Đông Hà (Quảng Trị): Khởi kiện một đường, tòa xử một nẻo

(PLO) - Khi xét xử một vụ tranh chấp đòi lại tài sản, TAND TP.Đông Hà (Quảng Trị) thay vì xử theo nội dung đơn khởi kiện thì lại “lái” vụ việc sang nội dung khác khiến vụ án trở nên phức tạp…
Ông Phục (đứng) trình bày tại phiên tòa
Ông Phục (đứng) trình bày tại phiên tòa
Cho vay tiền, tòa phán đó là “mua rừng”
Theo trình bày của Cty TNHH MTV Phú Quý Dũng (xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị) do ông Nguyễn Hữu Quý làm đại diện, do quen biết với ông Hồ Đình Phục – chồng bà Nguyễn Thị Hiền (khu phố 3, phường Đông Lương, TP.Đông Hà, hiện là Phó Giám đốc Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị) nên khoảng đầu tháng 6/2012, ông Phục đặt vấn đề mượn ông Quý 600 triệu đồng và hứa 1 tháng sau sẽ trả. 
Ngày 13/6/2012, ông Quý đến Ngân hàng Thương mại cổ phần  Sài Gòn Thương Tín (Phòng giao dịch Triệu Hải) chuyển số tiền trên vào tài khoản của bà Hiền. Tháng 6/2012, ông Phục nhờ ông Quý khai thác tỉa thưa 33ha rừng trồng tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Tuy nhiên, do đến hạn mà ông Phục chưa trả nợ nên ông Quý chỉ tỉa thưa, khai thác 13,6ha. 
Ông Quý khởi kiện buộc ông Phục trả lại số tiền trên và gần 100 triệu đồng tiền lãi. Qua 2 lần xét xử, ngày 29/9/2014, TAND TP.Đông Hà xét xử sơ thẩm lại vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản”. Đáng ra, phải làm rõ nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn về việc mượn tiền của ông Phục với Cty Phú Quý Dũng thì Thẩm phán Lê Thiết Hùng, Chủ tọa phiên tòa lại “lái” vụ kiện sang hướng khác khi cho rằng số tiền ông Quý chuyển cho ông Phục mượn là tiền “mua bán rừng” và bác đơn khởi kiện của Cty Phú Quý Dũng. 
Tòa án cho rằng đó là tiền “mua bán rừng” giữa ông Quý và nhóm hộ do bà Hiền đại diện. Tuy nhiên trước tòa, bị đơn không đưa ra được chứng cứ chứng minh như bán rừng ở vị trí nào, hình thức thanh toán, thời gian thực hiện và chứng cứ quan trọng nhất là  hợp đồng mua bán cũng không có. Ông Quý cho rằng, số tiền mà ông đại diện Cty Phú Quý Dũng chuyển cho bà Hiền là với tư cách pháp nhân; còn việc ông Phục nhờ ông Quý khai thác tỉa thưa rừng trồng là quan hệ cá nhân, hai quan hệ này hoàn toàn khác nhau, không thể kiện một đằng, xử một nẻo được. 
Vấn đề này, tại Điều 84 Bộ luật Dân sự đã quy định rõ. Chứng cứ chứng minh việc bán rừng không có nhưng Hội đồng xét xử lại đưa vào các chi tiết như:  ông Quý đã lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác và đăng ký khai thác rừng tại lô 2, khoảnh 876 thuộc xã Cam Chính; đại diện nhóm hộ công nhân và ông Quý cũng là người trực tiếp ký hợp đồng kinh tế với ông Nguyễn Đăng Vương để múc đất làm đường khai thác... nhưng theo bà Văn Thị Thanh Thủy, người đại diện theo ủy quyền của Cty Phú Quý Dũng thì những “chứng cứ” trên mà tòa án thu thập được không liên quan đến vụ kiện của Cty Phú Quý Dũng.
