Hai nội dung được “chốt” sau đàm phán
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của BCĐTW về phòng chống tham nhũng, từ 26/8/2019 đến ngày 24/10/2019, KTNN đã kiểm toán Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước.
Kết quả kiểm toán công bố cho thấy, phát hiện có dấu hiệu bất thường trong quá trình thương thảo ký hợp đồng có thể làm thất thoát khoản tiền 4,12 triệu USD do phát sinh chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Trong số đó có 1,9 triệu USD là vốn nhà nước tương ứng với phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVOIL) vào Dự án.
Tại hồ sơ đề xuất ngày 11/2/2010 của Liên danh Nhà thầu TTCL&PVE đã làm rõ sai lệch về các chỉ số COD và BOD (các thông số kỹ thuật trong xử lý chất thải - PV) như sau: Theo hồ sơ yêu cầu COD: 30.000-35.000ppm, BOD: 15.000-20.000ppm; theo đề xuất của nhà thầu COD: 45.000-55.000ppm; BOD: 23.400-28.600ppm. Giá đề xuất thực hiện gói thầu EPC là 64,372 triệu USD.
Báo cáo KTNN cho biết: Do có sự khác biệt nên chủ đầu tư và nhà thầu EPC đã tổ chức cuộc họp đàm phán, làm rõ thương mại và kỹ thuật. Biên bản họp ngày 23/2/2010, có hai nội dung quan trọng: Trong phần thông tin kỹ thuật tại mục 22, nhà thầu đã làm rõ thông số COD: 45.000-55.000ppm; BOD: 23.400-28.600ppm là thông tin mới nhất của nhà thầu công nghệ PRAJ; và tại mục 2, phần sai lệch kỹ thuật, chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất điều chỉnh thông số COD từ 30.000-35.000ppm theo hồ sơ yêu cầu thành 45.000-55.000ppm, thông số BOD từ 15.000-20.000ppm thành 23.400-28.600ppm.
Trong các ngày 26/2/2010 và ngày 9/3/2010, Liên danh Nhà thầu TTCL&PVE liên tục có hai lần gửi hồ sơ đề xuất điều chỉnh, trong đó cập nhật các nội dung đã đàm phán. Theo đó, nhà thầu cam kết thực hiện mọi công việc theo hồ sơ yêu cầu và các nội dung đã đàm phán từ ngày 23 - 26/2/2010 (biên bản đàm phán là một bộ phận của hồ sơ đề xuất điều chỉnh ngày 26/2/2010) với giá trọn gói là 58,38 triệu USD giảm gần 6 triệu USD so với đề xuất trước đó.
Dấu hiệu bất thường...
Theo kết quả kiểm toán của KTNN, sau khi “chốt” được các nội dung quan trọng trên, ngày 10/3/2010, OBF đã gửi công văn đến Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, trong đó khẳng định chỉ số COD trong nước thải của Nhà máy là 45.000-55.000ppm; Ngày 17/3/2010, Hội đồng thành viên OBF ra Nghị quyết chấp thuận phát hành Thỏa thuận nguyên tắc cho Liên danh TTCL&PVE dựa trên kết quả đánh giá đề xuất sửa đổi lần cuối hợp đồng EPC với giá trọn gói là 58,38 triệu USD.
Sau khi kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng, OBF có công văn đề nghị PVOil đồng ý để OBF phát hành Ý định thư - nguyên tắc ký hợp đồng OPC, trong đó nêu rõ OBF sẽ chỉ định Liên danh TTCL&PVE thực hiện gói thầu EPC trên cơ sở hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất ngày 9/3/2010 của nhà thầu, các biên bản họp từ 23-26/2/2010 với giá trọn gói là 58,38 triệu USD.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo kiểm toán, biên bản họp ngày 23/2/2010 là một bộ phận của Hợp đồng EPC do chủ đầu tư cung cấp lại bị xóa mất hai nội dung quan trọng nêu trên. Quá trình thực hiện hợp đồng, nhà thầu đã yêu cầu và được chủ đầu tư chấp thuận trả thêm khoản chi phí phát sinh 4,12 triệu USD do việc phải điều chỉnh các thông số COD và BOD đầu vào của Hệ thống xử lý nước thải theo đúng nội dung đã được các bên thống nhất tại các biên bản họp từ ngày 23-26/2/2010 nhưng đã bị xóa trong Hợp đồng EPC để đáp ứng yêu cầu của Hợp đồng là nước thải đầu ra đạt loại A.
“Có dấu hiệu bất bình thường trong việc phê duyệt phát sinh 4,12 triệu USD Hệ thống xử lý nước thải, cụ thể: Hai nội dung quan trọng về làm rõ, thống nhất điều chỉnh các chỉ số COD, BOD đã bị xóa tại biên bản thương thảo hợp đồng ngày 23/2/2010. Quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã phê duyệt bổ sung giá Hợp đồng EPC số tiền 4,12 triệu USD do điều chỉnh các chỉ số COD, BOD đầu vào của Hệ thống xử lý nước thải không đúng với các nội dung đã đàm phán, thống nhất trước đó có thể làm thất thoát vốn nhà nước 1,19 triệu USD tương ứng với phần vốn góp của PVOil”, báo cáo KTNN nhận định.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN xác định, ngoài trách nhiệm của OBF, còn có trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp PVOil ở Dự án khi đã ký Phụ lục bổ sung giá Hợp đồng EPC cho phần phát sinh không đúng nội dung đã đàm phán làm thất thoát 1,19 triệu USD. Báo cáo gửi BCĐTW về phòng, chống tham nhũng và Thủ tướng Chính phủ, KTNN đề nghị PVOil cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đại diện phần vốn góp; đồng thời đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan, chức năng kiểm tra, làm rõ những dấu hiệu bất thường đã làm thất thoát hơn 4 triệu USD, trong đó có 1,19 triệu USD là tài sản nhà nước góp vốn vào dự án.