Hơn 117km đường cao tốc cần sử dụng hàng trăm ha đất rừng
Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (Dự án) có chiều dài 117,5km (Khánh Hòa 32,7km; Đắk Lắk 84,8km) đi qua Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; các huyện: M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Cư Kuin, Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Với tổng mức đầu tư khoảng gần 22.000 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 13.520 tỷ đồng), Dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên với Nam Trung Bộ nói chung.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) Dự án, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 938,54ha, trong đó riêng đất nông nghiệp chiếm 336,1 ha, đất rừng sản xuất 437,57 ha, đất rừng phòng hộ chiếm tới 33,81 ha. Diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến khoảng 938,54ha với số hộ bị ảnh hưởng được tính toán là 771 hộ. Trong đó có 593 hộ dân có nhu cầu tái định cư, bao gồm: Đắk Lắk 313 hộ, Khánh Hòa: 280 hộ.
BCNCTKT Dự án cho thấy, phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy mô Quy hoạch được duyệt tính từ mép ngoài cùng chân taluy (giai đoạn quy hoạch) với khoảng cách 3m đối với các đoạn không bố trí đường gom và 1m đối với các đoạn có bố trí đường gom. Cơ quan chức năng sẽ thực hiện cắm mốc lộ giới và giao cho địa phương, các cơ quan quản lý đường bộ quản lý hành lang an toàn đường bộ.
Còn phần đất GPMB sẽ được rào kín bảo vệ để bảo đảm mở rộng giai đoạn hoàn thiện. Các địa phương liên quan có trách nhiệm quản lý, bảo vệ phạm vi đã được GPMB để tránh tái lấn chiếm, bảo đảm hành lang an toàn trong quá trình khai thác đường cao tốc.
Có cần phải cơ chế đặc thù?
Theo quy định hiện hành, đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Hội đồng thẩm định Nhà nước (HĐTĐNN) đánh giá: Dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là rất lớn, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, Hồ sơ Dự án chưa có nội dung đánh giá về sự phù hợp của nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất với kế hoạch và chi tiêu sử dụng đất đã được ban hành.
Theo Bộ Tư pháp, Dự án có diện tích chiếm dụng đất rừng sản xuất khoảng 331,8 ha và đất rừng phòng hộ khoảng 21,3ha; căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án là Thủ tướng Chính phủ.
Để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư của Dự án, Bộ GTVT kiến nghị, sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án và phê duyệt theo thẩm quyền trước khi quyết định đầu tư Dự án.
Về vấn đề này Bộ Tư pháp cho rằng, cơ chế mà Bộ GTVT đề xuất tương tự như cơ chế đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và cơ chế này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Trong khi đó, theo UBND tỉnh Đắc Lắk, hồ sơ, diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh là 282,26 ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, đơn xin chuyển mục đích sử dụng rừng của Ban quản lý dự án 6 lại là 219,56 ha (rừng phòng hộ là 11,96 ha; rừng sản xuất là 207,60 ha). Do đó, địa phương này đề nghị điều chỉnh lại số liệu chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng số liệu đã đề nghị theo Đơn xin chuyển mục đích sử dụng rừng của Ban quản lý dự án 6.
Còn Bộ NN&PTNT đề nghị làm rõ các thông tin về hiện trạng rừng, loại rừng và chủ quản lý đối với nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 938,54ha, trong đó có 331,8ha đất rừng sản xuất; 21,3ha đất rừng phòng hộ. Bộ này lưu ý, đối với diện tích đất lúa, đất lâm nghiệp và rừng các loại, việc chuyển mục dích sử dụng phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các quy định hiện hành.
Về đề xuất cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Bộ GTVT, HĐTĐNN lưu ý thêm, tại phiếu biểu quyết về Báo cáo kết quả thẩm định BCNCTKT Dự án, Thành viên HĐTĐNN thuộc Bộ NN&PTNT đã đề nghị: “Bộ GTVT phối hợp với các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, trình Chính phủ thẩm định, báo cáo Quốc hội xem xét đồng thời trong nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án".
Do vậy, HĐTĐNN đề nghị Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án.