Dự án cao tốc theo hình thức PPP: Huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để thu xếp vốn thực hiện một số dự án PPP thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, do khó tiếp cận từ phía ngân hàng, một số nhà đầu tư đã tìm những phương án khác, trong đó có việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Sau khi ký kết, các nhà đầu tư có 6 tháng để thu xếp vốn cho các dự án cao tốc theo hình thức PPP.
Sau khi ký kết, các nhà đầu tư có 6 tháng để thu xếp vốn cho các dự án cao tốc theo hình thức PPP.

Khó tiếp cận tín dụng thương mại

Vốn là vấn đề nan giải trong việc xây dựng dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2016 – 2021. Theo phương án ban đầu, sẽ có 8 trong 11 dự án thành phần của cao tốc này được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Tuy nhiên, do không tìm được nhà đầu tư, 5 trong số 8 dự án thành phần này đã được chuyển sang hình thức đầu tư công.

Chỉ còn 3 dự án còn lại thuộc các đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo tìm được nhà đầu tư và thực hiện theo hình thức PPP. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, 3 dự án trên tìm được nhà đầu tư đều do số vốn Nhà nước bỏ ra đã quá nửa.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đồng loạt ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư để thực hiện 3 dự án trên. Sau ký kết, các nhà đầu tư có 6 tháng để thu xếp vốn. Nếu quá thời gian trên mà nhà đầu tư chưa thu xếp được vốn thì Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng. Như vậy, hiện nay, việc 3 dự án PPP đã ký kết này có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào việc có thu xếp vốn được không.

Từ trước đến nay, các dự án giao thông BOT được nhà đầu tư thực hiện bằng vốn tự có và vay vốn thương mại từ các ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt cho vay BOT giao thông để bảo đảm dòng tiền, tránh rủi ro đang khiến các nhà đầu tư không dễ gì tiếp cận kênh huy động vốn này.

Đơn cử, Ngân hàng BIDV là đơn vị cam kết cho vay với dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt. Theo đánh giá của ngân hàng này, dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có các yếu tố tích cực như vốn nhà nước tham gia hỗ trợ trên 50% chi phí đầu tư, đã giải phóng mặt bằng được trên 90% khối lượng; có lộ trình tăng phí cụ thể được Quốc hội ban hành cơ chế riêng.

Các nhà đầu tư dự án là những doanh nghiệp (DN) có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư dự án BOT giao thông hoặc trong lĩnh vực thi công công trình hạ tầng giao thông gồm liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Tuy nhiên, BIDV đưa ra điều kiện là dự án phải được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu theo Điều 82 Luật PPP thì đơn vị này mới tiến hành thẩm định xem xét cấp tín dụng. Tuy nhiên, mới đây, Bộ GTVT khẳng định dự án này không được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu.

Căn cứ vào kết luận của Bộ GTVT, được biết phía Ngân hàng BIDV đã tạm ngưng nghiên cứu bố trí vốn cho dự án BOT Diễn Châu – Bãi Vọt. Như vậy, đoạn tuyến cao tốc quan trọng này đang có nguy cơ “vỡ trận” nếu nhà đầu tư không thu xếp được vốn.

Phát hành trái phiếu có dễ?

Về lý thuyết, để đầu tư một dự án BOT, nhà đầu tư có nhiều hình thức để huy động vốn. Ngoài vốn tín dụng trong nước, nhà đầu tư có thể huy động vốn qua các kênh như tín dụng nước ngoài, các quỹ đầu tư tài chính, phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán, phát hành trái phiếu DN…

Được biết, nhà đầu tư đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo đang đi tìm nguồn vốn mới bằng cách phát hành trái phiếu. Nhà đầu tư dự án đoạn này là Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Xây dựng Đèo Cả - CTCP Công ty Đầu tư xây dựng 194. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước là 4.199 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư cần khoảng 3.786 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động khoảng 2.756 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Thế - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh nhà đầu tư Cam Lâm – Vĩnh Hảo) cho biết, ngay từ đầu tham gia đấu thầu dự án, nhà đầu tư đã xác định sẽ không phụ thuộc vào ngân hàng mà sẽ phát hành trái phiếu DN. “Hiện Tập đoàn Đèo Cả đang lập hồ sơ để phát hành trái phiếu DN cho dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo với khối lượng khoảng 2.700 tỷ đồng”, ông Thế cho biết.

Theo vị này, việc phát hành trái phiếu dự kiến sẽ chia làm nhiều đợt trong thời gian 3 năm theo tiến độ xây dựng dự án. Đợt 1 sẽ phát hành vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2021 với khối lượng khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến, trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 3 - 5 năm, mức lãi suất khoảng 12%/năm.

Theo tìm hiểu của PLVN, nhiều DN bất động sản ở nước ta đã huy động vốn rất thành công thông qua việc phát hành trái phiếu DN ra công chúng. Tuy nhiên, chưa có tiền lệ DN thực hiện dự án giao thông BOT phát hành trái phiếu để thực hiện dự án.

Do đó, việc huy động vốn của nhà đầu tư Cam Lâm – Vĩnh Hảo có thành công hay không vẫn là một câu hỏi khó, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, người dân có tâm lí giữ tiền để đề phòng dịch bệnh, trong khi nhà đầu tư phát hành có kỳ hạn lên đến 3-5 năm.

Đọc thêm