Đồng Nai: Mượn đất rồi chiếm luôn

(PLO) - Mượn đất có viết giấy bảo lãnh, nhưng sau khi lên làm chủ tịch xã, ông này chiếm luôn đất khiến vụ việc kéo dài 20 năm, cho dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận và kiến nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người bị chiếm. Thế nhưng đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai không thực hiện mà lại hướng dẫn các bên ra tòa, chẳng khác nào đẩy sự việc quay lại từ đầu?
Bà Hằng đứng trên mảnh đất bị ông Hợp chiếm
Bà Hằng đứng trên mảnh đất bị ông Hợp chiếm

Theo trình bày của Đoàn Thị Tuyết Hằng: Diện tích 2.000m2 đất bà đang tranh chấp với ông Hợp, có nguồn gốc của ông Võ Văn Hải đã chuyển nhượng ngày 18/11/1977 cho cha bà là ông Đoàn Đức Uy. Sau khi chuyển nhượng, gia đình bà đã canh tác liên tục, đến năm 1987 cha bà bị bệnh nặng, nên gia đình bà phải tạm ngưng canh tác. 

Năm 1988, ông Châu Văn Lộc là Chủ tịch UBND xã Đại Phước đã gặp mẹ bà đề nghị cho người cháu là ông Phạm Quốc Hợp lúc đó giáo viên xã Đại Phước mượn thửa đất trên để trồng khoai. Mẹ bà Hằng đồng ý, nhưng với điều kiện ông Lộc phải viết giấy bảo lãnh cho ông Hợp, do đó ngày 12/5/1988, ông Lộc đã viết giấy ký tên, đóng dấu bảo lãnh cho ông Hợp mượn tạm đất. 

Đến năm 1992, thấy ông Hợp không còn trồng gì trên đất nữa nên gia đình bà Hằng đã báo với ông Lộc và ông Hợp lấy lại đất để canh tác. Ông Lộc đồng ý, nhưng ông Hợp lật lọng không chịu trả và sau khi lên làm Chủ tịch xã Đại Phước, ông Hợp đã lợi dụng chức vụ chiếm đoạt luôn 2.000m2 đất của gia đình bà Hằng. Theo đó, gia đình bà Hằng đã ôm đơn khiếu nại khắp các nơi 20 năm nay, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Nỗi oan ức của gia đình bà Hằng mãi đến ngày 31/8/2015, Thanh tra Chính phủ vào làm việc đã kết luận và kiến nghị các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai sửa sai và giải quyết sự việc.

Theo Thanh tra Chính phủ, chính quyền các cấp huyện, tỉnh Đồng Nai có sai trong việc giải quyết khiếu nại của gia đình bà Hằng. Thanh tra Chính phủ khẳng định ông Phạm Quốc Hợp trước đây đã khai báo không trung thực về nguồn gốc đất để chiếm đoạt 2.000m2 của gia đình bà Hằng. Từ đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương công nhận quyền sử dụng 2.000m2 đất cho gia đình bà Hằng. 

Thực hiện ý kiến kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, chính quyền các cấp huyện, tỉnh Đồng Nai đang thực hiện sửa sai và UBND huyện Nhơn Trạch đang tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Hằng. Thì bất ngờ, ông Đặng Văn Huệ - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai lại có văn bản yêu cầu gia đình bà Hằng đến xã để hoà giải với ông Hợp và hướng dẫn nếu hoà giải không được thì ra toà án?

 “Việc hướng dẫn của ông Huệ là không đúng pháp luật, gây cản trở cho UBND huyện chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi và đi ngược lại với chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ”, bà Hằng bức xúc.

Chưa dừng lại, mới đây ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lại ký tiếp văn bản gửi Thanh tra Chính phủ cho biết chưa thể thực hiện được việc giải quyết công nhận quyền sử dụng đất, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2.000m2 đất cho gia đình bà Hằng. Nguyên nhân vì diện tích đất trên đang có tranh chấp của hộ ông Hợp, chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Được biết, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nhơn Trạch do ông Lê Đức Long - Phó Chủ nhiệm chủ trì đã mời đại diện đình bà Hằng lên làm việc và cho biết khi nào có kết quả giải quyết tranh chấp giữa bà và ông Hợp, đồng thời nếu xét thấy ông Hợp có vi phạm thì sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Liên quan đến sự việc, Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chỉ đạo UBND huyện Nhơn Trạch giải quyết công nhận quyền sử dụng đất, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2.000m2 đất cho gia đình bà Hằng (ngụ ở quận 5, TP HCM) như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Trong văn bản của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, việc UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Công văn số 2638/UBND-TCD có nội dung hướng dẫn bà Hằng gửi đơn đến xã để hòa giải với ông Hợp là người chiếm đất, nếu hòa giải không thành, các bên có quyền khởi kiện tại tòa án là không đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm