Kết luận thanh tra số 105/KL-TTr của Bộ Xây dựng chỉ rõ, ngay từ công tác khảo sát, thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án đã có nhiều thiếu sót. Dự án không tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án kiến trúc với công trình cấp I. Danh mục tiêu chuẩn áp dụng có tiêu chuẩn đã hủy bỏ, không đồng nhất về quy định số lượng khoan kiểm tra tiếp xúc mũi cọc - đất.
Hồ sơ bản vẽ thi công của một số hạng mục công việc thì không đúng với tiêu chuẩn, mô tả địa chất không đúng với kết quả thí nghiệm. Xác định chiều dài cọc ván thép Larsen không đúng quy định. Thiết kế biện pháp thi công cũng chưa phù hợp với địa chất công trình, thể hiện không đầy đủ một số hạng mục công việc.
Việc áp sai đơn giá một số loại vật liệu, thiết bị do chưa đúng đơn giá thời điểm lập dự toán, không đúng quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật, bản vẽ thi công, biện pháp tổ chức thi công; áp dụng, vận dụng một số mã định mức chưa cập nhật định mức đã được sửa đổi, chưa phù hợp với biện pháp thi công… dẫn đến làm sai tăng giá trị dự toán hơn 457 triệu đồng.
Việc quản lý chất lượng công trình cũng bị đánh giá là lỏng lẻo, còn có việc trên phiếu thí nghiệm thiếu thông tin số hợp đồng kinh tế hoặc văn bản yêu cầu của tổ chức yêu cầu thí nghiệm theo quy định. Không có chứng nhận hợp quy của vật liệu cát tự nhiên. Không có thí nghiệm xác định cấp phối cốt liệu, hàm lượng bùn, bụi sét của cốt liệu hạt dùng cho vữa và bê tông... Không có chấp thuận của tư vấn giám sát về các mối nối của ống vách để lại các trụ T3, T4. Không có thí nghiệm về chỉ tiêu gân thép.
Kết quả thí nghiệm cốt liệu cho vữa và bê tông không có trong danh mục các phép thử. Chấp thuận phòng thí nghiệm không đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng với một số phép thử. Trách nhiệm thuộc Ban Quản lý (BQL) dự án các công trình giao thông, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công xây dựng.
Việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành các hạng mục công trình tại dự án cũng còn thiếu sót sai phạm dẫn đến thanh toán không đủ cơ sở số tiền hơn 10,1 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đã kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), BQL các dự án giao thông và các tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, khắc phục những vi phạm nêu trên. Chỉ đạo các sở, ngành, BQL các dự án giao thông rà soát, có phương án xử lý kết quả thí nghiệm vật liệu cát, đá dăm, cấp phối không có trong danh mục các chỉ tiêu thí nghiệm.
Được biết, công trình xây dựng Cầu Hòa Bình 2 được khởi công ngày 04/11/2019, do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Liên danh các nhà thầu thi công gồm Cty TNHH & Xây dựng Trung Chính, Cty TNHH Đầu tư Xây dựng Lâm Việt, Cty TNHH Thương mại Kỹ thuật điện & Xây dựng Hà Nội.
Theo kế hoạch ban đầu, cầu Hòa Bình 2 sẽ hoàn thành cơ bản các hạng mục chính và hợp long vào cuối 2020, hoàn thành toàn bộ và bàn giao đưa vào sử dụng cuối quý IV/2021. Tuy nhiên, đến nay cầu vẫn chưa thể hợp long, nguy cơ chậm tiến độ.
Mất an toàn lao động
Khoảng 7h15 ngày 7/3/2021, khi một công nhân (quê huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) trong quá trình làm việc mở van bình khí nén oxy để hàn các cấu kiện cốt thép tại trụ T5, thuộc dự án cầu Hòa Bình 2 thì bất ngờ bình khí phát nổ, làm nam công nhân tử vong tại chỗ.
Trước đó, ngày 18/12/2019, cũng tại công trình này đã từng xảy ra vụ tai nạn làm 4 công nhân rơi xuống sông Đà, một công nhân (quê huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) tử vong; còn 3 công nhân khác bị thương. Những sự việc trên khiến dư luận lo lắng, có hay không việc vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động tại dự án? Cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những tai nạn như vậy?