56 người đã tử nạn chỉ trong 1 vụ cháy nhà. Người đã qua đời, đành chấp nhận phận số. Người bị thương đang được các y, bác sĩ dốc lực cứu chữa. Thân nhân người tử nạn đang được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội động viên, sẻ chia, nguôi ngoai nỗi đau. Vấn đề hiện nay cần minh định, là làm sao để không được lặp lại một thảm họa như vậy?
Trong quá khứ, năm 2002, tại quận 1 (TP HCM), vụ cháy tòa nhà ITC mặt bằng 6.500m2 làm 60 người tử vong. Thảm họa ITC đã khiến chúng ta thay đổi nhiều nhận thức về công tác PCCC&CHCN; chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lực lượng chữa cháy và tuyên truyền sâu rộng hơn trong nhân dân. Vậy mà không ngờ 21 năm sau, trong vụ cháy 1 căn nhà mặt bằng chưa đầy 200m2, vẫn có tới 56 người ra đi mãi mãi. Các phương tiện chữa lửa hiện đại thế nào cũng không thể tiếp cận căn nhà nằm sâu trong ngõ hẻm ngoằn ngoèo; mà chỉ có thể dùng sức người của lính cứu hỏa.
Một lần nữa, chúng ta cần sòng phẳng nhìn nhận những khuyết - ưu điểm của cái gọi là “chung cư mini” mọc lên tràn lan ở Hà Nội, TP HCM… thời gian gần đây.
Về khía cạnh pháp lý, có thể nói hơn 90% “chung cư mini” vi phạm quy định pháp luật. Với những “căn hộ” (nói chính xác là căn phòng) chưa có “sổ hồng”, mà chủ nhà và khách đã “chuyển nhượng” bằng giấy tay, thì Bộ luật Dân sự không công nhận những giao dịch này. Theo luật, đây là những giao dịch vô hiệu, hai bên phải trả lại “căn hộ” và tiền cho nhau.
Về khía cạnh quản lý, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; các “chung cư mini” khi “mọc” lên sai phép đã khiến những vấn đề này “bê bối” hơn. Trả lời báo chí, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từ kinh nghiệm nhiều năm của mình đã nêu ra thực tế công trình vi phạm bị lập biên bản xử phạt xong lại cho tồn tại. Chủ đầu tư “mong được phạt để hợp thức hóa vi phạm, vì lợi nhuận từ sai phạm lớn hơn tiền xử phạt rất nhiều”. Nghiêm trọng hơn, nhiều công trình vi phạm khác “đằng sau là những thế lực chống lưng. Khi xử lý, chính quyền không chỉ đương đầu với chủ công trình mà còn cả thế lực chống lưng đó”.
Về khía cạnh an toàn, có lẽ không cần nói lần nữa. Con số thiệt hại về người trong vụ cháy đã nói lên rõ ràng. Tất cả những sai lầm đều có thể sửa chữa, nhưng sinh mạng thì không thể.
Nói về ưu điểm của “chung cư mini”, có lẽ chỉ duy nhất là giải quyết nhu cầu ở (phần lớn là những người thuê tạm thời) cho một số người. Theo Điện lực Hà Nội, số “chung cư mini” trên địa bàn là khoảng 2 ngàn. Còn tại TP HCM, số “chung cư mini” khoảng 42,2 ngàn. Các số liệu trên có lẽ cũng cần phải xem xét lại. Vì chưa rõ Điện lực Hà Nội dựa trên tiêu chí nào để xác định “chung cư mini”. TP HCM thì xác định rõ hơn, với tiêu chí “nhà trọ từ 2 tầng trở lên, có nhiều “căn hộ” (phòng), lối đi, cầu thang chung, hệ thống công trình hạ tầng sử dụng cho các hộ gia đình”. Với số dân Hà Nội khoảng 8,5 triệu người và TP HCM là khoảng 9,3 triệu người (tính đến cuối 2022), thì số lượng người thuê hay mua “chung cư mini” là không nhiều. Chính phủ đang gấp rút triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nên về lâu dài, không được phép nói “vì không có sự lựa chọn khác nên tôi mới ở “chung cư mini””.
Chỉ ra một số vấn đề với “chung cư mini” như vậy, để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá, suy ngẫm và có giải pháp. Không thể vì lợi ích của một nhóm người, mà để ảnh hưởng, gây hậu quả đến toàn xã hội.