Dòng họ nổi danh và 3 nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn - (Kỳ 1): Nguyễn Tường - Dòng họ khoa bảng nổi danh đất Hội An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dòng họ Nguyễn Tường ở đất di sản văn hóa Hội An là dòng họ vua ban. Kể từ khi Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân được chôn cất ở làng La Vân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), con cháu ông đều đỗ đạt, làm quan.
Khu lăng mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.
Khu lăng mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.

Đặc biệt là phát về văn chương, nghệ thuật. 3 anh em ruột họ Nguyễn Tường là: Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo không những là những người sáng lập mà còn là những cây bút chủ lực của Tự lực Văn đoàn nổi tiếng trên văn đàn nước Việt những năm 30 của thế kỷ 20.

Tổ tiên là khai quốc công thần

Kỷ niệm 200 năm ngày giỗ Thượng thư Bộ Binh, tước Nhuận Trạch Hầu Nguyễn Tường Vân (1772-1820) và ngày Di sản văn hóa Thế giới 23/11, vào ngày 22/11/2020, UBND xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân. Ít ai biết người nằm trong di tích cổ mộ ấy là  quan Thượng thư thi đỗ tam trường, có sự nghiệp hiển hách, con cháu nhiều đời khoa bảng và là cụ tổ 5 đời của anh em nhà văn nổi tiếng Tự lực Văn đoàn gồm: Nhất Linh, Thạch Lam và Hoàng Đạo. 

Theo gia phả, họ Nguyễn Tường gốc gác là họ Nguyễn Như, sau đổi thành Nguyễn Văn, quê quán tại xã Phúc Điền, tổng Hạ Bản, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa (hay Thanh Hóa) theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam (Đàng Trong) định cư. Từ thời nhà Lê, ông tổ đời thứ nhất họ Nguyễn Tường là Nguyễn Văn Phước giữ chức cai đội. Ông tổ đời thứ ba Nguyễn Văn Quyền giữ chức Đội trưởng Thành lễ hầu vào nhậm chức và định cư tại phủ Hoài Nhơn, Bình Định. 

Cụ tổ đời thứ năm Nguyễn Văn Huấn là thân phụ Thượng thư Nguyễn Tường Vân chạy loạn vào định cư tại thôn Tân An, xã Mỹ Hội, huyện Tân Bình, phủ Gia Định, được thọ chức Hiển trung từ Đội trưởng. Đến cụ Nguyễn Tường Vân là đời thứ 6 mới chuyển vào định cư tại tại xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Nhờ lập được nhiều công to, Nguyễn Văn Vân được Nguyễn Ánh yêu mến và trọng dụng. Tích cũ kể rằng, một lần ông hộ giá đi qua núi Phước Tường ở Hòa Vang, Đà Nẵng, Nguyễn Ánh chỉ ngọn núi hỏi: “Ngọn núi này tên là gì?”. Nguyễn Văn Vân tâu: “Núi ấy gọi là núi Phước Tường”. (Phước - phúc là việc tốt lành, Tường là rõ ràng). Nguyễn Ánh bảo: “Nguyễn Phước là họ của ta. Vậy ta ban cho ngươi họ Nguyễn Tường”. Từ đó Nguyễn Văn Vân đổi thành Nguyễn Tường Vân.

Nguyễn Tường Vân bắt đầu sự nghiệp từ khoa bảng. Năm Bính Thìn (1796) lúc Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau ở Gia Định, Nguyễn Tường Vân thi đỗ tam trường, được bổ chức Lễ sinh, sau thăng chức Nhập thị Thư viện, rồi thăng Chính dinh Trị bạ Tri Nội các.

Con cháu họ Nguyễn tri ân tại Khu lăng mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.
Con cháu họ Nguyễn tri ân tại Khu lăng mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.  

Thời nhà Nguyễn quy định thi Hương đỗ tam trường (ba vòng đầu), đạt học vị Tú tài; đỗ tứ trường đạt học vị Hương cống (về sau gọi là cử nhân); đỗ thủ khoa đạt Giải nguyên. Thi Hội đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi Đình; đỗ bảng thứ là thứ trúng cách, được học vị Phó bảng; đỗ thủ khoa đạt Hội nguyên. Đỗ thi đình đạt học vị chung là Tiến sĩ; đỗ thủ khoa đạt Đình nguyên. Thời Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên vì đề xuất Tứ bất lập do sợ lạm quyền.

