Đơn phương chấm dứt hợp đồng thế nào cho đúng luật?

(PLO) - Trường hợp nào là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như thế nào?.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng thế nào cho đúng luật?

Cơ quan tôi được cấp trên tuyển dụng viên chức vào làm việc theo chế độ “hợp đồng làm việc không xác định thời hạn” với một số cá nhân, cá nhân này được cơ quan cử đi học sau đại học thời gian 02 năm tức 24 tháng.

Theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức thì người lao động phải làm việc tại cơ quan ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo sau đại học, tức là 48 tháng.

Tuy nhiên người lao động mới làm việc được 38 tháng đã có đơn xin nghỉ việc với lý do hoàn cảnh gia đình không thể tiếp tục làm việc, sau 5 ngày cơ quan đã trả lời bằng văn bản là không đồng ý vì chưa đủ thời gian phục vụ, cá nhân sau đó đã có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan và áp dụng khoản 3 điều 37 bộ luật lao động năm 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, trong văn bản có nói sau 45 ngày nữa sẽ không đến cơ quan làm việc.

Do chưa đủ thời gian phục vụ nên cơ quan không muốn cho cá nhân nghỉ việc, cá nhân làm như vậy có đúng luật không? Và nếu cá nhân làm đúng thì cơ quan tôi phải làm gì để không vi phạm pháp luật. (Bạn Nguyễn Khắc Thập - Đắk Lắk hỏi).

Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn- Giám Đốc Hãng Luật TGS LawFirm cho biết:

Căn cứ theo quy định của Luật Lao động năm 2012:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

* Căn cứ theo quy định Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức:

Điều 6. Điều kiện đào tạo sau đại học

2. Đối với viên chức:

a) Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có);

b) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;

c) Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

3. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.

Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo

Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.

2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.

Như vậy, theo Khoản 3 của Điều 37 Luật lao động năm 2012 thì người lao động hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn và phải báo trước 45 ngày.

Tuy nhiên, theo K2Đ6 Nghị định 101 thì khi được cơ quan cử đi đào tạo sau đại học, viên chức phải cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

Đối với trường hợp của công ty bạn, nếu người lao động không được cử đi đào tạo sau đại học mà đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thơi hạn và báo trước 45 ngày là hoàn toàn đúng pháp luật.

Tuy nhiên, nếu trước khi được cử đi học sau đại học mà cá nhân này đã kí cam kết với cơ quan là sẽ ở lại làm việc ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo sau đại học thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là trái với quy định của pháp luật. Nếu sau 45 ngày, cá nhân đó không đến cơ quan làm việc nữa thì theo Điều 7 Nghị đinh số 101, viên chức đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học sau đại học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết trước khi được cử đi học thì phải bồi thường chi phí đào tạo cho cơ quan.

Đồng thời tại Điều 43 Luật Lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Như vậy, để đảm bảm quyền lợi của người sử dụng lao động trong trường hợp này thì cơ quan của bạn có thể gửi văn bản yêu cầu cá nhân đó bối thường chi phí đào tạo đã bỏ ra trong suốt quá trình cử đi học và nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Đồng thời, chuẩn bị các giấy tờ, chứng từ, hóa đơn chứng minh chi phí mà cơ quan bạn đã chi trả cho cá nhân đó trong suốt quá trình học nếu cá nhân đó không chịu bồi thường và cơ quan bạn buộc phải khởi kiện ra Tòa.

Đọc thêm