Như Báo PLVN đã phản ánh: Năm 1976, gia đình bà Lày Sỳ Si khai phá được 2,5 ha đất. Thế nhưng năm 1988, chính quyền địa phương không hiểu sao đã lấy 1,3 ha trong số diện tích 2,5 ha đất của gia đình bà giao cho tập đoàn do ông Nguyễn Hiệp Phát sử dụng.
Sau khi ông Phát sản xuất trên đất nhưng thất vụ, lại thêm tập đoàn hoạt động không hiệu quả, nên ông đồng ý trả lại 1,3 ha đất này cho gia đình bà Si. Năm 1991, gia đình bà Si có khai báo với xã về 1,3 ha đất vừa nhận lại để làm nông nghiệp và chính quyền địa phương đã cấp sổ thuế nông nghiệp, bà có nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp trong những năm 1991, 1992, 1993. Đến năm 1994 thì việc đóng thuế bị ngưng lại, và thật bất ngờ đối với gia đình bà, là lô đất gia đình đang sử dụng đã được chính quyền đã được chính quyền giao cho vợ chồng ông Trương Văn Quân.
Năm 2005, vợ chồng ông Trương Quốc Quân và bà Nguyễn Thị Lạc cho rằng diện tích đất 2.336 m2 thửa 299 tờ bản đồ số 12 xã Lang Minh đã được UBND huyện Xuân Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997. Quá trình sử dụng, bà Si lần chiếm cất nhà trên đất không cho vợ chồng ông Quân canh tác. Do vậy, ông Quân kiện bà Si đòi tháo dỡ nhà và trả lại đất. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 168/2008/DSST ngày 22/12/2008, Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc đã tuyên buộc bà Si phải trả lại diện tích đất 2.336 m2 thửa 299 tờ bản đồ số 12 xã Lang Minh cho vợ chồng ông Quân. Cho rằng tòa tuyên không đúng và xâm hại quyền lợi hợp pháp của mình nên bà Si kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai. Bản án phúc thẩm số 92/2009/DSPT ngày 21/4/2009 của TAND tỉnh Đồng Nai đã bác đơn kháng cáo của bà Si.
Sau khi nhận được bản án phúc thẩm, ngày 11/5/2009, bà Si đã làm đơn khiếu nại xin giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đơn của bà Si đã được ban thanh tra Tòa án nhân dân tối cao tiếp nhận theo biên nhận số 16/BN ngày 11/5/2009 và Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận theo biên nhận số 1755 ngày 16/6/2009. Tòa án nhân dân tối cao cơ quan thường trực phía Nam cũng tiếp nhận theo thông báo số 1095/TB ngày 26/10/2009. Thế nhưng đến tháng 10/2013, bà Si vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết của các cơ quan thẩm quyền. Do vậy ngày 20/10/2013, bà Si tiếp tục làm đơn khiếu nại lần thứ 2 và được Thanh tra Chính phủ thông báo đã chuyển đơn đến Tòa an nhân dân Tối cao giải quyết theo thẩm quyền. Kéo dài đến tháng 7/2016, bà vẫn không nhận được phúc đáp. Ngày 9/8/2016, bà Si làm đơn thư khiếu nại lần thứ 3 nhưng vẫn có phúc đáp.
Ngày 9/8/2016, bà Si làm đơn thư khiếu nại lần thứ 3 thì bất ngờ nhận được thông báo của Viện kiểm sát Cấp cao tại TPHCM trả lại đơn vì quá thời hạn kháng nghị theo điều 334 Bộ luật TTDS. Cụ thể, theo thông báo số 44 ngày 9/1/2017 của Viện kiểm sát Cấp cao tại TPHCM có nội dung: “trả đơn đề nghị Giám đốc thẩm của bà Si với lý do: Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đối chiếu điều 327 và điều 334 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã hết hạn kháng nghị”. Theo nội dung thông báo của VKS Cấp cao tại TPHCM đã nêu trên, bà Si vô cùng bức xúc bởi lẽ: bà Si đã gửi đơn khiếu nại và xin Giám đốc thẩm bản án phúc thẩm số 92/2009/ DSPT ngày 21/04/2009 của TAND tỉnh Đồng Nai, đã được TAND Tối cao, VKSND tối cao tiếp nhận ngày 16/05/20009 và TAND tối cao, cơ quan thường trực phía Nam tiếp nhận ngày 26/10/2009 và thông báo đang xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. “Như vậy là quá oan ức cho tôi, tôi hoàn toàn không có lỗi và đã tuân thủ đúng thời hạn và quyền hạn khiếu nại của công dân theo quy định của pháp luật”, bà Si nói. Hiện bà Si tiếp tục làm đơn khiếu nại việc Viện kiểm sát cấp cao tại TPHCM cho rằng đã hết thời hạn kháng nghị.
Liên quan đến vấn đề trên, mới đây Viện kiểm sát Cấp cao tại TPHCM cho biết sau khi xem xét đơn khiếu nại của bà Si cơ quan này sẽ thụ lý lại vụ việc của Si để tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.
Báo Pháp Luật Việt Nam tiếp tục theo dõi và thông tin sự việc.