Thời gian vừa qua, báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh từ bạn đọc về việc Trung tâm DNLX Sài Gòn (địa chỉ tại số 205C, đường Phạm Văn Thuận, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai) có hành vi thu tiền bất minh trong khi học viên đã đóng khoản tiền học phí 6.5 triệu đồng.
Theo nội dung phản ánh, học viên T (tên học viên được thay đổi) cho rằng Trung tâm DNLX Sài Gòn tự ý gắn các thiết bị cảm biến (TBCB) trên các xe được sử dụng với mục đích dạy học trong khóa đào tạo lái xe ôtô B2-C, cũng theo học viên này các thiết bị này chưa được Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho phép, không những vậy, trung tâm này còn thu thêm tiền đối với các xe có gắn thiệt bị cảm biến là 200 ngàn/1h tập trong khi học viên đã đóng số tiền 6.5 triệu đồng tiền học phí.
Để làm rõ phản ánh của bạn đọc, PV đã có buổi trao đổi với ông Trần Thanh Tú – Giám đốc điều hành Trung tâm DNLX Sài Gòn. Trả lời thắc mắc trên, ông Tú cho biết: “Việc lắp đặt các TBCB trên một số xe là hoàn toàn có thật. Cụ thể, ngoài chương trình học theo các quy định, thông tư về đào tạo và sát hạch lái xe của Tổng cục đường bộ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu để cho học viên làm quen với các bài thi sát hạch cấp giấy phép lái xe do Sở GTVT tổ chức thì Trung tâm DNLX Sài Gòn đã đầu tư 8 xe ôtô con và 5 xe tải có gắn thiết bị cảm biến phục vụ cho các khóa học lái xe B2-C với tổng chi phí gần 8 tỷ đồng.
Việc gắn TBCB được công bố rộng rãi trên bảng thông báo, trang web chính thức của trung tâm với nội dung chi tiết rất rõ về mục đích là nâng cao chất lượng đào tạo và đối tượng áp dụng. Mức thuê chỉ với giá 200 ngàn/ 1h, rẻ hơn nhiều so với nhiều Trung tâm DNLX khác (khoảng 350 ngàn/ 1h), và chỉ giành cho những người có nhu cầu chứ không phải thu đại trà tất cả cho các học viên.”
|
|
Ông Tú cho biết đã thông báo công khai trên bảng thông báo của trung tâm |
Đối với vấn đề lắp đặt các TBCB trên đã được sự cho phép của sở GTVT tỉnh Đồng Nai hay không thì ông Tú dẫn chứng bằng các văn bản pháp luật của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cụ thể, tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT “Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ” và Nghị định số: 65/2016/NĐ-CP “Quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe” thể hiện việc gắn TBCB và sử dụng sân tập cảm ứng phục vụ cho học viên luyện tập thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo. Đồng thời, ông Tú cho biết thêm phía trung tâm đã có văn bản thông báo gửi cho sở GTVT tỉnh Đồng Nai trước khi thực hiện chương trình.
“Sự việc như vậy do có sự hiểu lầm giữa học viên và Trung tâm xuất phát từ việc áp dụng chương trình tập xe gắn TBCB được Trung tâm miễn phí trong vòng 1 tháng, và học viên khóa mới chưa hiểu chính xác về việc thu tiền thuê xe (ngoài chương trình học), điều này khiến họ tưởng rằng đây là một phần thuộc chương trình học đã đóng tiền. Đây cũng là Cơ sở đào tạo tiên phong đi đầu trong việc gắn TBCB & áp dụng mô hình đào tạo lái xe theo “Singapore”. Chúng tôi quản lý thời gian học tùy chọn và quảng đường tập lái theo công nghệ. Chúng tôi đã trở thành là đơn vị Đào tạo lái xe chuyên nghiệp, tận tâm đứng đầu tỉnh Đồng Nai”, ông Tú chia sẻ.
Trao đổi với đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, bà Trần Kim Xuyến – Phó phòng quản lý người lái cho biết: “Việc TTDNLX Sài Gòn gắn TBCB trên các xe giành cho học viên, Sở GTVT đã nhận được thông báo từ phía trung tâm rồi, còn việc trung tâm lắp các thiết bị cảm biến và thu tiền phí thuê xe tập thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo và được thực hiện theo các quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đây là nỗ lực của Cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng rất đáng khuyến khích và mở rộng”.