Dân “dài cổ” chờ hỗ trợ
Nhiều năm liền, các hộ dân ở Hòa Bắc thường xuyên chịu cảnh nhà cửa bị nứt, hư hỏng do ảnh hưởng thi công Dự án đường HCM. Đơn cử như nhà bà Trần Thị Châu (thôn Phò Nam) xây mới, thuộc diện giải tỏa, đền bù cũng từ Dự án đường HCM vào năm 2016, cách đường HCM 20 mét.
Thế nhưng, ngôi nhà trệt 1 tầng xây kiên cố nay đã bị nứt, gãy rất trầm trọng và “cần phải phá dỡ xây dựng mới lại” như biên bản giám định hiện trường do Công ty CP Giám định Năng lượng Việt (ETC) lập tháng 6/2018.
Tuy nhiên, hộ gia đình bà Châu chỉ được hỗ trợ mang tính “tượng trưng” 5,249 triệu đồng, trong khi kinh phí xây dựng hết gần 500 triệu đồng khiến bà thấy “không thỏa đáng”.
Theo thống kê của UBND xã Hòa Bắc, số nhà ở người dân bị nứt do ảnh hưởng thi công đường HCM gồm thôn Phò Nam 51 hộ, thôn Nam Mỹ 8 hộ, thôn Giàn Bí 25 hộ, thôn Tà Lang 11 hộ (trong đó thôn Phò Nam đã có 38 hộ dân nhận tiền hỗ trợ đợt 1 vào khoảng tháng 6/2018).
Riêng gói thầu XL14, Dự án đường HCM, thuộc các thôn Nam Mỹ, Giàn Bí, Tà Lang có 43 hộ bị nứt nhà. Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, mặc dù đã có một số hộ dân nhận tiền hỗ trợ như đã nêu trên, nhưng người dân không đồng ý với mức hỗ trợ vì cho rằng đơn giá như vậy quá thấp. Do đó, trong thời gian qua, người dân tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới chính quyền và cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại.
Trong khi đó, tại xã Hòa Nhơn (cũng thuộc huyện Hòa Vang), lại vướng chưa đền bù GPMB. Vì thế, Dự án thời gian qua đã bị dân cản trở thi công. Theo ông Ngô Văn Long (tổ 3, Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn) cho biết: “Dân đồng thuận di dời, bàn giao đất cho dự án, nhưng địa phương phải rõ ràng, minh bạch và kịp thời. Đằng này họ nói một đằng, làm một nẻo, cho dân bốc lô tái định cư (TĐC) đã có chủ nên không còn tin”, ông Long nói.
Sau khi kiến nghị, xã, huyện hứa đến tận nhà để giải quyết nhưng đến nay gần cả tháng vẫn không một ai tới. Người dân điện thoại, lãnh đạo không trả lời, khóa máy.
Hơn 40 tỷ đồng vẫn tê liệt thi công vì dân cản trở
Theo báo cáo Dự án, các mũi thi công tại nút giao Túy Loan hiện hầu hết đều bị tê liệt vì dân cản trở thi công. Tại hiện trường, hàng chục phương tiện máy móc múc, lu nèn, xe ben, cùng gần 40 cán bộ, công nhân của nhà thầu thi công chỉ biết thi công cầm chừng. Hiện trường các nhánh C2, D2… ngổn ngang vì vướng mắc mặt bằng.
Anh Trần Hồng Đô, cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi làm việc mà như đánh trận. Chỗ nào có mặt bằng, công nhân tranh thủ làm cống, tường bao. Tuy nhiên, chỉ ở vị trí xôi đỗ, còn lại hầu hết bị vướng mặt bằng, cản trở thi công. Cực chẳng đã, nhà thầu lập biên bản hiện trường với sự xác nhận của các hộ dân, nêu rõ lý do cản trở thi công để có báo cáo cơ quan chức năng cụ thể”.
Thống kê của Ban Quản lý Dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, nút giao Túy Loan có 39 trường hợp GPMB giai đoạn 2, đến nay hoàn thành 28 hộ, còn 11 hộ chưa hoàn thành GPMB, thực tế số hộ cản trở thi công lớn hơn nhiều. Theo các hộ dân này, việc cản trở thi công là bất đắc dĩ. Họ rất muốn bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng trước tiên địa phương phải giải quyết nhanh việc đền bù, bố trí TĐC hợp lý để họ ổn định cuộc sống.
Đại diện nhà thầu nút giao Túy Loan cho biết, nút giao Túy Loan (gói thầu số 1) nằm đầu tuyến Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Từ tháng 8/2017, đoạn tuyến JICA (Đà Nẵng vào Tam Kỳ) đã thông xe đưa vào khai thác nhưng nút giao Túy Loan vẫn chưa thể có ngày hoàn thiện vì vướng mắc mặt bằng.
Thậm chí khi địa phương tuyên bố bàn giao, hoàn thành xử lý mặt bằng nút giao những ngày qua (đầu tháng 11/2018), vẫn có 14 hộ cản trở, không cho thi công, ký biên bản hiện trường với hàng loạt lí do do địa phương chưa hoàn thành bố trí đất TĐC thực tế, hỗ trợ sản xuất…
“Cả năm qua, nút giao Túy Loan chỉ đạt sản lượng thi công chừng 1 tỷ đồng với các phần việc nhỏ lẻ. Còn lại hơn 40 tỷ đồng vẫn tê liệt thi công. Dự án nhiều lần xin gia hạn thời gian hoàn thành, nếu có mặt bằng, chúng tôi chỉ cần 2 tháng sẽ hoàn thiện dứt điểm. Lo nhất mùa mưa, lễ, Tết cận kề trong khi nút giao nham nhở, nguy cơ mất ATGT”, lãnh đạo nhà thầu nút giao Túy Loan nói.
Tuy nhiên, qua trao đổi PLVN, ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang vẫn phủ nhận có chuyện dân cản trở thi công dự án và cam đoan địa phương đã rà soát, không riêng Dự án nút giao Túy Loan, nếu xử lý hết các cơ chế chính sách, dân vẫn cản trở thi công sẽ tiến hành các biện pháp để bảo vệ thi công.
Trước đó, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lưu ý, nếu không xử lý rốt ráo mặt bằng, nút giao Túy Loan không thể triển khai hoàn thành trước áp lực hết hiệp định vốn vay. Dự án không được bố trí vốn để triển khai, khi đó phải bỏ dang dở, gây phức tạp hạ tầng giao thông TP.