Năm 1797, Nguyễn Tường Vân theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam lập được công to, rồi đóng quân ở cửa biển Đại Chiêm, Hội An. 

Năm Tân Dậu (1801), ông theo Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Năm Gia Long nguyên niên (1802), khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được cử làm Phó sứ cùng Chánh sứ Trịnh Hoài Đức Trịnh Hoài Đức, người viết Gia Định thành thông chí sang đề nghị nhà Thanh phong Vương cho Nguyễn Ánh. Có tài liệu lại nói rằng ông được cử cùng sứ bộ đến tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mua sắm quốc dụng (đồ dùng của quốc gia).

Sau khi đi sứ trở về, Nguyễn Tường Vân lần lượt được nhà vua đề cử trông coi các địa phương như Cai bạ dinh Quảng Nam (1803) rồi Ký lục trấn Bình Thuận, Hiệp trấn Nghệ An, Hữu Tham tri Bộ Hộ, Bắc Thành Hộ tào sự vụ. Năm Kỷ Mão (1819), ông được sung làm Đề diệu Trưởng Thi sơn Nam hạ, rồi lãnh chức Hộ Tào Bắc thành (Hà Nội).

Nguyễn Tường Vân từng mạnh dạn tâu lên hai vị vua đầu tiên của triều Nguyễn những kế sách ngoại giao và nội trị, thể hiện tầm nhìn xa của một kẻ sĩ xứ Quảng.

Vua Gia Long băng hà ngày 3/2/1820, Minh Mạng lên ngôi. Nguyễn Tường Vân được triệu về kinh để lo “quốc hiếu” (quốc tang của vua Gia Long) nhưng Tổng trấn Bắc thành Lê Chất tâu xin lưu ông ở lại 1-2 tháng để cùng Phó Tổng trấn Lê Văn Phong giải quyết công việc ở Bắc thành cho xong xuôi. 

Ngày 17/7/1820, Nguyễn Tường Vân được thăng chức Binh bộ Thượng Thư (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay), Chánh nhị phẩm bậc Tư chính đại phu, thụy Cung nguyện nhưng vẫn giữ chức Hành duyệt tuyển sự ở Bắc thành. Công việc của Hành duyệt tuyển sự tương tự như điều tra dân số để thiết lập các sổ sách về dân sự.

Thêm nữa, Bắc thành không phải chỉ riêng thành Thăng Long mà ranh giới từ Ninh Bình trở ra Bắc, trong đó có cả thành Thăng Long (Hà Nội). Theo cháu chắt cụ, ngày mồng 8/10 Âm lịch (1820), Thượng thư Nguyễn Tường Vân mất vì bệnh dịch tả tại Thăng Long chứ không phải ở Huế như một số sách báo hiện này ghi chép.

Sách Đại Nam thực lục tập II - Đệ nhị kỷ - quyển V chép: Vua xem biểu than tiếc, truy tặng Binh bộ Thượng thư, cho 200 lạng bạc, cấp 2 người mộ phu. Lại bảo bầy tôi rằng: “Tường Vân có đủ tài chính trị, văn học, lo việc nước, làm việc công, gặp việc thì lo cố gắng, ít người kịp được.

Tiếc rằng chí chưa trọn thì người đã mất. Mà lòng trung ái hiện ra ở tờ di biểu, trẫm xem mà chảy nước mắt ra”. Nhà vua cấp cho chiếc thuyền lớn để đưa thi hài Nguyễn Tường Vân về quê, an táng tại làng La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ảnh thờ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.
Ảnh thờ Thượng thư Nguyễn Tường Vân.  

Lăng mộ xây trên đất đắc địa?

Lăng mộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân được xây dựng bề thế trên một gò đất cao nên người dân địa phương gọi đó là gò Lăng hay gò Lăng Ông, ở thôn La Vân, tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên (nay là thôn Xuân Tây, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Xã Đại Tân nằm về rừng núi phía Tây, cách Hội An gần 40 km. Ngoài mộ cụ Vân, ở đó còn có mộ một người em gái của cụ.

