Rất nhiều năm nay, những ai đi qua đoạn cầu La Ngà trên Quốc lộ 20 (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) hướng TP HCM – Đà Lạt đều thắc mắc vì sao phía bên trái đường, có một dải đất tuyệt đẹp bên đường, nhưng hàng chục năm nay không xây cất, chỉ có căn nhà tạm giữa vườn tràm, phía mặt tiền là các hộ dân dựng lều bán cá khô.
Tìm hiểu sự việc mới được biết thửa đất trên thuộc thửa đất số 41 và 42 tờ bản đồ số 34, được ông Vũ Từ Thẩm (SN 1956, thường trú ấp 3, xã Phú Ngọc) nhận sang nhượng từ 31 năm nay. Cũng vì mảnh đất này, mà gần nửa đời người ông Thẩm lao đao kiện tụng, khi chính quyền địa phương nhất quyết không cấp sổ đỏ cho ông.
Biến đất người khác thành… bô rác công cộng
Theo chứng cứ ông Thẩm đưa ra, mảnh đất có diện tích gần 5000m2 nói trên (đất ở chỉ là hơn 800m2, còn lại phần lớn là đất lưu thông đường bộ và đất khác) được ông mua từ ông Nguyễn Văn Huyến vào năm 1988 với giá sáu chỉ vàng.
Sau khi nhận sang nhượng nhà đất, ông Thẩm san ủi, cải tạo và xây dựng nhà hàng ăn uống. Ông Thẩm nhớ lại, đó cũng là thời kỳ “hoàng kim” của đời ông và của mảnh đất, khi quán ăn tấp nập khách khứa, là địa chỉ tổ chức nhiều đám cưới tại khu vực thời bấy giờ.
Có điều như vợ con ông Thẩm nhận xét, tính tình ông phóng khoáng, ưa vui vẻ, ít tính toán, nên không hợp nghề kinh doanh. Nhà hàng phá sản. Mất hết. Đến cái xác nhà hàng cũng bị dỡ. Nhắc lại quãng thời gian đau buồn đó, ông Thẩm kể: “Có thời điểm tôi phải đưa vợ con vào rừng ở. Đốn củi mưu sinh. Đến buổi chợ lại chở củi ra đổi gạo, đổi khô (cá khô – NV) mang vào rừng”.
Dù phải lánh mặt nhưng ông Thẩm vẫn quyết giữ thửa đất ở chân cầu La Ngà. Ông khi đó sa cơ lỡ vận nghèo “mạt rệp” nhưng vẫn thuê người coi đất, nhà hàng đã tháo dỡ thì đất ấy trồng tràm và các loại cây khác.
Lần hồi rồi cũng qua cơn bĩ cực, sau một thời gian ông Thẩm dắt vợ con về lại khu đất mình mua, xây lên căn nhà tạm, sống qua ngày. Rắc rối phát sinh từ đây khi ông liên tục bị chính quyền địa phương cản trở sinh sống trên khu đất cũ.
Thì ra khi cơ sở kinh doanh của ông vừa phá sản, không thấy ông ở đó một thời gian, Công an huyện Định Quán năm 1997 đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện cho công an huyện sử dụng khu đất trên làm nơi mua bán cát xây dựng. Không rõ dựa trên căn cứ nào mà UBND huyện Định Quán cũng có Công văn số 46/CT.TS ngày 14/6/1997 đồng ý đề xuất trên.
Được một thời gian, UBND huyện Định Quán lại cho sử dụng khu đất trên làm nơi trung chuyển rác (bô rác) và bô rác này cũng sớm yểu mệnh. Có hai lý do khiến bô rác sớm “đoản thọ”: Thứ nhất người dân khu vực này không có nhu cầu đổ rác nhiều đến mức phải lập “bãi rác” vài ngàn m2; thứ hai ông Thẩm phản đối quyết liệt, cứ rác đổ tới là ông lại dọn dẹp sạch sẽ.
Ông Thẩm kể: “Ở đây ai cũng biết chuyện, có lẽ thấy thương tôi nên dân không mang rác tới ném trên đất nhà tôi nữa”. “Chứng tích” của bô rác này hiện vẫn còn trên khu đất, ông Thẩm không cho ai phá đi, mà ông cũng không phá, mà như ông nói “để làm bằng chứng minh chứng cho sự lộng quyền của cán bộ địa phương, vô cớ biến đất nhà người khác thành bãi rác”.
|
Khu đất 31 năm nay bị xã Phú Ngọc và huyện Định Quán gây khó dễ, không cấp sổ đỏ. |
Chưa dừng lại ở đó, cơ quan chức năng huyện Định Quán còn có ý định đặt trạm kiểm lâm trên khu đất. Ông Thẩm và con trai cương quyết không đồng ý. Ông kể lại: “Đoàn chức năng đến, tôi chỉ có một yêu cầu: “Nếu các anh có văn bản, có hồ sơ chứng minh đây là đất công thì tôi giao đất. Nhưng nếu các anh không có căn cứ pháp lý gì mà đòi lấy đất thì là cướp đất của dân, cha con chúng tôi kiên quyết không giao, và xin nằm lại mảnh đất này””. Không đưa ra được căn cứ pháp lý nào, đoàn người đành rút đi.
