Ngày 13/2, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện hộ gia đình ông Vũ Đức Nhiệm (tổ 5, ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) giết mổ số lượng lớn heo bệnh, heo chết không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, gia đình ông Nhiệm đang giết mổ 7 con heo không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trọng lượng 145kg. Số heo này đã chết, da tím tái. Ngoài ra, trong khu vực kho sơ chế của cơ sở này có 4 thùng xốp chứa gần 500kg thịt heo đã được mổ sẵn, ướp đá, có dấu hiệu xuất huyết ngoài da, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.
Theo cơ quan kiểm tra, cơ sở giết mổ trên có diện tích khoảng 50m2, trong đó 30m2 dùng làm khu vực giết mổ và sơ chế thịt, 20m2 còn lại dùng làm kho chứa thịt.
Tại cơ quan chức năng, ông Vũ Đức Nhiệm khai nhận đã thu mua heo chết từ các trang trại trên địa bàn xã Bàu Cạn, với giá 50 ngàn đồng một con, sau đó mang về mổ, pha lóc thịt rồi bán cho công nhân trong các Khu công nghiệp ở huyện Nhơn Trạch.
Lực lượng liên ngành đã lập biên bản, lấy mẫu phân tích và giao số thịt heo vi phạm cho chính quyền địa phương tiêu hủy, đồng thời mở rộng điều tra, để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh trên địa bàn khu vực Đông Nam Bộ đã tái xuất hiện tượng buôn bán, kinh doanh thịt lợn bẩn. Đây là tình trạng nguy hiểm trước bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn đang rình rập ngành chăn nuôi.
Đơn cử, ngày 11/02, cơ quan chức năng phát hiện 140 kg thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chất lượng không đảm bảo được đưa từ hai cơ sở giết mổ tại Long An về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền của TP HCM để tiêu thụ. Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã chuyển thông tin về các lô hàng thịt heo này đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, yêu cầu tăng cường kiểm tra và xử nghiêm những hành vi vi phạm.
Thịt heo đã pha lóc được ướp đá. |
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng giết mổ heo lậu, heo “bẩn” vẫn còn là do ý thức người dân và người tiêu dùng còn chưa cao, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng nữa là lợi nhuận của cơ sở giết mổ lậu lớn hơn nhiều trong khi mức xử lý thấp, chưa đủ sức răn đe. Trên thực tế, quy định của pháp luật trong vấn đề quản lý giết mổ còn lỏng lẻo, hiệu quả quản lý còn hạn chế.
Vì thế, để hạn chế tình trạng giết mổ lậu, đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần quản lý chặt đầu ra, thị trường tiêu thụ của các cơ sở giết mổ lậu như các sạp thịt, nhà hàng... Trong trường hợp việc kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lậu không đạt hiệu quả cao, cần truy cứu trách nhiệm lãnh đạo địa bàn.
“Cần tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm giết mổ gia súc gia cầm lậu. Các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung để nâng cao năng suất hoạt động, ngành thú y cần chú ý về dịch bệnh trên địa bàn”- ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, nhận định.