Không để các nghị quyết nằm trên giấy
Theo Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 896, trong năm 2017, Văn phòng Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án theo đúng tiến độ đề ra. Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Ban chỉ đạo 896, các Bộ, ngành tiến hành rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, đến nay, có 1.146 nhóm thủ tục, thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, trong đó sửa nội dung 685 mẫu đơn và tờ khai; cắt giảm thành phần hồ sơ của 284 thủ tục hành chính; bãi bỏ, hủy bỏ 27 thủ tục hành chính; đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 16 thủ tục hành chính và 9 giấy tờ công dân.
Việc ban hành nghị quyết về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành, tính đến hết tháng 10/2016, Chính phủ đã ban hành 17/24 Nghị quyết của các bộ, ngành. Có 3 bộ, ngành đã dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị quyết. Về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ triển khai dự án, hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu và tiến hành triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; triển khai thí điểm phần mềm quản lý cư trú tại một số đơn vị thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế. Về cấp số định danh cá nhân, Bộ Công an đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố.
Cho ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc – Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án – cho biết, soát sơ bộ của Bộ Tư pháp cho thấy phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để 17/24 nghị quyết về đơn giản hóa TTHC đã được ban hành đạt được mục tiêu là cắt giảm TTHC trên thực tế. “Nếu chúng ta chỉ ban hành nghị quyết mà không sửa đổi các quy định của pháp luật thì các nghị quyết sẽ chỉ nằm trên giấy, không có tác dụng gì”, Thứ trưởng Ngọc nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng con số thống kê cắt giảm các TTHC, điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành nhiều nhưng lại là các thủ tục, điều kiện đơn giản, nhiều thủ tục quan trọng vẫn chưa được cải cách, cắt giảm triệt để. Còn Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh vướng mắc lớn nhất của Đề án vẫn là nguồn kinh phí thực hiện do vướng Luật Đầu tư công.
Đơn giản hoá TTHC cần đúng và trúng
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ mục tiêu của Đề án 896 là làm tốt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời phục vụ cho nhiều mục tiêu quản lý khác như quản lý đô thị, dân số, an ninh trật tự theo hướng hiện đại, không để tình trạng thủ tục rườm rà, người dân đi đâu cùng kè kè ôm cục giấy tờ không cần thiết. Việc thực hiện đề án cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Đánh giá việc triển khai Đề án 896 trong năm 2017 khá nghiêm túc, nhiều nhiệm vụ của Đề án đã cơ bản hoàn thành nhưng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận những loại giấy tờ, thủ tục cần thiết đã được đơn giản thế nào, đã đúng, đã trúng yêu cầu phục vụ cho người dân cũng như đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chưa. “Việc đơn giản hoá TTHC cần đúng, trúng, tránh việc những cái mấu chốt, trọng tâm thì chưa được sửa đổi, không đạt yêu cầu”, ông nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần nhìn nhận những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án, để quyết tâm cao trong việc khắc phục các tồn tại này trong thời gian tới. Trong đó, về vướng mắc nhất là nguồn kinh phí thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào danh mục đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an rà soát lại để tránh sự chồng chéo, lãng phí trong khi ngân sách nhà nước đang hạn hẹp. Ông cũng đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Công an thực hiện hiệu quả chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ việc cấp việc cấp số định danh cá nhân cho công dân theo kế hoạch đã đề ra.