Với vị trí khai thác đất, đá mà phóng viên (PV) ghi nhận, Chủ tịch xã cho rằng khu vực đó do một hộ dân “làm thủ tục san gạt đất tại chỗ để phục vụ sản xuất nông nghiệp do địa hình đồi dốc” và xã đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt hành chính về hành vi tự ý làm biến dạng địa hình. Khi PV đưa ra những hình ảnh tại Đồi Một cây với quy mô không khác gì khai thác một mỏ đất, đá nhưng Chủ tịch xã vẫn cho rằng đó chỉ là san gạt, không thể gọi đó là mỏ. Về việc các xe ben vận chuyển đất đá rầm rộ hàng ngày, Chủ tịch xã nói “không nắm được”.
Khai thác trái phép đất đá rầm rộ
Tiếp nhận thông tin phản ánh về tình trạng khai thác đất đá trái phép, những ngày giữa tháng 11/2021, nhóm PV PLVN đã ghi nhận hàng chục lượt xe ben chở đất đá từ khu vực Đồi Một cây (thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) di chuyển ra hướng địa phận huyện Đức Trọng và phục vụ một số công trình xây dựng gần đó. Hình ảnh một số xe được PV ghi lại có BKS 49C-22766, 49C-14134, 49C-15010, 49C-17478, 49C-18333... Phía trước những xe này phần lớn dán chữ “Quốc Khánh”. Một số xe dán chữ Cty TNHH Tú Lộc Thọ.
|
Xe chở đất đá từ khu Đồi Một cây đi về hướng Đức Trọng và đổ cho một số công trường. |
Đường nhỏ, các xe tải che chắn không cẩn thận khiến bụi đất rơi vãi ra đường. Các xe còn lấn làn gây nguy hiểm cho người đi đường. Theo phản ánh của người dân địa phương, hoạt động khai thác đất đá tại thôn Cầu Sắt rồi chở đi nơi khác đã diễn ra hơn 2 năm nay.
Tại khu vực bị đào bới là những chiếc máy xúc đang hoạt động liên tục để đào đất, đá đổ lên những thùng xe ben. Hoạt động này diễn ra công khai, liên tục, nằm ngay gần khu dân cư. Nhiều người dân địa phương cho biết hoạt động khai thác đất đá ở Đồi Một cây diễn ra nhiều năm nay. Xe múc, xe ben hoạt động rầm rầm suốt ngày, có ngày lên đến vài trăm xe. Vào các ngày cuối tuần, công suất khai thác được đẩy lên, đồng nghĩa với xe chở đất đá ra vào khu vực trên nhộn nhịp hơn.
Sáng 15/11, PV quay lại hiện trường và quan sát thấy hoạt động khai thác đất đá vẫn diễn ra nhộn nhịp. Chiều cùng ngày, sau khi liên hệ làm việc với chính quyền xã Tu Tra và huyện Đơn Dương, quay lại hiện trường thì bất ngờ khi thấy toàn bộ hoạt động khai thác đất, đá đã dừng, các xe ben chở đất đá dừng hoạt động.
Tại Đồi Một cây cách đường chính khoảng 1km; một phần ngọn đồi rộng nhiều ngàn m2 đã bị khai thác đất đá nham nhở, dấu đất cũ mới chồng lên nhau. Lần theo lối mòn lên đỉnh đồi, là “công trường” rộng khoảng hơn 3.000m2.
Theo quan sát, những đối tượng khai thác đất đá đã xẻ đồi tạo thành con đường ăn sâu vào giữa đồi để đào đất, khoan đá. Tại hiện trường, có thể nhận thấy ở đây có hai tài nguyên đang bị khai thác. Ngoài phần đất ở trên thì ở ngọn đồi này có lượng khoáng sản rất lớn là đá. Xung quanh khu vực khai thác, rất nhiều khối đá đã được cắt xẻ xếp thành đống chờ vận chuyển đi.
|
Ước tính khu vực đã bị xúc đi hàng trăm ngàn m3 đất đá. |
Tại hiện trường, theo quan sát dấu, đất còn rất mới, giữa bãi đất có 2 chiếc xe múc. Ước tính từ vị trí nền đất lên đỉnh đồi cao hơn 30m, quy mô khoảng 3.000m2 thì chỉ cần nhẩm tính cũng có thể thấy hàng trăm ngàn m3 đất đá đã được khai thác đem đi nơi khác. Quy mô khai thác không khác gì một mỏ.
