Dồn sức đẩy nhanh tiến độ cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn

(PLVN) - Trong số 22 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông thì đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có tổng mức đầu tư lớn nhất với hơn 20.400 tỷ đồng, dài khoảng 88 km. Với tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tục đến thăm, đôn đốc tiến độ dự án này. Hiện, chủ đầu tư cùng đơn vị thi công đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thay thế thầu phụ

Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, nhà thầu chịu trách nhiệm thi công chính là Tập đoàn Đèo Cả. Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp, với tổng giá trị hợp đồng khoảng 14.700 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 20.400 tỷ đồng.

Thi công tại cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Dự án được lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm, đến thăm, động viên các đơn vị đẩy nhanh tiến độ. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cũng thường xuyên đến làm việc với địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, đồng thời “ăn ngủ” qua đêm tại hiện trường dự án để kịp thời chỉ đạo các công việc liên quan.

Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lãnh đạo Ban liên tục kiểm tra hiện trường, tổ chức họp kiểm điểm tiến độ trên toàn dự án. Qua kiểm tra, Ban nhận thấy một số nhà thầu phụ làm việc kém hiệu quả, đã lập tức thay thế một số nhà thầu phụ, đồng thời yêu cầu nhà thầu chính (Tập đoàn Đèo Cả) tiến hành rà soát và có các biện pháp điều chuyển khối lượng đối với một số mũi thi công chậm tiến độ.

Theo lãnh đạo chủ đầu tư dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn là một điểm nghẽn của dự án. Cụ thể, dù Quảng Ngãi đã bàn giao mặt bằng được khoảng 97%, nhà thầu tiếp cận thi công được hơn 93% nhưng do mặt bằng “xôi đỗ”, việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Một số nguyên nhân chính trong vướng mắc GPMB là do nhà ở của một số hộ dân chưa thể di dời (chờ các khu tái định cư hoàn thành); một số hộ dân đã thống nhất tiền đền bù nhưng vẫn còn khiếu nại, cần thời gian giải quyết; một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, cần thủ tục để cưỡng chế thu hồi đất.

“Ngoài ra, một số nhân sự tỉnh Quảng Ngãi và nhân sự đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường, giải phóng mặt bằng của Quảng Ngãi có biến động, thay thế nên việc GPMB đến nay còn một số vướng mắc chưa được giải quyết”, lãnh đạo Ban 2 nói và cho biết, hiện Ban đang phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết các vướng mắc, phấn đấu GPMB hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Vị trí cao tốc Quãng Ngãi - Hoài Nhơn trên bản đồ.

Nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh thi công

Theo báo cáo của Ban Điều hành dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, lũy kế sản lượng 3 gói thầu xây lắp đến nay đã thực hiện được gần 20%, chậm so với kế hoạch khoảng 0,6%. Nguyên nhân chậm là do mặt bằng bàn giao không liên tục và nhỏ lẻ dẫn tới gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thi công đồng bộ (nhất là tại gói thầu XL1).

Ngoài ra, việc chậm tiến độ còn có nguyên nhân chủ quan, được chủ đầu tư chỉ ra là đa số các mũi thi công phần đường đều đang chậm tiến độ, do năng lực thi công, chưa tập trung huy động nguồn lực và chưa tập trung giải quyết các thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng dù đã được địa phương hỗ trợ.

“Một số nhà thầu phụ có năng lực kém, chúng tôi đã yêu cầu thay thế. Một số nhà thầu phụ khác đang được chúng tôi tiếp tục theo dõi, đánh giá”, lãnh đạo chủ đầu tư nói thêm về nguyên nhân chủ quan dẫn đến dự án chậm tiến độ.

Trao đổi với PLVN, đại diện nhà thầu là Tập đoàn Đèo Cả cho biết, toàn dự án đã huy động 45 mũi thi công với gần 3.400 nhân sự, hơn 1.300 máy móc thiết bị đến công trường. Cả 3 gói thầu xây lắp đều tổ chức thi công 2 ca, riêng các hạng mục hầm, nhà thầu thực hiện thi công liên tục 24/24. “Các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc liên tục không ngừng nghỉ”, đại diện nhà thầu cho biết.

Tập đoàn Đèo Cả thi công hầm tại dự án.

Theo nhà thầu, trên tuyến cao tốc có 3 hầm xuyên núi, hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 698m và hầm 3 dài 3.200m, cùng 586 cống, 81 hầm chui dân sinh, 77 cầu, trong đó lớn nhất là cầu bắc qua sông Vệ có chiều dài 610m.

Đến nay, nhà thầu đã đào thông hầm số 1 và số 2. Hầm số 3 có địa chất phức tạp nên công tác thi công được triển khai rất thận trọng. Hiện, ống hầm trái đạt hơn 720/3.200m, ống hầm phải đạt gần 800/3.200m. Ngoài ra, đã triển khai thi công 57/77 cầu, đắp nền đường 2,6 triệu m3. "Đến ngày 1/4/2024, giá trị giải ngân toàn dự án đạt 4.725 tỷ đồng, sản lượng đạt hơn 19% tổng khối lượng", Tập đoàn Đèo cả cho biết.

Tập đoàn này cho biết thêm, kế hoạch năm 2024, sản lượng cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đạt 5.900 tỷ đồng, lũy kế đạt khoảng 60% giá trị hợp đồng. Cụ thể, đối với hạng mục hầm số 1 và hầm số 2 sẽ thi công hoàn thiện mặt đường, vỏ hầm và thiết bị. Bên cạnh đó thực hiện thi công 60/77 cầu (ưu tiên hoàn thành các cầu vượt đường ngang), hoàn thành đắp đất nền đường và thi công một phần bê tông nhựa, an toàn giao thông.

Kiến nghị xây thêm 1 ống hầm

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị: Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, trong giai đoạn 1 của dự án các hầm (hầm 1, hầm 2, hầm 3) trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được đầu tư hoàn thiện 01 ống với 02 làn xe sẽ tạo thành nút thắt cổ chai. Bên cạnh đó hệ thống giao thông thông minh (ITS) của dự án chưa xác định thời gian triển khai dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông. Vì thế, nhà thầu kiến nghị Bộ GTVT đầu tư hoàn thiện 2 ống hầm và lắp đặt hệ thống ITS đồng bộ với công trình hầm.

Trước kiến nghị này, lãnh đạo Ban quản lý dự án 2 cho biết, việc mở rộng đầu tư hoàn thiện 2 ống hầm là cần thiết. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nâng vốn, tổng mức đầu tư của dự án, cần được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, phê duyệt.

Đọc thêm