Theo tìm hiểu, hiện nay Dự án đang trong quá trình triển khai GPMB, mặc dù được người dân đồng tình và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ban GPMB đáp ứng tiến độ thời gian thi công. Song, trong quá trình triển khai, Ban GPMB huyện Hưng Hà đã bỏ qua việc lấy ý kiến của người dân; người thì được tham gia họp và người thì không được biết, khiến một số người dân “mù mịt” về quyền lợi của mình.
Ông Lê Công Hanh (trú ở khu Đồng Tu 1, thị Trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà), cho biết: “Chúng tôi không được tham gia họp, quyền lợi của nhân dân chúng tôi chưa được công bằng, người thì đền bù thế này, người thì thế kia. Ban GPMB chưa làm rõ ràng, khi nhân dân có ý kiến thì họ chưa giải thích thỏa đáng và có sự mập mờ. Vì vậy, hơn 20 hộ dân khu Đồng Tu 1 vẫn chưa nhận tiền bồi thường…”.
Được biết, đơn giá bồi thường đất trung bình đề xuất áp dụng cho dự án: Đất thổ cư tại xã Phúc Khánh 4,5 triệu đồng/m2; đất trồng cây hàng năm 46 nghìn/m2; đất trồng cây lâu năm 50 nghìn và đất thủy sản 46 nghìn/m2; đất thổ cư tại thị trấn Hưng Hà 11 triệu đồng/m2.
“Ban GPMB áp dụng đền bù, bồi thường đối với các hộ dân tại khu Đồng Tu 1 mỗi nhà một giá và không có quyết định thu hồi đất, không có thông báo đền bù tới từng hộ gia đình. Trong khi đó, có hộ dân đất lấn chiếm cũng được đền bù; còn như chúng tôi là những hộ dân có đất hợp pháp, đóng thuế theo quy định lại không được đền bù đất mà chỉ được đền bù tài sản trên đất? Vậy tiền đất của chúng tôi đi đâu?”, ông Hanh, đại diện cho nhiều hộ dân ở Đồng Tu 1 bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Hải - Trưởng phòng TN&MT huyện Hưng Hà, cho biết: “Riêng dự án này người dân mới được nhận tiền bồi thường về tài sản chứ không được nhận tiền về đất vì đất của họ không hợp lệ. Hiện nay còn khoảng 17 hộ gia đình tại khu Đồng Tu chưa nhận tiền vì họ cho rằng việc đền bù, bồi thường chưa thỏa đáng”. Vậy, một số hộ dân xây dựng và ăn ở sinh sống nhiều đời, căn cứ vào đâu để nói đất không hợp lệ và không được bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường về tài sản? Bà Hải cho rằng dân tự lấn chiếm?!
Được biết, Dự án có chiều dài 20,7km được sử dụng nguồn vốn ODA là 71 triệu USD, vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam 50 triệu USD.
Theo đó, những hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án đều được hưởng chính sách ưu đãi, ngoài ra các hộ có đất sẽ được bồi thường theo hình thức “đất đổi đất” hoặc bằng tiền theo lựa chọn của người bị ảnh hưởng. Những hộ mất từ 20% đất sản xuất trở lên thuộc trường hợp được lựa chọn đổi đất. Nguyên tắc tương ứng áp dụng cho người nghèo và người dễ bị tổn thương (người già mất từ 10% đất sản xuất trở lên).
Những ưu đãi và chính sách tốt như thế, nhưng hàng chục hộ dân tại xã Phúc Khánh chỉ được nhận tiền đền bù, bồi thường 42 nghìn/m2 đất ở. Vậy, có thỏa đáng hay không?
Bà Phạm Thị Xuyến (thôn Hương Xá, xã Phúc Khánh), phản ánh: “Gia đình tôi chỉ được nghe cán bộ xã Phúc Khánh nói bị thu hồi 118m2, chứ không hề có quyết định thu hồi hay văn bản giấy tờ gì cả và được đền bù 42 nghìn đồng/m2 đất ở. Đất ở của gia đình tôi do cha ông để lại, sinh sống nhiều đời và có giấy tờ thu thuế hàng năm mà đền bù như vậy gia đình tôi không đồng ý. Chúng tôi đề nghị được đổi “đất lấy đất” và đúng theo chính sách ưu đãi của dự án”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này.