Dự án đường giao thông Ba Chẽ - Hạ Long: Nguy cơ mất hàng chục hécta rừng và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

(PLO) - Việc thi công tuyến đường được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng, điển hình là các hoạt động san ủi, đào đắp trong khi thi công và các hoạt động của các phương tiện giao thông khi khai thác tuyến đường sẽ gây chia cắt sinh cảnh sống của một số loài động vật; ô nhiễm nguồn nước hồ Cao Vân, tiềm ẩn cao các nguy cơ cháy rừng; khai thác trái pháp luật gỗ, lâm sản ngoài gỗ trong rừng đặc dụng.
Hiện trạng rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng có nhiều loài thực vật có giá trị bảo tồn, thuộc loài quý hiếm, có trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, Sách Đỏ thế giới (IUCN) như sến mật, vàng tâm, sồi đĩa, dẻ, táu...
Hiện trạng rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng có nhiều loài thực vật có giá trị bảo tồn, thuộc loài quý hiếm, có trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, Sách Đỏ thế giới (IUCN) như sến mật, vàng tâm, sồi đĩa, dẻ, táu...

Vi phạm Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Dự án đường giao thông Ba Chẽ - Hạ Long, đoạn từ xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) đến tuyến dường vành đai phía Bắc TP Hạ Long do UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) làm chủ đầu tư với mục đích kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con huyện Ba Chẽ tới khu vực trung tâm Hoành Bồ - Hạ Long – Cẩm Phả. Dự kiến, chiều dài toàn tuyến của Dự án là 18,39km, quy mô đường cấp IV miền núi, bề rộng nền đường Bnền = 7,5m, bề rộng mặt đường Bmặt = 5,5m.

Theo Văn bản số 3691/SNN&PTNT-KL ngày 07/11/2016 của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh gửi UBND huyện Ba Chẽ thì tuyến đường sẽ sử dụng 48,4 ha rừng; trong đó 15,7ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, 13,3ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cao Vân, 8,6ha rừng phòng hộ Ba Chẽ và 10,8ha rừng sản xuất của một số hộ nhân dân.

Đối với khoảng 20ha đất rừng dự kiến sử dụng làm bãi đổ thải; để hạn chế việc san lấp, sói lở đất mới, làm phá vỡ hệ sinh thái rừng đặc dụng, ảnh hưởng đến tính năng của rừng phòng hộ đầu nguồn và gây bồi lắng lòng hồ Cao Vân; Sở NN&PTNT đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu, lựa chọn các địa điểm đổ thải ở các khu vực rừng sản xuất; lập hồ sơ xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển đổi mục đích sang làm bãi đổ thải đất đá.

Trong biên bản điều tra, xác định hiện trạng rừng tự nhiên để thực hiện Dự án ngày 27/12/2016 và Văn bản số 08/VB – BTTT ngày 21/2/2017 của Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng nêu rõ: diện tích tuyến đường của Dự án dự kiến đi qua các khoảnh 5, 7, 11 tiểu khu 72 xã Hòa Bình, huyện Hoành Bồ thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng có chiều dài khoảng 15,7ha.

Hiện trạng rừng nơi tuyến đường đi qua là trạng thái rừng tự nhiên trung bình, rừng tự nhiện phục hồi, rừng tự nhiên nghèo, rừng hỗn giao tre nứa ước tính trên 14ha; diện tích còn lại là đất trống, trảng cỏ, cây bụi. Đường kính cây gỗ dao động từ 6cm đến 40cm; mật độ từ 520 cây/ha đến trên 1.180 cây/ha; trữ lượng từ 36m3/ha đến 111,5m3/ha; tổng trữ lượng gỗ là 1.217,8m3 (chưa tính đến sản lượng tre, nứa và các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ).

Văn bản số 08/VB-BTTT cũng cho biết, hiện tại nơi Dự án đi qua hệ sinh thái rừng đang diễn thế tích cực với hệ động thực vật đa dạng; có nhiều loài thực vật có giá trị bảo tồn, thuộc loài quý hiếm, có trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, Sách Đỏ thế giới (IUCN) như sến mật, vàng tâm, sồi đĩa, dẻ, táu... Đây là một trong các diện tích rừng có tính đa dạng sinh học cao và được xem là một khu vực điển hình của hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi thấp trong khu Khu bảo tồn thiên nhiên nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung.

Đồng thời, Văn bản số 08/VB-BTTT còn dự báo: “...Việc thi công tuyến đường được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng điển hình là các hoạt động san ủi, đào đắp trong khi thi công và các hoạt động của các phương tiện giao thông khi khai thác tuyến đường sẽ gây chia cắt sinh cảnh sống của một số loài động vật, ô nhiễm nguồn nước hồ Cao Vân, tiềm ẩn cao các nguy cơ cháy rừng; khai thác trái pháp luật gỗ, lâm sản ngoài gỗ trong rừng đặc dụng”.

