Đó là các lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các DNNN; quản lý tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu; công tác đảm bảo an toàn đối với hệ thống tín dụng và quyền lợi của người dân; thực hiện quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng…
Ngoài ra, sẽ tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra để tiếp tục khắc phục một trong những hạn chế, tồn tại lâu năm của hoạt đông thanh tra.
Theo đánh giá, dù vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013) nhưng kết quả thanh tra 6 tháng đầu năm đã đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.853,7 tỷ đồng, 1.082,4ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,7 tỷ đồng và 409,4ha đất (đã thu hồi 3.789,9 tỷ đồng); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.035 tỷ đồng, 673ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 548 tập thể, 1.160 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng.
Trong 6 tháng đầu năm qua, thanh tra phát hiện 05 vụ, 13 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 2.327 triệu đồng; đã thu 630 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 20 tập thể, 15 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 01 vụ, 05 đối tượng (Tập trung ở các tỉnh Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Ngãi).