Trên tấm bảng gắn trên bờ tường phía trước lăng có dòng chữ: “Hoàng Việt quốc táng/ Lăng Ông/ Bắc thành Phó Tổng trấn - Binh Bộ Thượng thư/ Nhuận Trạch hầu/ Xây dựng: 1820-1821/ Trùng tu: 1995”.

Năm 1820, Thượng thư Nguyễn Tường Vân tạ thế. Những dòng chữ ấy cho thấy, triều đình đã trực tiếp tổ chức an táng vị đại thần có công với nước tại nơi đây theo nghi lễ trọng thể của hoàng triều. Thời gian xây dựng lăng mộ trong vòng 1 năm sau khi ông mất. 

Hiện nay, nghĩa trang gia tộc Nguyễn Tường được đặt ở Cẩm Phô, trong lòng di sản thế giới Hội An. Qua nghiên cứu, có thể thấy, chỉ có một số lăng mộ trong dòng tộc được để rải rác ở ngoài. Như lăng mộ thân sinh ra quan Thượng thư là cụ ông Nguyễn Văn Huấn và cụ bà Trần Thị Dung được chôn cất ở làng La Tháp, xã Duy Hòa, H.Duy Xuyên, Quảng Nam. 

Thượng Thư Nguyễn Tường Vân có hai vợ. Chính thất phu nhân Phan Thị Thục sinh ra Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh (khoa Mậu Tuất - 1838) từng làm Tuần phủ Định Tường cho tới khi qua đời.

Thứ phu nhân Nguyễn Khoa Thị Nhàn sinh ra bốn con trai là Nguyễn Tường Khuôn (tức Túy-1804), Nguyễn Tường Phổ (1807), Nguyễn Tường Thanh và Nguyễn Tường Tránh.

Về huyết thống thì ba anh em nhà văn Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo là hậu duệ của cụ bà Nguyễn Khoa Thị Nhàn. Mộ cụ Nhàn được đặt ở nghĩa trang họ Nguyễn Khoa tọa lạc tại đường Nguyễn Khoa Chiêm, ấp Tứ Tây, làng An Cựu, xã Thuỷ An, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế (dưới chân núi Ngự Bình) và hiện là một di tích văn hóa cấp quốc gia. 

Nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Khoa chỉ an táng nam giới, đặc biệt có thêm 2 phần mộ nữ giới là một của cụ Nguyễn Khoa Thị Nhàn và ngôi mộ kia của một thứ phi chúa Nguyễn, bởi vì hai cụ có vị trí đặc biệt trong xã hội.

Nguyễn Tường Tiếp (tức Trấp), ông nội của ba anh em nhà văn sáng lập ra Tự lực Văn đoàn là trưởng nam của cụ Nguyễn Tường Phổ, đỗ Cử nhân và được chính cụ Phạm Phú Thứ đề cử thọ Thừa Vụ lang, đồng Tri phủ, lãnh Tri huyện huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Dương (nay là Hải Phòng). Theo cháu chắt cụ, dân địa phương thường gọi cụ Tiếp là cụ Huyện Cẩm Giàng và các sách báo cũng thường ghi cụ Nguyễn Tường Tiếp làm Tri huyện Cẩm Giàng. Nhưng thực ra cụ không làm Tri huyện Cẩm Giàng mà chỉ sinh sống ở Cẩm Giàng thôi. 

Khi qua đời Tri huyện Nguyễn Tường Tiếp được mai táng tại Cẩm Giàng. Nhưng sau được người con mang cốt về an táng tại nghĩa trang gia tộc ở Hội An. Riêng cụ Huyện bà (bà nội của ba anh em nhà văn họ Nguyễn Tường) khi qua đời được an táng tại gốc Cây đa “Mâm Xôi” ở Cẩm Giàng nhưng nay dấu tích không còn nữa. Hiện nay tại Cẩm Giàng chỉ còn hai ngôi mộ của ông bà ngoại và hai ngôi mộ song thân của ba anh em nhà văn Nhất Linh.

Vì sao làng La Vân (sau đổi tên thành Phú Xuân) được chọn làm nơi yên nghỉ của vị Thượng thư Bộ Binh mà không phải là làng Cẩm Phô (Hội An) - nơi Nguyễn Tường Vân chọn làm nơi an cư, lạc nghiệp của họ Nguyễn Tường? Theo phong thủy, La Vân có phải đất “địa linh” không thì đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói về phong thủy của huyệt mộ nhưng chắc chắn rằng La Vân là nơi cát địa.

