, dân ly tán hết, có khi đi cả ngày đường không gặp nóc nhà nào. Bom mìn còn sót lại cũng nhiều và đặc biệt là không có nước sạch. Nước sinh hoạt lúc đầu phải gánh từ sông Lũng Pô lên. Sau đó, Đồn BP A Mú Sung dùng nước được dẫn về từ khe đồi về để sinh hoạt. Nhằm góp phần chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ nơi địa đầu Tổ quốc, giảm bớt một phần khó khăn, có hệ thống nước sạch đảm bảo vệ sinh, tháng 6/2016, Công ty TNHH Hồng Ngọc đã trao tặng cho Đồn BP A Mú Sung hệ thống lọc nước sạch cho bếp ăn của đơn vị.

Nhìn màu xanh trù phú của Lũng Pô bây giờ khó ai có thể hình dung, trước đây, nơi này là vùng đất hoang vu, khô cằn. Sự đổi thay của vùng đất này khởi nguồn từ ý chí của một lão nông người Mông - ông Ma Seo Páo (quê ở thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, Lào Cai). Sống ở quê quá khổ, năm 2006, ông Trưởng thôn Páo tiên phong đi tìm vùng đất mới để an cư lạc nghiệp. Nghe tin bên xã A Mú Sung có dải đất dọc biên giới chưa ai khai phá, ông liền tìm tới. Thấy “đất lành”, suối Lũng Pô nước chảy quanh năm, ông Páo gặp lãnh đạo xã A Mú Sung xin định cư lại. Được chấp thuận, ông quay về quê báo với mọi người trong thôn, rồi đón cả gia đình, mang theo ngôi nhà gỗ tới định cư ở đất mới.

Theo đề xuất của ông Páo, UBND huyện Bát Xát và Mường Khương ủng hộ, đồng ý cho người dân thôn Ngải Thầu chuyển sang Lũng Pô định cư. Năm 2007, 19 hộ dân Ngải Thầu bắt đầu hành trình về vùng đất mới. Họ được Nhà nước hỗ trợ một số tiền và gạo để ổn định cuộc sống. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Đoàn Kinh tế quốc phòng 345 và cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Mú Sung, chỉ trong vòng 1 tháng, 19 ngôi nhà đã mọc lên lập thành một thôn mới với tên gọi Lũng Pô 2.

Còn ông Páo, sau khi tới Lũng Pô, ông bắt đầu công cuộc khai khẩn, cắt dọn lau sậy, gieo màu xanh trên những mảnh đất sỏi đá. Theo ông, các hộ dân ở Ngải Thầu cùng chuyển sang khai phá vùng đất hoang vu, thành lập thôn Lũng Pô 2. Họ trồng ngô, chuối, dứa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, Lũng Pô 2 đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa gắn với an ninh - quốc phòng. Học theo người dân thôn Lũng Pô 2, dân bản địa ở Lũng Pô 1 cũng trồng chuối, dứa để phát triển kinh tế.

Trong thành công của Lũng Pô 2 có sự góp sức không nhỏ của những người lính Biên phòng A Mú Sung. Chính các anh là điểm tựa ban đầu cho bà con khi chân ướt chân ráo về Lũng Pô lập nghiệp. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP A Mú Sung cùng các lực lượng khác và chính quyền địa phương giúp những hộ dân đầu tiên xây dựng nhà để ở. Ổn định được chỗ ở, các anh tính tới chuyện giúp dân phát triển kinh tế. Một vài hộ dân được chọn làm điểm để rồi nhân rộng mô hình ra toàn bản. Nhờ sự tham mưu của Đồn BP A Mú Sung, đến nay, 2 Đảng bộ cùng 18 chi bộ của 2 xã thuộc địa bàn đơn vị quản lý là A Mú Sung và Nậm Chạc đã được kiện toàn. Qua công tác vận động quần chúng, với phương châm đi sâu đi sát địa bàn cùng sự phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ, chính quyền địa phương, tất cả 22 thôn, bản của 2 xã đã ký cam kết tự quản bảo vệ đường biên, mốc giới.

Đọc thêm