Đối tượng sát hại nữ sinh ở Thường Tín có thể đối diện với những tội danh nào?

(PLVN) - "Hai đối tượng nghiện ma túy, sát hại nữ sinh ở Thường Tín rất tàn nhẫn và có thể đối mặt với 4 tội danh, hình phạt cao nhất là tử hình" - đó là quan điểm của Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP HN.
Cơ quan chức năng dẫn nghi phạm ra hiện trường.
Cơ quan chức năng dẫn nghi phạm ra hiện trường.

Liên quan đến vụ nữ sinh viên năm nhất Học viện Ngân hàng mất tích cách đây 4 ngày, mới đây, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội - cho biết, đơn vị đã tìm thấy thi thể nữ sinh Trần Thúy H. (SN 2002, trú tại xã Nguyễn Trãi, Thường Tín. Hà Nội) bị sát hại dưới lòng sông Nhuệ, đoạn qua xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. 

Theo đại tá Tùng, bước đầu cơ quan điều tra đã xác định được 2 nghi phạm là Nguyễn Xuân Trung (35 tuổi, ở xã Văn Phú) và Nguyễn Văn Quân (37 tuổi, ở xã Quất Động). Cả 2 đều ở huyện Thường Tín và đều nghiện ma túy.

Tại cơ quan công an, Trung khai nhận chiều 23/10, Trung rủ Quân đi trộm cắp tài sản. Sau khi lấy được bộ cốppha của 1 công trình xây dựng tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín thì đi tìm nơi tiêu thụ. 

Trên đường đi, Trung trông thấy H. đang đứng gần bờ sông Nhuệ, ngồi trên xe đạp điện nghe điện thoại. Trung quay lại bàn bạc với Quân việc cướp điện thoại, xe đạp điện của nữ sinh. Chính Trung đã đẩy H. xuống sông để thực hiện đến cùng hành vi tàn ác.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP HN - cho rằng, hành vi đẩy nữ sinh xuống sông Nhuệ để cướp xe đạp điện và điện thoại khiến nữ sinh tử vong là hành vi hết sức tàn nhẫn, mất tính người của hai đối tượng nghiện ma túy.

Hành vi của đối tượng này có dấu hiệu của tội cướp tài sản và tội giết người, bởi vậy các đối tượng sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Đối với những vụ án giết người thì ngoài chế tài hình sự mà đối tượng gây án phải chịu trước pháp luật, đối tượng gây án sẽ phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm hại đến tính mạng gây ra (tiền chi phí mai táng, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng...), mức bồi thường có thể tới vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên đối với những đối tượng nghiện ma túy thường là những đối tượng không còn tài sản hoặc tài sản không đáng kể. Bởi vậy vấn đề bồi thường thiệt hại khó có tính khả thi. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được với mức bồi thường thiệt hại và có yêu cầu thì Toà án cũng sẽ được xem xét giải quyết, tuy nhiên khả năng thi hành án về bồi thường thiệt hại dân sự trong những vụ án hình sự như thế này là không cao.

Vẫn biết rằng, dù đối tượng gây án bồi thường bao nhiêu tiền cho gia đình nạn nhân thì cũng không thể bù đắp được những thiệt hại mà hành vi xâm hại tính mạng đã gây ra. Tuy nhiên với những vụ án mạng mà đối tượng gây án là những kẻ tứ cố vô thân, không có khả năng đền bù, bồi thường thiệt hại phần dân sự thì nỗi đau với gia đình nạn nhân có thể sẽ tăng gấp đôi.

Hành vi của hai đối tượng này liền một lúc xâm hại nhiều khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ trong đó có tính mạng của con người và chế độ bảo vệ quyền sở hữu tài sản.

Hành vi đẩy nữ sinh xuống sông khiến nạn nhân tử vong là hành vi giết người, với hành vi này các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Với hành vi dùng vũ lực đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để lấy đi chiếc xe đạp và điện thoại là hành vi cướp tài sản. Hành vi cướp tài sản là nguy hiểm cho xã hội nên các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất của tội danh này có thể áp dụng là tù chung thân.

Thông thường với những đối tượng liền một lúc thực hiện hành vi cấu thành tội phạm của nhiều tội danh trong đó có 2 tội đặc biệt nghiêm trọng là giết người và cướp tài sản thì đối tượng chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình. Đối tượng giúp sức hoặc có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì may ra mới có cơ hội thoát án tử hình trong những vụ án như thế này. Ngoài 2 tội danh là tội giết người và cướp tài sản nêu trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị tài sản là bộ cốp pha mà đối tượng này vừa trộm cắp được là bao nhiêu.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy giá trị của tài sản trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên thì hai đối tượng này sẽ bị xử lý thêm về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xử lý thêm các đối tượng này về tội trộm cắp tài sản theo quy định pháp luật.

Trong quá trình khám người và khám nhà các đối tượng này mà thu giữ được ma túy hoặc có tài liệu, chứng cứ cho thấy các đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy thì có thể xử lý thêm các đối tượng này về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy ngoài các tội danh đã nêu ở trên.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng, căn cứ đến đâu thì sẽ xử lý đến đó theo quy định pháp luật. Thẩm quyền giải quyết vụ án này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố Hà Nội. Khi xét xử, trường hợp tuyên các bị cáo phạm nhiều tội thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc là nếu hình phạt cao nhất là tử hình thì đối tượng phạm tội phải chịu hình phạt chung là tử hình.

Nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Trường hợp đủ căn cứ xử lý thêm về tội trộm cắp tài sản và tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc mua bán trái phép chất ma túy thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 4 tội danh và hình phạt rất nghiêm khắc.

Chắc chắn rằng hai đối tượng nghiện ma túy này sẽ phải đối mặt với những chế tài nghiêm khắc của pháp luật, tuy nhiên vấn đề xã hội đặt ra ở đây là quản lý người nghiện như thế nào để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Với chính sách những năm gần đây thì người nghiện được coi là người bệnh và nghiêm cấm việc kỳ thị, đối xử bất bình đẳng. Tuy nhiên, rõ ràng qua thực tiễn cho thấy rất nhiều đối tượng nghiện ma túy đã gây ra những thảm án, vì cơn nghiện mà sẵn sàng xuống tay với cả những người sinh thành ra mình. Còn đối với những người xung quanh sống gần với những đối tượng nghiện ma túy thì lúc nào cũng nơm nớp lo âu đối với những đối tượng này.

Bởi vậy qua những vụ án như thế này thì cũng cần tăng cường công tác quản lý với những đối tượng nghiện ma túy, đặc biệt là những đối tượng nghiện ma túy đang sống trong cộng đồng xã hội. Cần phải có những cảnh báo và công tác phòng ngừa để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do những đối tượng nghiện ma túy gây ra như trộm cắp, giết người, cướp tài sản.

Trên cơ sở nắm bắt tình hình, quản lý địa bàn mà thấy những đối tượng nghiện ma túy lười lao động, thường xuyên tìm kiếm cơ hội để trộm cắp tài sản thì chính quyền địa phương, cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải có những giải pháp để quản lý, bắt giữ đối tượng này, tránh trường hợp những đối tượng thực hiện những hành vi tội ác như trong vụ án này.

Đọc thêm