Đóng cửa bảo nhau…

(PLVN) - Làm báo bây giờ khó khăn trăm bề. Bạn đọc đã ít nhiều suy giảm niềm tin vào báo chí, trong làng báo lại có rất nhiều biểu hiện của sự mất đoàn kết. Khi tự thân những người làm báo còn “vạch áo cho người xem lưng”, hả hê với những sai phạm của nhau, thậm chí “bóc phốt” nhau thì làm cho nghề báo lại càng mất đi thế đứng của mình như một nghề nghiệp đã từng rất đẹp đẽ và đáng tự hào…
Minh họa
Minh họa

Vạch áo cho người xem lưng

Mạng xã hội, nhất là facebook đang ngập tràn các diễn đàn, trong đó có không ít các diễn đàn của các nhà báo lập ra để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ. Có những diễn đàn mà khởi thuỷ của nó đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, khi là nơi để nhiều người làm báo giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và làm lan toả giá trị của nhiều tác phẩm báo chí. Có những diễn đàn ngoài giao lưu kinh nghiệm, còn là nơi mổ xẻ, phân tích các bài báo có vấn đề trên cả bình diện nội dung, diễn đạt, lẫn các khía cạnh có mang tính đạo đức nghề nghiệp để những người viết báo rút ra  bài học cho mình.

Lượng người tham gia các diễn đàn thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông này ngày càng nhiều.Trên facebook cũng có gần chục diễn đàn liên quan đến hoạt động báo chí truyền thông. Lượng thành viên là các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên và cả những người ngoài ngành nghề tham gia các diễn đàn này càng nhiều, nhiều đến hàng chục ngàn thành viên.

Và rồi cũng từ sự lộn xộn của nghề nghiệp, vàng thau lẫn lộn trong nghề dẫn đến các diễn đàn mạng xã hội cũng vàng thau các quan điểm. Đáng lo ngại nhất là tình trạng công kích, “bóc phốt” và hả hê khi một ai đó trong nghề bị tai nạn nghề nghiệp.

Điều đáng lo ngại hiện nay là trên các diễn đàn này có sự công kích mang tính cá nhân từ sự mâu thuẫn của các nhóm làm báo với nhau. Diễn đàn là để họ công kích, thậm chí lăng mạ, chửi bới nhau, từ đó làm cho người ngoài nhìn vào sẽ thấy một sự mất đoàn kết, lộn xộn trong nội bộ những người làm báo.

Đời sống báo chí vốn dĩ đang có những biểu hiện lộn xộn. Đạo đức báo chí đang được báo động khi mà xuất hiện ngày càng nhiều những người lợi dụng danh nghĩa báo chí để có các hành vi trục lợi cá nhân, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật. Niềm tin bạn đọc vào báo chí đã suy giảm lại càng suy giảm hơn khi nội bộ những người làm báo lục đục, bêu riếu, tấn công nhau trên mạng xã hội.

Đáng buồn trên các trang cá nhân lẫn trên các diễn đàn, những người làm báo đã vận dụng khả năng ngôn ngữ, đôi lúc cả ngôn ngữ chợ búa, không mấy sạch sẽ để chửi bới nhau. Không khó để lấy các ví dụ chứng minh điều này trên hàng loạt các status của những người làm báo trên facebook và trên các diễn đàn.

Xấu chàng thì hổ ai?

“Bóc phốt” là một chuyện, hể hả trên nỗi đau của đồng nghiệp lại là một chuyện khác đáng bàn trên mạng xã hội. Thực tế có những người viết báo hư hỏng. Đúng ra là họ lợi dụng nghề báo để kiếm sống một cách không trong sáng. Đây đó là thông tin nhà báo bị bắt vì tống tiền, đây đó thông tin nhà báo bị khởi tố vì dính vào các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật. Ai sai người ấy chịu, chúng ta muốn làm trong sạch hoá, lành mạnh hoá môi trường báo chí, đồng nghĩa với việc không bênh vực và đứng về cái xấu. Và càng không thể bênh vực những người này khi họ đã coi thường nghề nghiệp, làm vẩn đục, thậm chí ô nhục nghề báo. Nhưng những ai dính chàm thì đó là nỗi đau của nghề chứ không nên hỷ hả, vui vẻ trên những vết nhơ đấy.Vì đó là nỗi đau chung.

