Hướng dẫn lòng vòng
Trình bày với PLVN, ông Vũ Từ Thẩm (SN 1956, ngụ ấp 3, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, năm 1988 ông nhận sang nhượng mặt bằng và căn nhà cấp 4 trên phần diện tích khoảng 5.000m2 tại ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán của ông Nguyễn Văn Huyến và bà Trần Thị Soi. Sau đó, gia đình ông Thẩm cải tạo, nâng cấp mặt bằng, làm nhà hàng ăn uống, tiệc cưới và không tranh chấp với ai. Mở nhà hàng được ít năm, vì thua lỗ nên ông Thẩm xoay sang trồng cây, nhờ người trông nom đất.
Từ năm 1998, ông Thẩm đã nhiều lần làm đơn xin cấp sổ cho diện tích đất trên. Cán bộ địa chính xã Phú Ngọc thời bấy giờ trả lời ông là Nhà nước chưa có chủ trương. Năm 2004, ông Thẩm tiếp tục lên huyện xin đăng ký, bị từ chối nhưng không có lý do. Đến năm 2011, ông Thẩm làm thủ tục xin cấp sổ đỏ và rắc rối khóc, cười phát sinh từ đây.
Theo hướng dẫn của địa chính xã, ông Thẩm viết đơn gửi Công ty Thủy điện Trị An xin thuê đất vì đây thuộc đất lòng hồ thủy điện Trị An. Phía công ty bảo ông chờ. Sốt ruột, ông quay về xã thì lại được hướng dẫn gửi đơn lên UBND xã, huyện. Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trả lời đơn của ông rằng: “Thực tế những năm 1988 – 1990 ông Thẩm có sử dụng khu đất trên và một phần diện tích chưa hề bị ngập nước. Tuy nhiên theo bản đồ địa chính, đất này nằm dưới Code 62 thuộc đất lòng hồ thủy điện Trị An nên đề nghị liên hệ với Sở TN&MT để xác định lại thực tế và nguồn gốc”.
Ông Thẩm gửi đơn lên Sở. Sau khi kiểm tra và xác định lại cao độ tại vị trí đất nơi ông Thẩm xin cấp sổ, đầu năm 2013, Sở TN&MT trả lời: “Diện tích đất trên không nằm trong khu vực bán ngập thuộc lòng hồ thủy điện Trị An”. Do vậy, Sở yêu cầu Phòng TN&MT hướng dẫn ông Thẩm lập thủ tục cấp sổ. Phòng lại hướng dẫn ông về xã làm lại thủ tục. Mọi việc tưởng chừng đã êm xuôi.
Giữa năm 2013, sau khi ông Thẩm làm hồ sơ xin cấp sổ, UBND xã Phú Ngọc thông báo cho vợ chồng ông với nội dung “mảnh đất trên trước đây thuộc giáo xứ La Ngà, đã được bồi thường giải tỏa khi xây dựng thủy điện Trị An”. Nói nôm na, đất trên hiện là “đất công” nên không cấp sổ cho ông được. Nghịch lý ở chỗ cũng tại mảnh đất này, một hộ dân nhận chuyển nhượng một phần đất từ ông Thẩm, hiện sống cạnh đất của ông, lại đã được cấp sổ đỏ từ lâu.
Sở đề nghị, huyện “phớt lờ”
Trong nhiều văn bản, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai khẳng định trường hợp ông Thẩm đủ điều kiện và đề nghị huyện cấp sổ đỏ cho dân. Thế nhưng gần 20 năm qua, ông Thẩm gửi đơn đến các cơ quan chức năng của huyện đề nghị cấp sổ đều không được chấp nhận.
Theo Sở TN&MT tỉnh, phần đất ông Thẩm đề nghị cấp sổ có diện tích 4.595,8m2 gồm: thửa đất số 41, tờ bản đồ địa chính số 34, diện tích 3.544,4m2; và thửa đất số 42 tờ bản đồ số 34, diện tích 1.151,4m2 tọa lạc tại ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán. Theo hồ sơ và xác định của Phòng TN&MT huyện, phần diện tích của ông Thẩm đề nghị cấp sổ có nguồn gốc do ông Thẩm nhận chuyển nhượng lại. Ông Thẩm sử dụng và tôn tạo đất, xây dựng nhà hàng ăn uống tại vị trí thửa đất số 41, tờ bản đồ địa chính số 34 để kinh doanh từ trước thời điểm 15/10/1993 và sử dụng ổn định, liên tục.
Tiếp theo, ngày 08/10/2014, Sở TN&MT có Văn bản số 3636 chuyển đơn của ông Thẩm đến UBND huyện Định Quán để được xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Đất đai năm 2013. Nhưng đến nay đã hơn 4 năm, Sở vẫn chưa nhận được kết quả xử lý của UBND huyện. Nhằm tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài, Sở đề nghị UBND huyện xem xét, sớm giải quyết theo đơn đề nghị cấp sổ đỏ cho ông Thẩm theo thẩm quyền, đồng thời kết quả xử lý đề nghị gửi Sở biết. Đó là nội dung mà ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đề nghị.
“Việc tôi sang nhượng, cải tạo mặt bằng nâng cấp để làm nhà hàng ăn uống và buôn bán là hoàn toàn sự thật. Nhưng Thông báo số 78/UBND của UBND huyện Định Quán có nội dung chưa hợp lý về quy trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Bởi vì diện tích đất này do gia đình tôi bỏ bao công sức, của cải cải tạo, mở rộng, canh tác tạo dựng trước và sau khi nước lòng hồ dâng cao. Hơn nữa các cơ quan chuyên ngành tỉnh trả lời là diện tích đất tôi đang sử dụng nằm trên cốt 62, đề nghị Phòng TN&MT huyện Định Quán hướng dẫn tôi lập thủ tục xin cấp sổ đỏ theo quy định. Vậy mà cho tới nay tôi đã làm đơn đề nghị rất nhiều lần nhưng chưa được huyện Định Quán giải quyết”, ông Thẩm bức xúc.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, ông Thẩm đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng khiếu nại về việc Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc nhiều lần cho người xuống chặt phá cây ăn trái và hoa màu mà gia đình ông đang trồng cấy trên mảnh đất trên.
Cụ thể, lúc 12h trưa ngày 7/2/2012 có một lực lượng gồm xã đội, Công an xã Phú Ngọc xuống nhổ cây, chặt phá các loại cây mà gia đình ông Thẩm đã trồng. Tiếp đó, lúc 16h30 (ngày Chủ nhật), UBND xã Phú Ngọc lại cho lực lượng xã đội, công an xã xuống nhổ cây, chặt phá các loại hoa màu và tràm, mít, chuối... Lần này ông Thẩm đã chụp hình lại để làm bằng chứng tố cáo việc làm sai trái của UBND xã Phú Ngọc. Mới đây nhất là 14h ngày 21/7/2017, UBND xã Phú Ngọc lại cho lực lượng xuống nhổ gần 900 cây tràm và một số loại hoa màu mà ông Thẩm mới trồng.