Dỡ tạm thời đình làng do chiến tranh
Theo trình bày của các cụ cao niên thôn Vĩnh Thanh: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp, xã Vĩnh Ngọc là một địa điểm quan trọng trong việc phòng thủ và chiến đấu. Do sợ bị giặc dùng đình làng đóng quân, nên lúc đó Đảng, Nhà nước đã có chỉ thị tạm thời phải phá dỡ ngôi đình, sau này đất nước hòa bình độc lập thì xây dựng lại. Ngôi đình được nhân dân gọi là “Đình Ngoài” và cách ngôi miếu cổ khoảng 500m về phía Tây Nam, bên cạnh còn có chùa Long Khánh”.
Tài liệu Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Ngọc năm (1930-2012) tại trang 44 có ghi kết cấu ngôi Đình Ngoài gồm: Tiền tế, Đại đình và Hậu cung. Ngoài ra còn có các hạng mục như: Cổng nghi môn, nhà dải vũ và hai nhà tảo mạc. Khi xây dựng đình, nhân dân còn truyền tụng câu ca: “Anh Xuyên chở đá, anh Xá chở gỗ”- ý nói việc xây dựng đình thôn Vĩnh Thanh có sự tham gia của các làng lân cận. Qua thời gian, chiến tranh loạn lạc nên hiện ngôi đình không còn nữa mà chỉ còn lại nền đình.
Bà Nguyễn Thị Tám (người dân thôn Vĩnh Thanh) cho biết: “Chúng tôi chỉ có một mong muốn được Đảng, Nhà nước cho nhân dân được khôi phục lại ngôi đình để nhân dân có nơi thờ kính. Dù đã gửi đơn lên UBND xã và UBND huyện Đông Anh nhưng chúng tôi chưa được cơ quan nào xem xét trả lời”.
Khuất tất đất đình xây trường học
Hiện nay đất Đình Ngoài đã được xây dựng thành Trường THPT Ngô Quyền Đông Anh và Trường Trung cấp Y Dược cộng đồng Hà Nội, nằm trọn trong khu vực dân cư, rất gần với ngôi chùa Long Khánh và Miếu cổ giống như sổ sách tài liệu và người dân lưu và kể lại.
“Vì mấy năm trước đây do nhu cầu địa phương cần dùng khu đất làm trường học và nhân dân chưa có điều kiện khôi phục ngôi đình nên khu đất này được làm Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc. Đến năm 2006, Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc trả lại cho thôn Vĩnh Thanh quản lý. Một năm sau, ông Hựu (trưởng thôn Vĩnh Thanh) đã tự ý ký hợp đồng cho Trường THPT Ngô Quyền Đông Anh thuê 5 năm khiến nhân dân trong toàn thôn rất bất bình”- một người dân cho biết.
Để tìm hiểu vụ việc, phóng viên đã liên hệ với Trường THPT Ngô Quyền Đông Anh nhưng bị bảo vệ nhà trường ngăn cản và cho rằng “chưa có ý kiến của Hiệu trưởng”? Còn Trường Trung cấp Y Dược cộng đồng Hà Nội thì cho biết, khi nào lãnh đạo trường xếp thời gian gặp sẽ thông tin lại cho phóng viên?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Huy – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết: “Trường THPT Ngô Quyền Đông Anh xây dựng tôi có biết. Còn về các văn bản, tờ trình liên quan tới trường này đã bị thất lạc do xã sửa chữa xây dựng, giờ tôi không biết còn giấy tờ gì?”. Vậy nguồn gốc đất như thế nào? Ông Huy nói: “Anh hỏi tôi, tôi hỏi ai?”. Còn khi được chúng tôi hỏi về việc có phải Trường THPT Ngô Quyền Đông Anh đã ký hợp đồng thuê với thời gian 5 năm thì Ông Huy trả lời: “Tôi không ký cho thuê mà thôn cho thuê nên tôi cũng không biết nội dung thế nào, để tôi tìm hiểu lại đã”?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.