Những giải thích thiếu thuyết phục của cán bộ xã
Nhiều người dân ở khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng khi nói chuyện với PV đều tỏ ra e dè, từ chối công khai danh tính. Người dân đặt vấn đề hoạt động khai thác đất đá trái phép ở Đồi Một cây diễn ra giữa ban ngày nhưng tại sao không bị xử lý, phải chăng có thế lực “chống lưng”?
Trả lời PLVN, ông Trương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tu Tra xác nhận thực trạng khai thác đất đá trái phép trên địa bàn nhưng cho rằng chính quyền địa phương đã “tuần tra”, “kiểm tra” hết sức mà chưa thể triệt để do nhiều khó khăn như đất nông nghiệp nằm giáp ranh đất lâm nghiệp.
|
Hiện trạng khai thác đất đá trái phép quy mô như một khu mỏ, nhưng Chủ tịch xã Tu Tra cho rằng đây chỉ là “hoạt động san gạt”. |
Về thực trạng khai thác đất đá ở Đồi Một cây, ông Hùng cho biết trước đây có Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Quốc Khánh vào khai thác đất trái phép ở khu vực thôn cầu Sắt. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã vào kiểm tra, hướng dẫn DN này làm các thủ tục theo quy định; nhưng DN này không thực hiện, đã dừng khai thác.
Về vị trí khai thác đất đá mà PV ghi nhận được, ông Hùng cho rằng khu vực đó do hộ ông Lê Ngọc Thanh Bình (SN 1975, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) “làm thủ tục san gạt đất tại chỗ để phục vụ sản xuất nông nghiệp do địa hình đồi dốc”. Ông Hùng cho rằng UBND xã đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt hành chính ông Bình về hành vi tự ý làm biến dạng địa hình. Giải thích thế nào “là biến dạng địa hình”, ông Hùng cho biết là hành vi đào đất quá sâu ở vị trí cho phép san gạt.
Ông Hùng xác nhận, theo giấy phép thì ông Bình chỉ được san gạt đất tại chỗ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Còn nếu vận chuyển đất đá đi nơi khác là sai quy định.
Khi PV đưa ra những hình ảnh khai thác tại Đồi Một cây với quy mô không khác gì một mỏ đất, đá; vị Chủ tịch xã vẫn cho rằng đó không phải là khai thác mỏ mà chỉ san gạt và không thể gọi đó là mỏ. “Vậy gọi đó là gì, thưa ông?” Chủ tịch xã Tu Tra không trả lời câu hỏi này. Về việc các xe ben vận chuyển đất đá rầm rộ hàng ngày mà bất cứ ai cũng nhìn thấy, Chủ tịch xã nói “không nắm được”.
Như Chủ tịch xã nói, Cty Quốc Khánh đã dừng khai thác tại đây sau khi bị phát hiện sai phạm; vậy tại sao nhiều xe ben chở đất đá vẫn có logo Cty Quốc Khánh? Nhiều người địa phương không hề biết ông Bình là người “xin phép san gạt” có đất ở khu vực trên và khu vực ông Bình được cấp phép san gạt có phải là vị trí đang diễn ra hoạt động khai thác đất, đá hay không? Điều bất thường nữa là tại sao hoạt động khai thác, vận chuyển đất đá diễn ra công khai ngay giữa khu dân cư nhưng cán bộ địa phương lại “không nắm được” và cho rằng chỉ là “san gạt”, rất vô lý khi so với thực tế?
Báo PLVN đã liên hệ UBND huyện Đơn Dương làm việc và sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo sau.
Mặc dù cơ quan chức năng Lâm Đồng liên tục kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản vẫn tiếp diễn. Trước thực trạng đó, ngày 4/8/2021 mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị của UBND Lâm Đồng yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng; sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép trên địa bàn; xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương và các sở, ngành chức năng liên quan.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là các hành vi: Không lắp đặt camera giám sát, trạm cân; các hành vi gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động xấu đến cảnh quan môi trường; các trường hợp kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ; buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, việc san gạt, cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép.