Dự án giết mổ gia súc, gia cầm ở Hương Trà: Dân phản đối, tỉnh vẫn quyết làm

(PLO) - Sau 3 tháng gửi đơn kiến nghị, người dân nhận được trả lời của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều đáng nói, tỉnh này viện  văn bản chưa có hiệu lực pháp luật để thể hiện quyết tâm triển khai dự án này.
Người dân thôn Bồn Trì họp phản đối dự án

Dân khiếu nại lên Thủ tướng

Như chúng tôi đã phản ánh, ngày 9/5/2017, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Cung ứng thực phẩm An Thịnh đầu tư Dự án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phía Bắc tại phường Hương An (thị xã Hương Trà) mà không tham vấn ý kiến người dân khiến hàng trăm hộ dân thôn Bồn Trì ký đơn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phản đối.

Đơn phản ánh cho rằng, dự án nằm ngay trên đầu làng, sát miếu Khai Canh, nơi người dân tập trung thờ cúng, sinh hoạt cộng đồng trong các sự kiện trọng đại của làng vào các dịp lễ, tết; vị trí cơ sở giết mổ án ngữ trước mặt các đền thờ họ tộc của làng chưa đầy 400 mét.

Tuy nhiên, thay vì tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến người dân thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lại phát công văn trả lời là “đã kiểm tra thực tế” và tiếp tục cho phép chủ đầu tư hoàn tất thủ tục để triển khai dự án. Cho rằng tỉnh không dân chủ nên hàng trăm hộ dân đứng đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.

“Khu vực này là vùng trũng hứng nước của 7 khe suối và có địa hình lòng chảo; bao quanh là núi và đường tránh Huế nên về mùa mưa thường xuyên ngập sâu từ 1 - 2 mét. Nếu xây dựng cơ sở giết mổ ở đây chẳng khác nào chứa một túi nước thải khổng lồ mang mầm bệnh nguy hiểm chực chờ trên đầu người dân. Ở đây còn có mồ mả tổ tiên, ông bà, là nơi các hộ dân đang sống, nuôi trồng và sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở giết mổ sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của bà con và gây hại đến môi trường sống của nhiều hộ dân trong vùng”, người dân nêu trong đơn. 

Ông Nguyễn Đăng Sáu- Tổ trưởng Tổ dân phố Bồn Trì cho biết, từ ngày nhân dân thôn Bồn Trì có kiến nghị gửi các cấp chính quyền cho đến nay chưa có cơ quan nào trực tiếp tiếp xúc với dân để nghe dân trình bày. Thay vào đó, ngày 8/8 chúng tôi nhận được công văn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với nội dung đề nghị chủ đầu tư và các cơ quan liên quan hoàn thiện thủ tục để dự án triển khai dự án. “Trước văn bản trả lời này ngày 17/8, 277 người dân thôn Bồn Trì đại diện cho 220 hộ đã họp và thống nhất không đồng tình với công văn của tỉnh nên làm đơn gửi lên Thủ tướng...”, ông Sáu nói.

Vị trí xây dựng dự án cách đường Quốc lộ chừng 350m

Viện dẫn thông tư chưa có hiệu lực

Nhiều người dân thôn Bồn Trì cho rằng họ không hề được thông báo Dự án sẽ triển khai trên địa bàn, mà chỉ biết khi chủ đầu tư làm lễ đặt đá trên đất ruộng của mình. Điều này vi phạm nghiêm trọng Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. 

Nghiên cứu hồ sơ do người dân Bồn Trì cung cấp, chúng tôi được biết, ngày 8/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Công văn số 5672 do Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Đình Bách ký trả lời đơn kiến nghị. Tuy nhiên, nội dung công văn này có nhiều điểm bất hợp lý và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 

Cụ thể, Công văn số 5672 đã viện dẫn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung (QCVN 01-150:2017/BNNPTNT) được ban hành kèm theo Thông tư số 13 /2017/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng Dự án giết mổ gia súc cách khu dân cư tối thiểu 500m được quy định theo QCVN 01-150:2017/BNNPTNT. Trước đó, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng qua đo thực tế thì vị trí xây dựng lò mổ cách xa khu dân cư 650 mét (?).

Về nội dung này, chưa nói khoảng cách chênh lệch 150m là quá gần thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn bỏ qua quy định có lợi cho người dân mà viện dẫn quy định có lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, tại QCVN 01-150:2017/BNNPTNT, điểm 2.1.2 quy định: Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm phải cách biệt tối thiểu 500 m với khu dân  cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người,  quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Nhưng ở đây Công văn số 5672 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ lấy khoảng cách Dự án đối với khu dân cư mà bỏ qua quy định khỏang cách Dự án với quốc lộ; bởi lẽ Dự án này chỉ cách đường quốc lộ tránh TP Huế chừng 350m. Với quy định này, Dự án đã vi phạm QCVN 01-150:2017/BNNPTNT về khoảng cách đối với quốc lộ.

Việc viện dẫn quy định bất lợi cho người dân còn thể hiện qua việc Quyết định số 949/QĐ-UBND về chủ trương cho phép doanh nghiệp thực hiện dự án được ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký ngày 9/5/2017, trong khi ngày 20/6/2017, QCVN 01-150:2017/BNNPTNT mới được ban hành theo Thông tư số 13 /2017/TT-BNNPTNT. Chưa hết, Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT được ban hành ngày 20/6/2017 nhưng đến ngày 20/12/2017 mới có hiệu lực; điều này đồng nghĩa với việc QCVN 01-150:2017/BNNPTNT cũng đến ngày 20/12/2017 mới có hiệu lực. Như vậy, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế viện dẫn văn bản chưa có hiệu lực để áp dụng pháp luật để trả lời người dân là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế viện dẫn sai văn bản pháp luật để quyết làm dự án nơi đây, phải chăng đã coi trọng quyền lợi doanh nghiệp hơn môi trường sống của người dân? 

Đọc thêm