 Ngày 3/4/2017, Văn bản số 475/TĐ-ĐTM của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) gửi Ban quản lý dự án công trình huyện Ba Chẽ đã khẳng định: 

“Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học năm 2008, việc xây dựng tuyến đường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 01 trong những hành vi bị nghiên cấm về đa dạng sinh học. Việc xây dựng tuyến đường có bề rộng nền đường Bnền = 7,5m, bề rộng mặt đường Bmặt = 5,5m trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là vi phạm Quyết định số 24/2012/ QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020 (theo Quyết định này, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được phép làm các tuyến đường mòn với bề rộng tối đa không quá 1,5m)”.

Ngoài ra, Văn bản số 475/TĐ – ĐTM của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường còn đề nghị Ban quản lý dự án công trình huyện Ba Chẽ lưu ý các yêu cầu của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh tại Văn bản số 3691/SNN&PTNT-KL ngày 07/11/2016 về việc nghiên cứu, lựa chọn các điểm đổ thải để hạn chế việc san lấp, xói lở đất mới, làm phá vỡ hệ sinh thái rừng đặc dụng, ảnh hưởng đến tính năng của rừng phòng hộ đầu nguồn và gây bồi lắng lòng hồ Cao Vân; cũng như thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Những con suối trong vắt nằm len lỏi trong rừng dẫn nước ra hồ Cao Vân; hai bên là ngút ngàn, tầng tầng, lớp lớp thảm thực vật đa dạng, phong phú
Những con suối trong vắt nằm len lỏi trong rừng dẫn nước ra hồ Cao Vân; hai bên là ngút ngàn, tầng tầng, lớp lớp thảm thực vật đa dạng, phong phú

Đừng vì lý do này khác mà xén vào rừng

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ. Ông Sơn cho biết, ngày 20/4/2017, UBND huyện Ba Chẽ đã có văn bản gửi lên UBND tỉnh Quảng Ninh về việc xin được điều chỉnh hướng tuyến của Dự án nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường; còn các thông số kỹ thuật khác của Dự án như bề rộng nền đường, bề rộng mặt đường, chiều dài toàn tuyến, chiều dài đi qua rừng đặc dụng là thế nào...? Ông Sơn chỉ nói chung chung là không nhớ hết, hoặc đang đợi khảo sát thiết kế lại. 

Được bao bọc bởi hệ sinh thái rừng đang diễn thế tích cực, với hệ động, thực vật đa dạng, nước hồ Cao Vân luôn trong xanh, được dùng làm nguồn nước sạch cung cấp cho đời sống sinh hoạt của hàng trăm ngàn người dân ở TP Hạ Long và Cẩm Phả. 

Sau đó phóng viên đã gửi nội dung câu hỏi tới email theo yêu cầu của ông Sơn từ ngày 27/4, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm; phóng viên đã liên lạc nhiều lần qua điện thoại nhưng cũng không thấy ông Sơn trả lời!?..

Trong cuộc trao đổi ngắn vào sáng ngày 12/5/2017, ông Vũ Văn Diện (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Cách đây 3-4 hôm đã giao lại cho UBND huyện Ba Chẽ tự bàn, tự quyết định và trình lại; phải rà soát, mời các ngành vào họp để đề xuất phương án, báo cáo đánh giá tất cả các tác động ảnh hưởng.

Theo GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam): Đất nước ta đang phải chịu nhiều hệ lụy xấu do biến đổi khí hậu, do vậy rừng càng trở nên quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Nhà nước đã có quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... rồi thì đừng vì lý do này khác mà xén vào rừng; phải nghiêm túc thực hiện quy định của Nhà nước. Cho dù Dự án có điều chỉnh hướng tuyến và sửa lại mà ảnh hưởng đến rừng, đến môi trường và đa dạng sinh học trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, rừng bị thu hẹp như hiện nay thì không nên triển khai Dự án.

Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nêu rõ: “...không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định); dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước...”.

Đứng trước những thách thức do biến đổi khí hậu, do suy giảm môi trường đang tác động tiêu cực và ngày càng trực tiếp, gay gắt tới mọi mặt đời sống xã hội; các vị lãnh đạo đứng đầu của Đảng, Nhà nước ta đều khẳng định quyết tâm: Không đánh đổi môi trường lấy dự án. Do vậy, chính quyền huyện Ba Chẽ cần xem xét một cách kỹ lưỡng, để không đi ngược lại với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những cánh rừng bớt đi lời khẩn cầu, kêu cứu vì “thương tích” và “chảy máu”.

Đọc thêm