Ngay cả một số nhà báo “chưa bị lộ” cũng tỏ vẻ hý hửng, bình luận và phê phán sôi nổi đồng nghiệp “vừa bị xích” của mình. Có người thì luôn lên face dạy dỗ đồng nghiệp, rao giảng đạo đức nghề nghiệp, nhưng những người trong nghề đều biết lại là một tay chuyên đi bảo kê, xin xỏ, gỡ gạc như một cầu nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sai phạm giữa nhà báo đi phanh phui sự việc…

Sự việc xảy ra cách đây mấy năm của một nhà báo vừa được tha tù là một ví dụ điển hình cho sự hể hả của làng báo khi đồng nghiệp bị bắt. Bạn phóng viên tôi chẳng hề quen biết bị bắt vì một phi vụ tống tiền. Việc đương nhiên chả hay ho gì, nhưng khổ nỗi rất nhiều đồng nghiệp được một phen sung sướng, hả hê. Não trạng này bây giờ cũng đang là phong trào. Nhưng càng hả hê bao nhiêu thì càng thấy bấy nhiêu sự tủi hờn. Càng không thể hả hê vì ai sau những sai lầm cũng đều có cơ hội để làm lại cuộc đời. Hả hê quá sẽ cười trên nỗi đau của đồng nghiệp, nực cười như đã nói, có những người “chưa bị lộ” cũng góp thêm tiếng cười để trang điểm cho sự “sạch sẽ” của mình.

Vậy nên trong nhà có sai phạm thì hãy xem đấy cũng là bài học để răn mình. Đồng nghiệp sai phạm thì “đóng cửa bảo nhau” chứ lại khoét sâu vào nỗi đau ấy thì cũng chẳng khác gì mình đang tự làm tổn thương những giá trị mà mình đang theo đuổi. Hay như các cụ dạy, xấu chàng thì hổ ai?!

Nay người- mai ta

“Cười người chớ có cười lâu”, các cụ xưa đã dạy chúng ta như thế. Không ai nắm tay tối ngày và một tay cũng không thể che lấp bầu trời. Có những sự việc, nhìn bề ngoài tưởng là tiêu cực, nhưng với những người trong cuộc, vì khi đi tìm hiểu thật kỹ thì bản chất thực lại không phải là như thế. Có những nhà báo sạch sẽ và công tâm, có những phi vụ nhà báo bị “gài” và đến khi chứng minh được vạ thì má đã sưng từ đời nào, lại còn bị đồng nghiệp lại “khinh” vì “ăn bẩn”…

“Nay người- mai ta”, cái còn lại trên cõi đời này mãi mãi vẫn là liêm chính, cạnh nó là khách quan và công tâm. “Nay người - mai ta”, cứ ngẫm để thấy cuộc đời vốn dĩ rất công bằng. “Gieo gì- gặt đấy” nên cứ bình tình, liêm chính thì vạ ít đến thân. Ai sai người đấy chịu, nhưng hả hê với cái sai như tiếng vỗ tay sau khi tòa tuyên án tử một kẻ giết người, đôi lúc cũng thấy bất nhẫn lạ lùng.

Làm báo thời khốn khó, những người làm báo chân chính lại càng phải đoàn kết với nhau hơn bao giờ hết. Sự đoàn kết ấy chính là việc bảo vệ nhau trong tác nghiệp, nhất thiết không đứng về cái ác, cái xấu. Chẳng may ai đó trong nhà “đá nhau” thì cũng hãy nghĩ về cảnh “gà cùng một mẹ” để không có những tiếng cười nhạo lạc điệu. Danh dự nghề nghiệp mới là cái còn mãi với thời gian.

Ai rồi cũng có lúc phải nếm trải những trái đắng cuộc đời, những thất bại, những đớn đau và cả những ngọt ngào hạnh phúc. Đừng vội đánh giá ai, phỉ báng ai, chê bai ai, hả hê với nỗi đau của ai… bởi biết đâu bi kịch đấy có ngày sẽ rơi vào mình. Như dân gian vẫn dạy nhau: “Cười người chớ có cười lâu/Cười người hôm trước hôm sau người cười”.

Đọc thêm