Trong bảng tổng hợp diện tích các khu đất công trên địa bàn xã Phú Ngọc lập vào năm 2007, có đóng dấu, chữ ký xác nhận Công ty đo đạc Phúc Xuyên, UBND xã Phú Ngọc, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Định Quán, UBND huyện Định Quán, đều không có tên khu đất trên trong danh sách đất công.
Liên tục “đánh đố” người xin cấp sổ
Tới năm 2012, sau khi đã quá mệt mỏi với cảnh phải đi ở nhờ, quá bức xúc với nghịch lý có đất nhưng không được ở, ông Thẩm làm đơn đến các cơ quan chức năng, xin được cấp sổ đỏ. Ông lập luận: “Đất tôi nhận sang nhượng hợp pháp từ năm 1988, sử dụng liên tục, không tranh chấp với cá nhân nào, theo quy định của Luật Đất đai thì phải được cấp sổ đỏ”.
Thế nhưng ông không ngờ với trường hợp cấp sổ đỏ cho thửa đất của ông, luật pháp chỉ nằm trên giấy chứ không được cán bộ địa phương đưa ra áp dụng thực tiễn. Kể từ đây, cán bộ địa phương đặt ra những “bài toán khó” bắt ông phải giải, gây khó dễ đủ điều.
Trước tiên, cán bộ địa phương đưa ra vấn đề liên quan tôn giáo, cho rằng khu đất trên từng là “diện tích đất do Giáo xứ La Ngà sử dụng xây dựng nhà thờ từ năm 1962 đến năm 1985 thì giáo xứ chuyển đi”. Tuy nhiên đó chỉ là “nói khơi khơi”, vì chính quyền cũng đồng thời công nhận “hiện không thu thập được hồ sơ lưu trữ về việc thu hồi, đền bù đối với diện tích đất trên”.
Ông Thẩm phản bác: “Không có hồ sơ giấy tờ lưu trữ gì, không có chứng cứ gì chứng minh, nhưng cán bộ vẫn đưa ra vấn đề trên là cố tình làm rối câu chuyện, cố tình làm nhiều người hiểu nhầm rằng đó là đất liên quan tôn giáo, gây khó cho tôi”.
Sau khi quan điểm trên bị ông Thẩm phản bác, địa phương tiếp tục đưa ra ý kiến “khoa học”, cho rằng “khu đất nằm dưới code 62 thuộc quản lý của Nhà máy Thủy điện Trị An”. “Bài toán” này ông Thẩm không thể tự giải, mà phải nhờ Sở TN&MT vào cuộc.
“Code 62” là gì? Nói nôm na, đó là độ cao 62m so với mực nước biển trung bình hàng năm. Nếu khu đất này nằm dưới “code 62”, thì đó là loại đất công trình năng lượng. Tuy nhiên ông Thẩm băn khoăn: “Nửa đời tôi gắn bó khu đất này, đã bao giờ thấy bị ngập nước”.
Ông Thẩm tố cáo: “Huyện Định Quán và xã Phú Ngọc đã bịa đặt ra chuyện “mảnh đất nằm dưới code 62” để quyết không cấp sổ cho tôi”. Sau khi nhận đơn khiếu nại, cơ quan đo đạc của Đồng Nai vào cuộc khảo sát xem xét thực tế, kết luận mảnh đất của ông “nằm trên code 62”.
Ngày 25/3/2013, Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai Lê Viết Hưng có Văn bản số 856/STNMT-CCQLĐD, gửi Phòng TN&MT huyện Định Quán, đề nghị hướng dẫn ông Thẩm lập thủ tục xin cấp sổ đỏ theo quy định. Phòng TN&MT huyện sau đó có Công văn số 32/TNMT ngày 12/4/2013 gửi UBND xã Phú Ngọc đề nghị thông báo cho ông Thẩm lập thủ tục xin cấp sổ đỏ tại xã, sau đó chuyển lên huyện, để Phòng TN&MT tham mưu cho UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông Thẩm. Tưởng như đã đến ngày hái quả, ai ngờ ông Thẩm lại “thua ngay phút 90”.
UBND xã Phú Ngọc đã không chấp hành chỉ đạo trên của Sở và huyện, lại còn cho lực lượng xuống chặt phá tài sản của gia đình ông Thẩm trên khu đất, dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại tài sản. Sai phạm này, Công an huyện đã vào cuộc điều tra, xác định là có thật, và không chỉ một mà đến 3 lần.
Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ sau.