Đồng Tháp: Toà tuyên không rõ ràng, bản án 6 năm chưa thi hành xong

(PLO) - Năm 2012, khi xét xử một vụ án, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên án khi chưa xác định rõ phạm vi quyền sở hữu tài sản của bị đơn và người có nghĩa vụ liên đới trong tài sản chung hộ gia đình. Điều này làm nảy sinh quan điểm bất đồng giữa các bên, làm cho việc thi hành bản án “dậm chân tại chỗ” suốt 6 năm qua.
Ông Chính và căn nhà nhỏ trên mảnh đất kê biên, nơi sinh sống của 8 người trong hộ
Ông Chính và căn nhà nhỏ trên mảnh đất kê biên, nơi sinh sống của 8 người trong hộ

Bản án gây nhiều tranh cãi

Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng bà Bùi Thị Ngọc Se (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) đều là nông dân chân chất, làm ruộng mưu sinh, nuôi 5 người con ăn học. Năm 2005, người con lớn vào đại học, gia đình túng quẫn, bà Se giấu chồng đi vay tiền để xoay xở lo cho các con. Gắng gượng đến năm 2010, bà không còn khả năng chi trả, bị các chủ nợ doạ kiện.

Để xoá các khoản nợ trước mắt, bà Se vẽ lý do để đi vay những người khác và chấp nhận mức lãi suất cao, có lúc đến 15%/tháng. Việc trả nợ xoay vòng chỉ kéo dài đến cuối năm 2011, khi số nợ lên đến hơn 1,2 tỷ đồng thì mọi việc vỡ lở, bà Se bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị kê biên 2 thửa đất tổng trị giá gần 700 triệu đồng.

Tại Bản án số 56/2012/HSST ngày 20/8/2012, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt bị cáo Se 7 năm tù, buộc bị cáo và chồng là ông Nguyễn Văn Chính liên đới bồi thường số tiền, vàng tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng cho 9 bị hại. Toà tuyên “tiếp tục kê biên 2 diện tích đất để đảm bảo THA cho bị cáo”, trong đó, một thửa là đất trồng cây lâu năm có hơn chục ngôi mộ, diện tích 3.144m2; thửa còn lại là đất ở, nơi sinh sống của 8 nhân khẩu, diện tích 431m2. Cả 2 thửa đất đều được cấp cho hộ gia đình.

Việc Toà tuyên lấy đất cấp cho hộ gia đình để kê biên, thi hành bản án của cá nhân sau đó bị Viện trưởng VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị. Toà hình sự TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị. Tuy nhiên sau này, tại Văn bản trả lời số 83 của TAND Tối cao, đã nêu: “Cơ quan THA sẽ tiến hành thủ tục theo quy định tại Điều 74 của Luật THADS để đảm bảo quyền lợi cho những người liên quan trong khối tài sản chung”.

Trong khi đó, Chi cục THADS huyện Cao Lãnh khi tiến hành THA đã áp dụng theo Điều 127 Luật THADS. Điều luật này quy định đối với tài sản mà Toà đã tuyên kê biên để đảm bảo THA thì cơ quan THA tiến hành kê biên, định giá và bán đấu giá. Cuối năm 2016, Chi cục THADS huyện Cao Lãnh tiến hành thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá 2 thửa đất nói trên. 

Các thành viên gia đình ông Chính không đồng ý, họ cho rằng việc THA như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi của tất cả thành viên trong gia đình nên khiếu nại. Ngày 9/1/2018, Chi cục THADS huyện Cao Lãnh ra Quyết định 05/QĐ-CCTHADS bác bỏ khiếu nại, giữ nguyên quan điểm tiếp tục kê biên tài sản.

Ngược lại quan điểm trên, khi trả lời thắc mắc của gia đình ông Chính, ngày 28/2/2018 TAND tỉnh Đồng Tháp ra Văn bản số 263, nội dung đề cập đến Điều 74 Luật THADS. Cụ thể, phải xác định được phần sở hữu tài sản, sở hữu QSDĐ của ông Chính, bà Se trong tài sản chung để THA, bằng cách gia đình tự thoả thuận phân chia hoặc yêu cầu Toà giải quyết.

Như vậy, từ việc bản án tuyên chưa thật sự rõ ràng dẫn đến bất đồng quan điểm giữa các cấp Toà và cơ quan thi hành án các cấp, khiến việc thi hành bản án đình trệ thời gian dài. Về vấn đề trên, ông Trần Thế Vinh, Phó trưởng phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, Cục THADS Đồng Tháp cho biết hiện đơn vị đang giải quyết việc khiếu nại tiếp của các con ông Chính. Ông Vinh ghi nhận ý kiến của các cấp Toà và cho biết sẽ sớm giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Suốt 6 năm trời cứ sống trong tâm thế chuẩn bị THA nhưng vụ việc vẫn chưa kết thúc, chị gái và các con ông Chính khẩn thiết mong cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định pháp luật, hợp tình, hợp lý, để họ ổn định cuộc sống, phụ giúp bố mẹ bồi thường cho các bị hại. “Trước đây toà tuyên án chung chung khiến sự việc kéo dài nhiều năm, tuy nhiên sau này Toà đã có văn bản trả lời rõ ràng thì chúng tôi mong cơ quan THA thống nhất với quan điểm của Toà trong việc thi hành bản án”, con trai ông Chính nói.

Phải đảm bảo quyền lợi cho đồng sở hữu

Đó là quan điểm của Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM). Theo Luật sư Phượng, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp này được cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình (vợ chồng và các thành viên trong gia đình), chứ không phải cá nhân. Khi xét xử vụ án, bản án không xác định rõ phạm vi quyền sở hữu của người phạm tội với quyền sở hữu của những đồng sở hữu khác (thành viên trong hộ gia đình) nên dẫn đến việc tuyên dùng cả phần tài sản của những người không liên quan để thực hiện trách nhiệm dân sự của người phạm tội.

Trước sai sót này, cơ quan THA có thể kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền hoặc áp dụng luật một cách hợp tình, hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho các đồng sở hữu tài sản. Bởi trong vụ việc này, các đồng sở hữu là thành viên trong hộ gia đình ông Chính không cản trở việc THA mà họ đang bảo vệ quyền sở hữu của mình theo pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đọc thêm