Dự án hệ thống chống lũ lụt sông Cầu: Bất thường khi chỉ định liên danh nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Thanh tra Chính phủ, các nội dung đánh giá, chỉ định liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị 2 bên bờ sông Cầu (Dự án) của UBND tỉnh Thái Nguyên là mang tính hình thức, có nhiều dấu hiệu bất thường.
2.811 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước mà tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tham gia giải phóng mặt bằng Dự án sông Cầu là không đúng quy định.
2.811 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước mà tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tham gia giải phóng mặt bằng Dự án sông Cầu là không đúng quy định.

Nhà đầu tư được chỉ định trúng thầu 9 dự án thành phần là ai?

Theo Quyết định (QĐ) 2190/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đề xuất đầu tư Dự án, xác định cơ quan cấp thẩm quyền quyết định đầu tư là UBND tỉnh và cơ quan chuẩn bị Dự án là Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - TCty XDCTGT 8.

Theo kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2018 ngày 1/7/2021 (KLTT) của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngày 19/10/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có biên bản thỏa thuận về việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) giao nhà đầu tư (NĐT) Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc-TCty XDCTGT 8 lập BCNCKT cả 9 dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị 2 bên bờ sông Cầu (Đề án).

Căn cứ hồ sơ BCNCKT đã được NĐT lập và các báo cáo được các sở, ngành địa phương thẩm định trong cùng một ngày 10/11/2016, UBND tỉnh đã phê duyệt BCNCKT của 9 dự án. Tại các QĐ phê duyệt, phương án tài chính vốn đầu tư dự án BT dự kiến thu hồi thông qua đối trừ chi phí sử dụng đất tại các dự án khác (dự án đối ứng) của 9 dự án với tổng diện tích 700 ha, tổng mức đầu tư dự án khác là 8.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) 2.800 tỷ, vốn NĐT 5.600 tỷ đồng.

Liên quan tới việc lựa chọn nhà đầu tư của 9 dự án thành phần thuộc Đề án, theo KLTT, sau khi được chọn làm cơ quan chuẩn bị dự án chừng 4 tháng, xét báo cáo đề xuất của TCty Tư vấn xây dựng Việt Nam, báo cáo thẩm định của một số sở, ngành, trong cùng một ngày 22/12/2016, UBND tỉnh đã QĐ phê duyệt kết quả lựa chọn NĐT trúng thầu 9 dự án là Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc-TCty XDCTGT 8-T&G.

Theo thỏa thuận đầu tư được ký giữa NĐT với đại diện tỉnh, TMĐT dự án BT 9.811,6 tỷ đồng, vốn NSNN tham gia GPMB 2.811 tỷ đồng, vốn NĐT huy động 6.999,6 tỷ đồng, tổng diện tích đất dự án khác khoảng 700 ha. Ngày 24/12/2016, UBND tỉnh ban hành QĐ cấp GCN đầu tư với 9 dự án do liên danh 3 NĐT đã được chọn.

Ký hợp đồng BT để chiếm giữ “đất vàng”?

Ngoài các vi phạm về phê duyệt BCNCKT, chuyển dự án nhóm A thành 9 dự án thành phần như PLVN đã phản ánh trước đó, từ kết quả thanh tra ở 9 dự án này, TTCP còn cho rằng việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đề xuất Dự án là không phù hợp với với Nghị định 15/2015/NĐ-CP về sử dụng vốn nhà nước tham gia dự án. Việc UBND tỉnh chưa có QĐ phê duyệt chủ trương sử dụng vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án là không phù hợp khoản 5 Điều 4 Thông tư 02/2016/TT-BKHĐT.

Liên quan đến việc lựa chọn NĐT cho dự án, TTCP cũng cho rằng, các nội dung đánh giá mang tính hình thức. Thời gian đánh giá và thẩm định hồ sơ yêu cầu quá ngắn (trong 1 ngày) so với nội dung cần xem xét, đánh giá với quy mô 9 dự án khi một NĐT cùng lúc trúng thầu (được chỉ định) cả 9 dự án, dẫn tới kết quả đánh giá về năng lực, vốn chủ sở hữu thực hiện dự án BT và dự án khác, vốn vay của NĐT chưa phù hợp với quy định về lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ lựa chọn NĐT.

Việc thẩm định phương án tài chính cho dự án cũng có nhiều vấn đề. Tại các báo cáo thẩm định phương án tài chính - BCNCKT của Sở Tài chính chỉ thẩm định vốn chủ sở hữu của NĐT khi thực hiện dự án BT, không tổ chức thẩm định vốn chủ sở hữu của NĐT khi thực hiện dự án khác; là không phù hợp quy định. Việc xác định giá trị và lập kế hoạch vốn đầu tư nhà nước tham gia dự án chưa được xem xét khi thẩm định phương án tài chính của dự án là không phù hợp với quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

Mặc dù phương án tài chính được UBND tỉnh phê duyệt tại các QĐ phê duyệt BCNCKT gồm 25 khu đất có diện tích 700 ha dự kiến đối ứng dự án BT. Tuy nhiên, sau khi được lựa chọn trúng thầu như trên, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc-TCty XDCTGT 8-T&G đã được UBND tỉnh ký ngay 3 hợp đồng BT để thực hiện ba dự án số 1, 4, 5.

Cả ba dự án BT trên hướng tới 7 khu đất công (diện tích 95.186 m2), vị trí đắc địa bậc nhất Thái Nguyên, trong số 25 khu đất được dự kiến đối ứng gồm: Trụ sở Cty TNHH Thoát nước, Rạp chiếu bóng tỉnh Thái Nguyên, Khách sạn Trung Tín, BV chỉnh hình và phục hồi chức năng Thái Nguyên, Trường Mầm non 19/5, Sở Xây dựng, Sân vận động tỉnh.

Qua thanh tra 3 dự án này, ngoài phát hiện nhiều vi phạm về quy hoạch, thiết kế, giá cả, chi phí trong tổng mức đầu tư không hợp lý; thì kể từ khi được tỉnh ký hợp đồng BT, NĐT gần như không có động thái thực hiện dự án mà có dấu hiệu chỉ giữ mặt bằng, khi sau 35 tháng các dự án không thấy lập bản vẽ thi công.

Các khu đất dự kiến được giao NĐT thực hiện dự án khác được xác định theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ 278/2005/QĐ-TTg, Sau khi quy hoạch chung được Thủ tướng điều chỉnh tại QĐ 2486/2016/QĐ-TTg, UBND tỉnh, NĐT chưa xác định lại vị trí các khu đất; với các khu đất thuộc khu vực đất công dự kiến giao NĐT để lập phương án tài chính chưa được lập, rà soát báo cáo Thủ tướng theo Điều 2, Điều 3 Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/12/2018.

Xác định trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh và cơ quan tham mưu, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án, có biện pháp xử lý đúng pháp luật với các vi phạm được phát hiện qua thanh tra.

Đọc thêm