Dự án 5.000 tỷ nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An: Công trình chưa bàn giao đã xuất hiện nhiều khuyết điểm

(PLVN) - Dù mới đưa vào sử dụng và chưa bàn giao, nhưng một số hạng mục của Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (Dự án JICA 2) trên địa bàn huyện Đô Lương đã xuất hiện những bất cập. 
Vết nứt tại phần móng của trạm bơm

Không tiếp thu ý kiến dân trước khi xây?

Dự án JICA 2 có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn JICA là 4.390 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2013 nhằm bảo đảm tưới 27.656 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho 900.000 nhân khẩu tại các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. 

Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng hơn một năm nay, nhưng nhiều công trình trong Dự án JICA 2 tại địa bàn Nghệ An đang tồn tại một số bất cập khiến người dân lo ngại như: Đường kênh dẫn cao hơn đường, một số được khắc phục tạm thời bằng táp lô, trạm bơm công suất không đủ khiến dân phải “độ” thêm một máy bơm bổ sung... 

Theo chân ông Hoàng Văn Thân, Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn, có thể nhận thấy những bất cập mà người dân phản ánh tại trạm bơm số 3 của dự án tại xã Thái Sơn, huyện Đô Lương là có cơ sở. Tại đây, một phần móng trạm bơm đã nứt nẻ, nhiều vết nứt lớn, trong đó có những chỗ nứt có thể cho cả bàn tay vào trong. Ông Thân cho biết, một số vật liệu xây dựng không đảm bảo, gạch không đạt chất lượng, dùng cả táp lô để xây móng. 

Bên cạnh đó là một hệ thống máy bơm cấp nước cho kênh tưới, ông Thân chỉ vào nói: “Dân xã Thái Sơn gọi đây là “trạm bơm Việt – Nhật”, nguyên nhân là vì một máy bơm của dự án có công suất thấp nên nước chảy rất yếu, không đủ lực để đẩy nước đi xa và gây khó khăn trong việc bơm nước tưới cho các đồng ruộng ở xa. Vì thế, chúng tôi lắp thêm một máy bơm cũ của hợp tác xã để bổ sung cho nước mạnh hơn, chảy được khắp các cánh đồng, đủ nước tưới tiêu cho bà con vào mùa vụ…”. 

Ông Thân cũng cho biết thêm, hệ thống mương tưới của dự án được thiết kế hơi nhỏ so với hệ thống kênh tưới trước đó nên nước chảy nhỏ hơn, chậm hơn. Khi dự án thực hiện, đại diện chính quyền và người dân địa phương cũng như hợp tác xã đã có ý kiến đề nghị xây mương to hơn nhưng không được ghi nhận.

Hệ thống kênh tưới của xã Hiến Sơn, Thượng Sơn cũng tồn tại nhiều bất cập. Ông Nguyễn Văn Cầm, Phó Chủ tịch xã Thượng Sơn cho biết, các điểm vuốt nối giữa đường và kênh cao quá khiến xe kéo đi qua rất khó khăn. Xã đã có kiến nghị khắc phục, nhà thầu đã có đổ thêm đất nhưng đó cũng chỉ là phương pháp tạm thời. 

Sẽ kiểm tra thông tin người dân phản ánh

Còn ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch xã Hiến Sơn cho biết, trên địa bàn xã cống tưới cũng hẹp quá, người dân kiến nghị nhưng cũng không được thay đổi, các khay đóng mở lắp chưa được đảm bảo. Tại kênh N2 xóm Giếng Tây có một hộp qua đường 60x70cm nhưng đến điểm đó lại hạ xuống còn 40x40cm khiến nước tràn ra đường gây ngập đường. Sau khi xã kiến nghị, phía nhà thầu đã về khắc phục bằng cách cho thêm một ống cống tròn nữa nằm bên cạnh và xây thêm bờ kênh cao lên bằng chất liệu táp lô để khắc phục.

Theo ông Dũng, việc gắn thêm cống nước cũng không thể chảy nhanh hơn được bao nhiêu, mà còn xây một đoạn bằng táp lô trên cống thì không biết có được đảm bảo lâu dài hay không. Trong khi kênh mương thủy lợi là công trình đặc thù, tính chịu lực và áp lực nước trong thời gian dài có đảm bảo. Ngoài ra, đoạn kênh Sông Khuôn cống cũng không đảm bảo, không tưới tiêu được. 

Ông Đặng Ngọc Du, cán bộ địa chính xã Hiến Sơn, cho biết, một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được đền bù do dự án thi công qua phần đất của mình. Trong đó, hộ gia đình ông Nguyễn Quang Thịnh theo thiết kế thì đất ruộng gia đình ông nằm ngoài dự án, nhưng khi thi công thì lại đi qua đất của ông Thịnh. Hay như trường hợp hộ ông Nguyễn Duy Hươu trong thiết kế chỉ đi qua 1/2 đất, nhưng khi thi công lại đi qua cả thửa đất. Cả hai hộ này vẫn chưa được đền bù. Một số người dân cho rằng, kênh dẫn nước với kích thước 40x40cm là hơi bé, còn theo cán bộ kỹ thuật lại cho rằng thiết kế theo kiểu “tưới nhỏ giọt” nên tiết kiệm nước hơn. 

Tại xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương), bất cập là bể hút chưa có kè chống sạt lở, người dân đề nghị cần bổ sung thêm; xã Đông Sơn thì cao trình đáy kênh quá cao lại cạnh đường dốc gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, lại đề nghị hạ xuống; xã Tân Sơn lòng kênh hẹp cao độ dốc dọc không phù hợp nên nước đầu tuyến tràn qua đường, do đó nước cuối tuyến yếu ảnh hưởng đến việc cấp nước...

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra những hiện tượng mà người dân phản ánh. Đồng thời giới thiệu cho PV làm việc với đại diện của Ban Quản lý Dự án JICA 2. Sau khi ghi nhận những ý kiến phản ánh trên, đại diện Ban Quản lý Dự án JICA đã cử cán bộ tiến hành kiểm tra và thông tin với báo chí khi có kết quả. 

Đọc thêm