Đông Anh (Hà Nội): Hàng nghìn mét vuông đất bị doanh nghiệp chiếm dụng, xây dựng trạm trộn bê tông trái phép

(PLVN) - Từ năm 2017 cho đến nay, ông Phan Văn Hiến (thôn Lương Nỗ, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh ) đã chiếm dụng gần 6.000 m2 đất của nhà nước để sử dụng xây dựng trạm trộn bê tông và xây dựng một số công trình trái phép, nhưng  các cấp chính quyền huyện Đông Anh không xử lý, gây bức xúc cho người dân. 
Trạm trộn bê tông (Công ty Bình Dương) hoạt động trái phép, chính quyền địa phương bất lực
Trạm trộn bê tông (Công ty Bình Dương) hoạt động trái phép, chính quyền địa phương bất lực

Hiện nay người dân ở xã Tiên Dương vô cùng bức xúc về việc, trạm trộn bê tông của Công ty TNHH bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương do ông Phan Văn Hiến làm giám đốc, hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển làm rơi, vãi vật liệu ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đáng nói, trạm trộn bê tông của Công ty Bình Dương hoạt động trong nhiều năm, nằm ở vị trí cạnh đường Quốc lộ, gần trung tâm dân cư đông đúc của xã.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương cho biết: “UBND xã đã nhiều lần lập biên ban vi phạm đối với ông Phan Văn Hiến, giám đốc Công ty Bình Dương và báo cáo lãnh đạo UBND huyện Đông về tình trạng Công ty Bình Dương chiếm dụng đất trái phép của nhà nước, xây dựng trạm trộn bê tông, xây dựng một số công trình trái phép và UBND huyện cũng đã có chỉ đạo rồi nhưng chưa làm tới”.

Được biết, trạm trộn bê tông và một số công trình được xây dựng trái phép hiện nay, trước đây là đất nông nghiệp do UBND xã Tiên Dương quản lý. Năm 2011, UBND xã đã ký hợp đồng cho ông Phan Văn Hiến thuê gần 6.000 m2, mục đích sử dụng theo hiện trạng trồng cây hàng năm với thời hạn 5 năm. Đến năm 2017, UBND xã Tiên Dương đã có biên bản thanh lý hợp đồng, tuy nhiên ông Phan Văn Hiến vẫn không chịu trả đất cho UBND xã Tiên Dương mà “cố thủ” chiếm giữ diện tích đất trên để xây dựng trạm trộn bê tông và một số công trình trái phép.

Năm 2017, UBND xã Tiên Dương đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, xử lý và đề nghị ông Phan Văn Hiến tự tháo dỡ vi phạm và yêu cầu chấp hành nghiêm nhưng ông Hiến vẫn bất chấp, tiếp tục xây dựng nhiều hạng mục công trình trái phép trên diện tích gần 6.000 m2 đất nông nghiệp và sử dụng đất của nhà nước trái phép cho đến nay.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương cho biết thêm, “từ năm 2017 đến nay ông Phan Văn Hiến, giám đốc Công ty Bình Dương chiếm dụng hàng nghìn m2 đất trái phép để sử dụng kinh doanh, sản xuất nhưng UBND xã cũng không thu được một đồng thuế nào”.

Như vậy, hàng nghìn mét vuông đất của nhà nước bị ông Phan Văn Hiến chiếm đoạt từ năm 2017 cho đến nay để hoạt động kinh doanh, sản xuất, thu lợi với giá trị khổng lồ, nhưng không hiểu các cấp chính quyền huyện Đông Anh vẫn “lờ” đi!

Trạm trộn bê tông xây dựng trái phép trên đất của nhà nước
 Trạm trộn bê tông xây dựng trái phép trên đất của nhà nước

Theo một số người dân đặt dấu hỏi tại sao chính quyền địa phương để cho ông Phan Văn Hiến sử dụng hàng nghìn mét vuông “đất vàng” trái phép trong nhiều năm, xây dựng hoạt động sản xuất, kinh doanh lẽ ra phải nộp tiền thuê đất với số tiền rất lớn.

“Hơn nữa, quá trình trạm trộn bê tông này hoạt động gây ô nhiễm môi trường, vận chuyển làm rơi, vãi vật liệu ra đường gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, nhân dân trong thôn cũng đã nhiều lần phản ánh đến UBND xã nhưng không hiểu sao trạm trộn này vẫn ngang nhiên tồn tại”, một số người dân cho biết.

Được biết, năm 2019, UBND xã lại tiếp tục lập biên bản đối với ông Phan Văn Hiến chiếm dụng đất nông nghiệp và xây dựng công trình trái phép, đồng thời UBND xã ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Phan Văn Hiến, chủ đầu tư vẫn xem như không có chuyện gì xảy ra.

Tiếp đến ngày 11/1/2020, UBND xã tiếp tục có Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Phan Văn Hiến, tuy nhiên, mọi Quyết định của UBND xã Tiên Dương chỉ dừng lại trên giấy, không đủ sức răn đe nên chủ đầu tư vẫn “cứng đầu”.

Đại diện UBND xã Tiên Dương cho biết, “UBND xã đã làm hết chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đối với những vi phạm của Công ty Bình Dương do ông Phan Văn Hiến làm giám đốc, đồng thời đã báo cáo sự việc từ nhiều năm lên lãnh đạo UBND huyện Đông Anh để có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp này, tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Đông Anh vẫn chưa có chỉ đạo gì thêm”.

Những vi phạm lớn của chủ đầu tư đã rõ ràng, vậy nguyên do nào mà các cấp chính quyền huyện Đông Anh không dám “đụng đến”.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đọc thêm