La Vân - Phú Xuân, mảnh đất được bồi tụ bởi phù sa của dòng sông lớn Thu Bồn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia hợp lưu tại Đại Lộc, tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn người Quảng. Theo Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Phú Xuân thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy Xuyên; đến tháng 9/1946 thuộc huyện Đại Lộc. Làng Phú Xuân xưa gồm phần đất của các thôn: Xuân Đông, Xuân Nam (xã Đại Thắng) và Xuân Tây (xã Đại Tân) hiện nay.

Về nguồn gốc tên La Vân, kể từ sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chiêm thành Chế Mân và Huyền Trân công chúa (nhà Trần), những lưu dân Việt vùng Thanh - Nghệ đã vùng đất mới hoang vu này để khai canh, lập làng. Tiền nhân đã ghép hai chữ “La” - tên dòng sông đẹp của xứ Nghệ thân thương và “Vân” - mây thành ra tên làng. La Vân - áng mây đưa nỗi nhớ thương khôn nguôi của kẻ tha hương về cố xứ bên bờ con sông La. 

Theo các vị cao niên ở La Vân, do tên làng trùng với tên của vị đại thần quá cố (La Vân-Tường Vân) nên khi Nguyễn Tường Vân mất, La Vân được triều đình đổi thành Phú Xuân. Điều này thể hiện ở hai câu đối lưu truyền qua nhiều thế hệ:

Nhân kiệt khai cơ, La Vân xã/ Địa linh ân tứ, Phú Xuân hương. (Tạm dịch nghĩa: Bởi lòng hào kiệt của con người đã khai khẩn đất đai lập nên xã La Vân; Nhờ cuộc đất linh hiển mà được vua ban ơn đổi tên thành làng Phú Xuân).

Biển Ân tứ vinh quy vua Thiệu Trị ban cho Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ.
Biển Ân tứ vinh quy vua Thiệu Trị ban cho Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ.  

Con cháu đỗ đạt 

16 năm sau kể từ ngày Thượng thư Nguyễn Tường Vân mất, Minh Mạng năm thứ 19 (khoa Mậu Tuất -1838), người con trai trưởng là Nguyễn Tường Vĩnh, tự là Tử Tu, hiệu Cẩm Giang đỗ Phó bảng. 4 năm sau, đến lượt người con thứ (cùng cha khác mẹ) là Nguyễn Tường Phổ đỗ Tiến sĩ Tam giáp (khoa Nhâm Dần - 1842).  Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ chính là ông cố của ba anh em ruột đều là nhà văn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam - những người sáng lập, trụ cột của Tự lực Văn đoàn.

Theo sách Quốc triều đăng khoa lục, Nguyễn Tường Phổ là người đầu tiên ở Quảng Nam khi đó đậu tiến sĩ mà kinh qua cả 3 kỳ thi Hương - Hội - Đình, vì trước đó, từ khi vua Gia Long mở khoa thi Hương đầu tiên năm 1807, vùng đất Quảng Nam chưa ai đậu tiến sĩ nên vua Minh Mạng đặt cách cho các sĩ tử Quảng Nam không cần thi Hương mà chỉ thi Hội và thi Đình, với điều kiện Đốc học của tỉnh giới thiệu. Tiến sĩ khai khoa Lục tỉnh Lê Thiện Trị đậu khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1838 cũng bởi sự đặt cách đó. Trên địa phận Hội An bây giờ chỉ có Nguyễn Tường Phổ là người đậu Tiến sĩ nhà Nguyễn.

Thứ hai, liên tiếp hai kỳ thi Đình, hai anh em ruột thuộc dòng tộc Nguyễn Tường đều đỗ đại khoa: Khoa Mậu Tuất (1838), Nguyễn Tường Vĩnh đỗ Phó bảng và khoa kế tiếp (1842) người em Nguyễn Tường Phổ lại đỗ cao hơn anh. Đây là hiện tượng đặc biệt, được Đốc học Quảng Nam - Tiến sĩ Trần Đình Phong hết lời ca ngợi trong bài Quảng Nam tỉnh phú: “Dòng dõi một nhà, khoa trước khoa sau đều đỗ”.

