Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống: 'Sờ' đến đâu sai đến đó!

(PLO) - Hàng loạt sai phạm từ khâu thiết kế, lập dự toán đến thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên (Hà Nội) đã dẫn đến gây thất thoát hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước. 
Hàng loạt sai phạm từ khâu thiết kế, lập dự toán đến thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống
Hàng loạt sai phạm từ khâu thiết kế, lập dự toán đến thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống

Sử dụng 4 năm vẫn chưa quyết toán

Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự (Dự án) được Bộ GTVT phê duyệt năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 99 tỷ đồng. Từ năm 2004 - 2008, Dự án dừng triển khai. Tháng 9/2008, Dự án chuyển đổi chủ đầu tư cho UBND TP Hà Nội và sau đó, thành phố giao cho UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư. 

Tổng mức đầu tư điều chỉnh lần cuối (tháng 8/2014) là gần 1.583 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 269 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.299 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng cho Dự án là nguồn thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất và được ứng trước từ ngân sách TP Hà Nội. Trong đó, giá trị nghiệm thu đạt gần 1.434 tỷ đồng, giá trị đã thanh toán là 1.413,5 tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây, thì tháng 1/2010, UBND quận Long Biên ủy quyền cho Ban Quản lý dự án (QLDA) quận này phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vẽ thi công - dự toán các công việc điều chỉnh, phát sinh mà không làm thay đổi mục tiêu, quy mô, không làm vượt tổng mức đầu tư của Dự án. Tuy nhiên, tháng 8/2014, Giám đốc Ban QLDA quận Long Biên lại phê duyệt bổ sung “chi phí đo gắn tọa độ diện tích, cắm mốc giao đất, cắm mốc chia lô phục vụ việc giao đất tái định cư” và điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 1.583 tỷ đồng là trái thẩm quyền, vi phạm khoản 2 Điều 7 Nghị định 112/2009/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. 

Trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư, UBND quận Long Biên ngoài việc sử dụng chi phí dự phòng, còn điều chỉnh 23,545 tỷ đồng từ chi phí giải phóng mặt bằng còn dư chuyển sang hạng mục xây dựng phát sinh, thể hiện công tác khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư chưa sát với thực tế, dẫn đến việc cân đối vốn cho Dự án không đúng với các hạng mục được phê duyệt. 

Theo TTCP, việc UBND quận Long Biên chấp thuận điều chỉnh lùi thời gian khởi công các gói thầu số 3, 4 sau thời gian hợp đồng có hiệu lực hơn 1 năm. Thời gian thực hiện gói thầu xây lắp số 1, 2, 3, 4 đã hết hiệu lực thực hiện theo hợp đồng đã ký, nhưng chủ đầu tư không tiến hành gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng theo quy định, vi phạm Nghị định 48/2009/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

“Đến thời điểm thanh tra, Dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng hơn 4 năm, nhưng chưa thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình (chậm quyết toán so với quy định 3 năm). Chủ đầu tư đã tạm ứng, thanh toán cho 2 gói thầu vượt giá trị nghiệm thu 2,6 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa thu hồi về ngân sách nhà nước”, kết luận nêu.

Thất thoát hàng chục tỷ đồng

Thanh tra việc thực hiện các gói thầu số 1, 2, 3, 4 của Dự án đã phát hiện chủ đầu tư ký các phụ lục hợp đồng riêng đối với từng nhà thầu trong liên danh, không ràng buộc được trách nhiệm của các thành viên liên danh trong việc đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện gói thầu là vi phạm Nghị định 48/2010/NĐ-CP. 

Chỉ nói riêng với hạng mục trồng cây xanh do Công ty TNHH MTV Cơ điện Công trình thực hiện đã cho thấy những vi phạm rất lớn. Cụ thể, giá trị nghiệm thu thanh toán hạng mục này là 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư thực hiện không đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tự ý thay đổi thiết kế đã được duyệt về chủng loại cây xanh 2 bên tuyến đường từ cây Hoàng Lan, Phượng Vĩ thành cây Long Não, dẫn đến cây trồng bị chết nhiều. Kiểm tra thực địa trên toàn tuyến còn 142/512 cây Long Não, 370 cây đã chết (chiếm 72,3% tổng số cây) gây lãng phí ngân sách nhà nước 4,3 tỷ đồng.

Công tác đào phá bục bệ, nền nhà, đào mương, móng đất cấp II áp dụng 2 định mức thi công bằng máy và thủ công với cùng một công việc bằng cách phân chia khối lượng theo tỷ lệ % (80% máy, 20% thủ công) không đúng định mức dự toán xây dựng kèm theo Văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng. Việc tính toán đưa toàn bộ công tác thi công bằng thủ công sang thực hiện bằng máy sẽ làm giá trị chênh lệch tăng giữa thi công thủ công và máy không đúng quy định là 3,2 tỷ đồng.

Công tác vận chuyển đất do phá dỡ, dọn dẹp công trường theo dự toán, dự thầu, hợp đồng áp dụng đất cấp IV. Theo quy định phân loại đất trong định mức tại Văn bản 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng, loại đất trên áp dụng đất cấp III. Việc áp dụng đất cấp IV không đúng quy định, việc tính toán điều chỉnh từ đất cấp IV về đất cấp III phát sinh giá trị chênh lệch là 796,26 triệu đồng.

Thậm chí, nhà thầu ở dự án này đã tự ý thay đổi biện pháp thi công từ sản xuất bê tông nhựa sang thuê các nhà thầu phụ thực hiện không có trong hồ sơ dự thầu; hợp đồng thi công đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn phê duyệt bù trượt giá để thanh toán cho nhà thầu, vi phạm khoản 1 Điều 34 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 14,2 tỷ đồng. 

Do đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống trên cơ sở kết quả khoan, kiểm định chất lượng công trình của Viện Công nghệ giao thông đối với hạng mục bê tông nhựa, cấp phối đá dăm tại một số vị trí của dự án, kiểm tra, rà soát, khắc phục và giảm trừ quyết toán đối với khối lượng thiếu so với thiết kế, kỹ thuật đã được phê duyệt. 

“Tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân qua các thời kỳ có liên quan đến các sai phạm đã nêu ra trong kết luận thanh tra”, TTCP kiến nghị.        

Đọc thêm