Đồng Nai: Người dân bị tước quyền kinh doanh vì mặt bằng “đẹp”?

(PLO) - Trước Tết, Phòng Kế hoạch – Tài chính của huyện Xuân Lộc đã đưa quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuống, giữa lúc vợ chồng ông Nguyễn Đình Trung (SN 1976, ngụ ấp 2, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đổ mấy trăm triệu đồng vốn vào hàng quần áo Tết. Tất cả chỉ vì cái mặt bằng “đẹp”...
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Trung.
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Trung.

Ghen ăn tức ở, kiện đến chính quyền

Sự việc bắt đầu sau một năm cửa hàng quần áo của vợ chồng ông Trung kinh doanh ngày một đông khách, trong khi một số cửa hàng khác ở chợ Xuân Đà buôn bán ế ẩm. Đố kỵ, ganh ghét, một số tiểu 

thương làm đơn kiện nói ông Trung không có chỗ đứng trong chợ mà lại sở hữu mặt bằng “đẹp” chiếm hết khách của họ. Vụ việc kéo dài suốt hai năm trời. Nhiều lần ông Trung gửi đơn kiến nghị lên xã, huyện nhưng trước sức ép của các tiểu thương, UBND xã Xuân Tâm không có cách nào tháo gỡ. 

Trước đó, năm 2013 ông Nguyễn Đình Trung có thuê lô sạp chợ tại khu vực chợ Xuân Đà, xã Xuân Tâm của bà Phan Thị Thủy (SN 1945, ấp 5, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), ký hợp đồng trong 3 năm để bán quần áo. Ông Trung được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Xuân Lộc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 47G8005812 vào ngày 2/7/2013 và ra buôn bán ở chợ. Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng, báo chí, ông Nguyễn Đình Trung bức xúc cho rằng mình bị “xử ép” và đối xử không công bằng khi bị gán ghép cho rằng nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo và bị thu hồi giấy phép kinh doanh ngày 2/2/2016. 

Qua tìm hiểu các quy định về đăng ký kinh doanh, các văn bản, giấy tờ, nội quy của chợ cho thấy, việc rút giấy phép kinh doanh của ông Trung là không có cơ sở. Theo bà Phan Thị Thủy, chủ sở hữu lô sạp mà ông Trung đang thuê mướn để bán quần áo, trước đó bà Thủy đã có đóng góp tiền để xây dựng chợ. Vào cuối năm 2008, chợ Xuân Đà được xây xong và đưa vào sử dụng bằng nguồn vốn do các tiểu thương, người dân đóng góp. Theo quy hoạch ban đầu, chợ thiết kế 183 ki ốt, lô sạp và chia từng khu vực kinh doanh các mặt hàng khác nhau. Tùy theo vị trí đăng ký, các tiểu thương đóng tiền theo mức tương ứng với từng lô, sạp đã chọn. Bà Thủy được sở hữu lô mặt tiền chợ quy hoạch mặt hàng: may mặc, nông cụ, nông sản và làm đầy đủ các thủ tục chuyển đổi cần

 thiết theo quy định của Nhà nước và theo “luật chợ” để ông Trung được phép thuê lại ki ốt của bà với giá thỏa thuận.

 Về phía người thuê lại lô sạp để kinh doanh, ông Trung kê khai đầy đủ tên họ, ngành nghề hợp pháp, không gian dối, làm tròn nghĩa vụ đóng các loại thuế kinh doanh cho Nhà nước, trả tiền hợp đồng đầy đủ, đúng hạn cho bà Thủy, vì vậy, quyền hạn, chỗ đứng trong chợ của ông Trung được bà Thủy ủy quyền, cho phép là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. 

Hiện nay, Ban Quản lý chợ Xuân Đà cũng chưa hề tiến hành ký bất cứ một hợp đồng nào với các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ, chỉ là thỏa ước giữa tiểu thương và Ban Quản lý chợ. Trong khi đó, có khoảng 20 lô sạp của các tiểu thương trong chợ tự ý chuyển đổi mục đích kinh doanh từ mặt hàng này sang mặt hàng khác mà không hề xin phép Ban Quản lý. Có hộ đăng ký bán đồng hồ sau đó sang lại cho người khác bán vải. Có lô quy hoạch bán thuốc tây nhưng sau đó sang lại cho người khác bán nông cụ. Khu quy hoạch kim khí, điện máy hiện các tiểu thương đều bán quần áo. Ngay cả sân chợ trước đây cũng là của nhà dân.

Nơi này chịu “sức ép” từ nơi kia

Trao đổi với chúng tôi về việc tịch thu giấy phép kinh doanh của ông Nguyễn Đình Trung, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Xuân Lộc, người trực tiếp ký quyết định cho rằng, hiện nay đã có Tờ trình của Ban Quản lý mới chợ Xuân Đà cũng xác nhận hộ ông Trung kinh doanh không hợp pháp, vi phạm nội quy của chợ, mặc dù những lập luận đưa ra hoàn toàn không có căn cứ và hết sức vô lý. Về phía Ban Quản lý chợ Xuân Đà lại cho rằng, họ bị “sức ép” từ các tiểu thương kinh doanh hàng quần áo trong chợ, đồng thời chịu “sức ép” từ chính chỉ đạo của huyện buộc phải làm tờ trình để “hợp thức hóa” quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh của ông Trung. 

Trước áp lực của các tiểu thương trong chợ không cho hộ ông Trung buôn bán, họ đâm đơn kiện lên xã, huyện. Thậm chí, họ còn nhắn tin quấy rối lãnh đạo, kéo lên huyện tạo áp lực. Tuy nhiên, không thể vì những yêu cầu vô lý của các tiểu thương mà buộc một hộ kinh doanh lương thiện, buôn bán đàng hoàng đóng cửa, đẩy một gia đình vào tình cảnh khánh kiệt. Hiện nay vốn liếng, đất đai, tiền của vay mượn ông Trung đã đổ vào hết quần áo và đầu tư sửa ki ốt gần 500 triệu đồng, đang đứng trước nguy cơ nợ nần chồng chất.

Thiết nghĩ, quyết định nào của Nhà nước cũng phải công tâm, thấu tình, đạt lý. Muốn giải quyết hài hòa, công bằng, hợp tình, hợp lý nên tạo điều kiện để ông Trung có được những giấy tờ cần thiết, hợp pháp, tiếp tục kinh doanh. Mặt khác, chính quyền nên hỗ trợ cho 20 tiểu thương tự chuyển đổi mục đích kinh doanh có được những giấy tờ hợp pháp để họ được chuyển đổi ngành hàng phù hợp. Có như vậy, các tiểu thương khác không còn cớ để kiện tụng, quấy rối./.

Đọc thêm