Con trưởng Nguyễn Tường Vĩnh sinh năm 1789, đỗ cử nhân năm 1837, năm sau đỗ phó bảng (cùng khoa với khai khoa tiến sĩ lục tỉnh Lê Thiện Trị và phó bảng Nguyễn Dục). Ông khởi đầu hoạn lộ với chức Kiểm thảo biên tu, rồi Phụ đạo tại phủ Trường Khánh Công (dinh thự của vua Thiệu Trị) để dạy hoàng tử Hồng Bảo (anh của vua Tự Đức). Khi Hồng Bảo bị truất, ông chuyển qua làm việc ở Tòa Thị thư rồi Án sát Khánh Hòa. Một thời gian sau được bổ làm Tuần vũ Hưng Yên rồi Định Tường.

Chân dung Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ.
Chân dung Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ.  

Theo các tư liệu cho biết, Nguyễn Tường Phổ tự là Quảng Thúc, lại tự là Hy Nhân, hiệu là Thứ Trai sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm Bính Thìn (1856). Sự nghiệp quan lộ của ông bắt đầu từ tháng 11/1842 với việc được bổ làm Hàn lâm viện Biên tu. Tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), được sung vào làm Hành tẩu ở Nội các.

Tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), thăng làm Tu soạn và vẫn làm Hành tẩu ở Nội các. Đời làm quan của ông kinh qua các chức Hàn lâm viện biên tu ở Nội các, tri phủ Hoằng An (Bến Tre), tri phủ Tân An (Gia Định), Giáo thọ Điện Bàn (Quảng Nam), Quyền Đốc học tỉnh Hải Dương. 

Nguyễn Tường Phổ làm quan nổi tiếng liêm chính, công bằng, tính tình cao thượng, thương dân, thường trách người thái quá nên ít hợp với người khác, vì vậy có những việc không được may mắn, thuận lợi.

Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường (Hội An) cung cấp thông tin đáng chú ý: năm Tự Đức thứ 7 (1854), trong bản đề nghị danh sách các vị khoa bảng, danh quan của địa phương để đưa vào thờ trong văn chỉ phủ Điện Bàn, Nguyễn Tường Phổ thẳng thắn đề xuất không nên đưa cố Tổng đốc Định Yên Nguyễn công húy Điển, cử nhân người làng Thanh Hà: “Kính chiếu theo điều ước đã định của văn thân ở kinh thì ngài dự vào hàng tòng tự. Nhưng vì vô tâm với văn chỉ của bổn huyện nên không được dự vào”. 

Sao gọi là “vô tâm với văn chỉ”? Nguyễn Tường Phổ giải thích: “Phẩm trật của ngài là cao, tiền của ngài khá nhiều, trong hội tôn làm bậc nhất. Nhưng từ chỉ của hội xây dựng ban đầu, nhu phí khá nhiều, mà số bạc ngài cúng mới chỉ là một hốt vậy, khác xa với các vị chờ bổ trong hội, khoa tương đồng còn khác xa các vị hiếu nghĩa ngoài hội. Của cải như thế nặng thay, có thể gọi là hữu tâm với văn chỉ được chăng? Không được dự vào hàng tòng tự ở văn chỉ là vì thế”.

Trong cuốn Quốc triều đăng khoa lục, Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục đánh giá về Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ: “Đó là người có khí tiết, không a dua, không thiết gì sự thăng quan tiến chức, chỉ lấy câu thơ, chén rượu làm vui. Người bấy giờ ví ông với Đào Tiềm”. 

Theo sách Đại Nam thực lục, Nguyễn Tường Phổ là người chuyên tâm về giáo dục, “dạy người không biết mệt, cốt thực bỏ hủ, trước nghĩa lý sau mới văn chương...”. Hiện ở TP Đà Nẵng có một con đường mang tên Nguyễn Tường Phổ.

Tài năng và đức độ của Nguyễn Tường Phổ khi làm quan luôn được bạn bè và người đời trân trọng và ngưỡng mộ. Khi ông vì không thu đủ thuế phải bị giáng chức và sau đó xin về nghỉ hưu, viên Án sát tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Diệu gửi tặng bài thơ Tương tống (Cùng tiễn đưa), lời lẽ thắm thiết, chia sẻ nỗi niềm với một bậc quan nhân.

(Đón đọc Kỳ 2: Nhà thờ hai phái và vụ án oan Hậu quân Lê Chất)

Đọc thêm