Ông Quý trình bày hồ sơ với phóng viên
Ông Quý trình bày hồ sơ với phóng viên 
Cần xem xét vụ án khách quan, đúng luật
Bà Hiền nói đã bán cho ông Quý 17,5ha rừng nhưng không biết diện tích đó nằm ở lô, vị trí nào thì thử hỏi người mua biết đâu mà khai thác? Ngoài ra, tại các văn bản xin khai thác tỉa thưa rừng trồng có rất nhiều mâu thuẫn nhưng không được quan tòa làm rõ như: Đại diện nhóm hộ nói bán rừng cho ông Quý vào tháng 5/2012 nhưng tại Báo cáo thay đổi kế hoạch khai thác rừng trồng do ông Nguyễn Văn Thanh đại diện nhóm hộ ký có ý kiến xác nhận của Hạt Kiểm lâm ghi ngày 24/7/2012(?). Tháng 7/2012 nhóm hộ còn xin ý kiến chặt toàn bộ rừng, vậy tại sao lại nói bán rừng cho ông Quý vào tháng 5/2012? Sự mâu thuẫn giữa các hồ sơ liên quan tại phiên tòa này chưa được xem xét cụ thể, khách quan là điều khó hiểu.
Bà Hiền nói đã bán cho ông Quý 6 lô, gồm: Lô 2A, 2A2, 2A3, 2A4, 2B1, 2B2 nhưng tại hồ sơ thiết kế tại khoảnh 2 tiểu khu 786 thì diện tích 6 lô nói trên là 25,3ha chứ không phải 17,5ha. Vì sao những mâu thuẫn này tòa án không xác định rõ ràng mà tuyên án bừa bãi như vậy? Dư luận địa phương cho rằng ông Phục là cán bộ Chi cục Kiểm lâm nên đã chi phối và làm “mờ” mắt quan tòa?
Nếu ông Phục đã bán rừng cho ông Quý thì việc khai thác phải do ông Quý toàn quyền định đoạt, “lời ăn, lỗ chịu”, nhưng ở đây ông Quý lại bàn với ông Phục thuê ông Dạn là người bảo vệ rừng lâu năm cho ông Phục giám sát mọi hoạt động khai thác cũng như khối lượng xe chở gỗ ra khỏi rừng. Toàn bộ quá trình khai thác, ông Dạn đều ghi chép đầy đủ. Nếu ông Phục đã bán rừng cho ông Quý, vậy tại sao ông Quý phải đi thuê người giám sát mình? 
Từ đây có thể suy luận rằng, việc ông Phục nhờ ông Quý tỉa thưa rừng trồng là có cơ sở. Hơn nữa, các giấy tờ ông Quý xin tỉa thưa với chính quyền là 33ha vậy tại sao ông Phục nói là bán 17,5ha? Các chứng cứ này có nhiều mâu thuẩn nhưng không được tòa án xem xét.
Luật sư Trần Nguyễn Hữu Chi, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng TAND TP.Đông Hà đã xét xử không theo luật, cố tình làm “lệch” hồ sơ để đẩy vụ án sang hướng khác. Bởi lẽ, Cty Phú Quý Dũng cho ông Phục mượn tiền thông qua ngân hàng đã được xác định quyền sở hữu tài sản của ông Quý nên tòa phải làm rõ việc cho mượn tiền. Nếu đây là quan hệ dân sự thì tòa án xử buộc ông Phục trả lại tiền. Còn nếu ông Phục  không trả là có dấu hiệu lừa đảo, cần chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý. Tòa bác đơn mà không đưa ra được chứng cứ chứng minh vì sao bác đơn, áp dụng vào điều khoản, quy định nào của pháp luật để bác đơn là vi phạm pháp luật”.
Để đem lại sự công bằng cho người dân cũng như thể hiện sự công minh của pháp luật, thiết nghĩ những người “cầm cân nảy mực” ở hai cấp tòa là TP. Đông Hà và tỉnh Quảng Trị cần xem xét bản án một cách khách quan.

Đọc thêm