Vì sao việc xây trạm bơm được gộp vào gói thầu làm đường giao thông?
Trạm bơm rạch Bà Tiếng là công trình quan trọng của dự án “Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc), quận Bình Tân, TP HCM”.
Ngày 08/6/2018, trên cơ sở tờ trình của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (chủ đầu tư Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương), Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM Nguyễn Văn Tám ký quyết định số 2904/QĐ-SGTVT phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng đối với gói thầu xây lắp 4 (Xây dựng trạm bơm thoát nước tại rạch Bà Tiếng và cải tạo nút vòng xoay An Lạc) với giá trị dự toán là gần 112 tỉ đồng.
Đến ngày 22/8/2018, ông Tám ký tiếp Quyết định số 4788/QĐ-SGTVT Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng đối với gói thầu thiết bị cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm với giá trị dự toán trên 66 tỉ đồng. Nhà thầu thiết kế xây dựng của cả hai gói thầu trên đều là Cty TNHH Tư vấn thiết kế BR và Cty CP Tư vấn Xây dựng Thủy lợi, thủy điện Nam Việt (trụ sở tại TP. HCM).
Việc công trình này được chia làm hai gói thầu là “xây dựng trạm bơm” và “cung cấp, lắp đặt thiết bị” đang bị một số đơn vị cho là bất thường bởi chỉ có một số nhà thầu nhất định mới có thể cung cấp được thiết bị đúng theo thiết kế của trạm bơm đã có từ trước
So sánh với quy định tại Điều 33 Luật Đầu thầu (việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý), một số chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc phân chia gói thầu như trên là không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng hạn chế các nhà thầu.
Theo chuyên gia này thì để đảm bào tính chất kỹ thuật và tính đồng bộ của dự án thì nên tách hạng mục “xây dựng trạm bơm rạch Bà Tiếng” khỏi gói thầu xây lắp (tức là gói thầu này chỉ còn hạng mục “cải tạo nút vòng xoay An Lạc”) để gộp vào gói thầu “cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm”.
Ủng hộ ý kiến này, một nhà thầu (đề nghị giấu tên) cũng cho rằng, việc mua sắm thiết bị (máy bơm, đường ồng) và lắp đặt cần phải gắn liền với việc xây dựng trạm bơm (tức là do cùng một nhà thầu thực hiện) thì mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của công trình và đảm bảo tiến độ của dự án. Việc tách hạng mục xây dựng trạm bơm khỏi gói thầu mua sắp, lắp đặt thiết bị như vừa qua đồng nghĩa với việc áp đặt rằng, thiết bị (máy bơm, tủ điện, đường ống, van ngăn triều) phải phù hợp tuyệt đối với thiết kế đã có từ gói thầu được phê duyệt trước đó. Và như vậy chỉ chỉ một số ít nhà thầu đáp ứng được “đề bài” khắt khe này. Rất có thể, một số đơn vị có thiết bị đáp ứng đầy đủ được các tiêu chí về công suất thoát nước, khả năng vận hành linh hoạt, công nghệ tiên tiến, giá thành hợp lý…) sẽ không đủ điều kiện dự thầu hoặc sẽ trượt thầu chỉ vì lý do thiết kế không phù hợp với công trình trạm bơm.
Việc phân chia gói thầu thiếu hợp lý như trên được nhà thầu này cho là đã hạn chế sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu và làm mất cơ hội áp dụng những thiết bị hiện đại vào công tác thoát nước của thành phố.
Lẫn lộn giữa “mua sắm” và “xây lắp”?
Để triển khai gói thầu, ngày 24/8/2018, Ban quản lý dự án kênh Ba Bò (được chủ đầu tư ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư) đã có Thông báo mời thầu đối với gói thầu “cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm tại rạch Bà Tiếng”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà thấu thì quy định về năng lực kinh nghiệm của nhà thầu nêu trong hồ sơ mời thầu đã có một nội dung khiến cho việc tham gia của các nhà thầu bị hạn chế. Cụ thể, chủ đầu tư dự án đưa ra tiêu chí nhà thầu phải có hai hợp đồng “cung cấp, lắp đặt” thiết bị cho trạm bơm (có đường ống và hệ thống điện điều khiển), trong đó có tối thiểu 1 hợp đồng có giá trị tổi thiểu là 46,25 tỷ. Tiêu chí này bị nhà thầu cho là lập lờ, thiếu minh bạch bởi “mua sắm hàng hóa” và “xây lắp” là hai lĩnh vực khác nhau nên đa số các đơn vị không gộp chung vào một hợp đồng. Vì vậy, khó có một hợp đồng đáp ứng cả tiêu chí về mua sắm hàng hóa lẫn xây lắp như yêu cầu của chủ đầu tư.
Các quy định pháp luật cũng đã phân định rõ sự khác nhau giữa việc lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa và hồ sơ xây lắp, nhất là tiêu chí về năng lực kinh nghiệm của nhà thầu, trong có nội dung về “hợp đồng tương tự”.
Cụ thể, tại Thông tư 03/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hướng dẫn “hợp đồng tương tự trong xây lắp” thì công việc xây lắp phải có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét, bao gồm: tương tự về bản chất và độ phức tạp (có cùng loại và cấp công trình tương tự hoặc cao hơn cấp công trình yêu cầu cho gói thầu này theo quy định của pháp luật về xây dựng), tương tự về quy mô công việc (có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét).
Còn về hợp đồng mua sắm hàng hóa, Bộ KH&ĐT hướng dẫn tại Thông tư 05/2015 rằng, “hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự” gồm: tương tự về chủng loại, tính chất (có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét); tương tự về quy mô (có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét).
Như vậy, Bộ KH&ĐT đã có sự phân biệt rõ ràng giữa kinh nghiệm năng lực trong lĩnh vực ”cung cấp hàng hóa” và ”xây lắp”. Với sự phân biệt trên, không hiểu sao chủ đầu tư vẫn yêu cầu nhà thầu có chung hợp đồng về mua sắm hàng hóa lẫn xây lắp để đánh giá trị tính chất ”tương tự” chung cho cả hai lĩnh vực là 46,25 tỷ đồng. Rất có thể có nhà thầu chỉ cần cung cấp hợp đồng thể hiện đã thực hiện xong phần cung cấp hàng hóa trên 46,25 tỷ đồng (và chưa thực hiện được phần xây lắp) nhưng vẫn được chủ đầu tư mặc nhiên coi là có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp vẫn cung cấp hàng hóa
Theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT thì việc xác định năng lực về cung cấp hàng hóa hoặc năng lực về xây lắp của nhà thầu cần phải đối chiếu giữa hợp đồng đã thực hiện với hợp đồng đang xét. Nhưng ở đây, hợp đồng đang xét có sự lẫn lộn giữa mua sắm và xây lắp thì lấy cơ sở nào để xác định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu?
Với những nội dung bất thường, thiếu rõ ràng trong hồ sơ mời thầu như trên, liệu chủ đầu tư có phải xem xét và sửa đổi lại hồ sơ mời thầu để chào thầu lại cho phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu cũng như tiến độ thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương./.